Bất cập hướng dẫn viên du lịch
Biến tiềm năng thành động lực phát triển | |
Tháng 10, du lịch Việt đón lượng khách quốc tế cao kỷ lục | |
Để phát huy tối đa tiềm năng của du lịch MICE |
Hướng dẫn viên dùng... bằng giả
Những năm gần đây, ngành du lịch Việt Nam có sự tăng trưởng khá ổn định. Năm 2018, cả nước đã đón được khoảng 15,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2015. Du lịch Việt Nam đã được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) xếp thứ 6 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách quốc tế cao nhất thế giới. Bên cạnh thị trường khách quốc tế, lượng khách nội địa của Việt Nam cũng đang duy trì ở mức tăng trưởng khá cao, khoảng 15%/năm trong giai đoạn 2011 - 2018.
Số lượng hướng dẫn viên trong cả nước đang tăng nhanh |
Đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành “công nghiệp không khói”, đội ngũ các hướng dẫn viên du lịch trong nước cũng tăng nhanh về số lượng. Cụ thể, vào thời điểm năm 2005, cả nước mới có khoảng 5. 000 hướng dẫn viên, sau 10 năm con số này đã lên đến 16.560 hướng dẫn viên. Đến tháng 8/2019 đã có 25.500 hướng dẫn viên trong cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh việc phát triển về số lượng thì đội ngũ các hướng dẫn viên du lịch trong cả nước lại đang tồn tại nhiều hạn chế, sai phạm. Ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của ngành du lịch cũng như hình ảnh, thương hiệu của các địa phương.
Trên thực tế hiện nay, những vấn đề bất cập của đội ngũ hướng dẫn viên du lịch đã được các cơ quan chức năng chỉ ra. Song, để khắc phục, xử lý lại đang gặp rất nhiều khó khăn. Tại một cuộc họp bàn về công tác quản lý hướng dẫn viên du lịch được tổ chức tại TP. Đà Nẵng, ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch đã nêu ra nhiều vấn đề “nóng”, trong thực trạng hoạt động, sử dụng hướng dẫn viên du lịch tại các địa phương trong cả nước.
Trong đó, nổi cộm là các vấn đề như, sự tăng trưởng không đồng đều của hướng dẫn viên du lịch sử dụng các ngoại ngữ khác nhau; sự thiếu hụt về số lượng, hay người hướng dẫn không có thẻ, người nước ngoài hành nghề hướng dẫn du lịch trái phép tại Việt Nam. Đặc biệt, là vấn nạn các hướng dẫn viên sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả để xin cấp thẻ hướng dẫn viên quốc tế và nội địa... Những vấn đề này đã và đang khiến các cơ quan chức năng cũng như chính bản thân các công ty lữ hành phải “đau đầu” để xử lý…
Việc các hướng dẫn viên dùng bằng cấp, chứng chỉ giả không phải là chuyện mới. Đặc biệt, diễn biến khá phức tạp tại các trung tâm du lịch lớn trong cả nước. Trung bình mỗi năm, các cơ quan quản lý du lịch địa phương phát hiện và thu hồi khoảng 200 trường hợp hướng dẫn viên sử dụng bằng cấp giả, chứng chỉ giả. Đơn cử, mới đây nhất tại Thừa Thiên-Huế, cơ quan công an đã quyết định khởi tố bị can với bảy hướng dẫn viên du lịch dùng chứng chỉ ngoại ngữ giả. Trước đó, cơ quan CSĐT công an quận Hải Châu (TP. Đà Nẵng) cũng đã bắt giữ, truy tố các đối tượng làm giả, mua bán thẻ hướng dẫn viên du lịch... Theo nhiều người, nguyên nhân chính, do thời gian, điều kiện thực hiện cấp đổi thẻ theo quy định còn tương đối dễ. Các địa phương có ít thời gian để thẩm định hồ sơ nên không kịp thời phát hiện sai phạm cụ thể là các trường hợp dùng bằng cấp giả.
Cần nhiều biện pháp xử lý
Bên cạnh, vấn nạn sử dụng bằng giả, chứng chỉ giả một trong những bức xúc của dư luận là tình trạng hướng dẫn viên du lịch “chui”. Trong đó, có sự tham gia của các hướng dẫn viên du lịch trong nước và cả các đối tượng là người nước ngoài. Tại TP. Đà Nẵng cũng như một số trung tâm du lịch lớn khác, gần đây cụm từ “sitting guide”, có nghĩa là hướng dẫn viên du lịch tiếp tay cho người nước ngoài hoạt động chui tại Việt Nam khá quen thuộc đối với nhiều người. Tình trạng này diễn ra khá phức tạp tại những thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh như, Trung Quốc, Hàn Quốc...
Việc tồn tại những hướng dẫn viên “bù nhìn” này đã làm xấu hình ảnh của ngành du lịch Việt Nam cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều hướng dẫn viên chân chính khác. Bên cạnh, các hướng dẫn viên “chui” ở trong nước, tình trạng này còn có sự tham gia của các đối tượng người nước ngoài. Cũng tại TP. Đà Nẵng, hiện các cơ quan chức năng đã nắm thông tin liên quan đến nhiều đối tượng người Hàn Quốc hay Trung Quốc đang ở Đà Nẵng theo diện du lịch. Nhưng, thực chất là để hành nghề hướng dẫn viên trái phép. Thậm chí, có doanh nghiệp mang danh lữ hành, nhưng được thành lập ra chỉ để che giấu các đối tượng người nước ngoài hoạt động du lịch trái phép.
Trên thực tế, việc xử lý các hướng dẫn viên hoạt động trái phép rất khó khăn. Do các đối tượng này luôn có nhiều biện pháp đối phó rất tinh vi. Chưa hết, những hoạt động này còn có sự tiếp tay, bao che của các công ty lữ hành, hướng dẫn viên người Việt. Vì hám lợi, nhiều hướng dẫn viên đã nhắm mắt làm ngơ để cho vấn nạn hướng dẫn viên chui ngày càng lộng hành. Trong khi, muốn xử lý người nước ngoài làm du lịch trái phép phải chứng minh rõ ràng hành vi, có đầy đủ chứng cứ từ hình ảnh, video trên thực tế...
Đến nay, việc xử lý những vi phạm trong ngành hướng dẫn viên du lịch của các cơ quan chức năng đang gặp nhiều khó khăn khác. Bởi vậy, rất cần những giải pháp kết hợp, mang tính đồng bộ thì mới mong giải quyết được vấn đề. Giải pháp đầu tiên, theo nhiều người các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của đội ngũ hướng dẫn viên du lịch. Từ đó, nếu phát hiện các vi phạm, kịp thời xử lý nghiêm để răn đe, tránh tái phạm, hoặc “bắt cóc bỏ đĩa”. Xử lý nghiêm các công ty lữ hành, cơ sở lưu trú có hành vi sai phạm, tiếp tay cho người nước ngoài hoạt động hoạt động du lịch trái phép. Trong đó, có vấn nạn hướng dẫn viên du lịch chui...
Được biết, để đối phó với tình trạng hướng dẫn viên du lịch dùng bằng giả, ngành du lịch ở một số địa phương, như tại TP. Đà Nẵng đã đưa vào triển khai quản lý hướng dẫn viên bằng mã QR. Đây cũng là cơ sở dữ liệu về các hội viên. Chỉ cần quẹt mã là thấy được các thông tin của hướng dẫn viên. Thẻ đó còn hạn hay hết hạn, tránh được tình trạng sử dụng thẻ giả để hành nghề.
Thiết nghĩ, đây cũng là một mô hình, cách làm hay cần được nhân rộng ra nhiều địa phương khác trong cả nước, đặc biệt tại các trung tâm du lịch lớn. Ngoài những giải pháp trên, cơ quan chức năng cũng cần tổ chức các chương trình gặp mặt, trao đổi tâm tình với các hướng dẫn viên. Từ đó, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hành nghề… Động viên họ nói không với những hiện tượng tiêu cực, góp phần nâng cao hình ảnh của du lịch Việt Nam trong lòng du khách cả trong lẫn ngoài nước.