Du lịch nông nghiệp, sinh thái ở Hà Nội: Cần thêm những trải nghiệm
Tại Hà Nội, các mô hình du lịch nông nghiệp, sinh thái như trang trại đồng quê Ba Vì của TS. Ngô Kiều Oanh; Đường Lâm (Sơn Tây); Khoang Xanh - Suối Tiên; Khu du lịch Ao Vua; hồ Tiên Sa, Khu du lịch Đồng Mô (Sơn Tây), hay hồ Quan Sơn (Mỹ Đức)… dù mới khai thác trong khoảng thời gian ngắn nhưng đã cho thấy hiệu quả rõ nét. Du khách thích thú với các hoạt động hái rau xanh, bắt cá, làm bánh cuốn, đốt lửa trại, hay thưởng ngoạn cánh đồng lúa chín vàng, tổ chức các đám cưới lãng mạn trên cánh đồng, chụp ảnh ở công viên rơm, ngắm trăng… ở những nơi này.
Các em nhỏ trải nghiệm trồng rau tại Khu du lịch sinh thái Bản Rõm (Sóc Sơn) |
Ngay trong khu vực nội đô, cách trung tâm Hà Nội không xa, quận Long Biên được biết đến như là “thủ phủ” của du lịch sinh thái. Nơi đây từng là ngoại thành của Hà Nội với những bờ bãi, vườn cây được phù sa sông Hồng bồi đắp, tạo nên một vùng có diện tích đất nông nghiệp rộng lớn, phì nhiêu. Các mô hình du lịch sinh thái tại đây đang ngày càng phát triển với Khu du lịch sinh thái Bảo Sơn, Khu du lịch sinh thái Long Thành; Khu du lịch sinh thái Rose Park Đầm Trành... Các khu du lịch này có diện tích không lớn nhưng đều có những nét đặc trưng riêng. Ví như nếu Rose Park Đầm Trành thu hút các du khách nữ bằng hàng nghìn gốc hồng đẹp trong khung cảnh lãng mạn như trong truyện cổ tích, thì Khu du lịch sinh thái Bảo Sơn lại là điểm đến cuối tuần lý tưởng với các trò chơi cho trẻ em và khu cắm trại, câu cá cho người lớn.
Quận Long Biên cũng là điểm đến của các trang trại giáo dục dành cho các em học sinh mẫu giáo, tiểu học. Trong đó phải kể đến trang trại Erahouse (phường Giang Biên, Long Biên) với hàng trăm nghìn lượt học sinh từ các trường trong và ngoài Thủ đô Hà Nội đến tham quan, tìm hiểu mỗi năm. Tại đây, các bé được tham quan, chơi các trò chơi dân gian, tìm hiểu về các loài động, thực vật, làm bánh...
Gia đình chị Nguyễn Minh Phương (Thanh Xuân, Hà Nội) vừa trở về sau chuyến dã ngoại cuối tuần tại trang trại Erahouse. Chị cho biết, chỉ mất khoảng 40 phút chạy xe từ nhà tới đây. Tại đây, các thành viên trong gia đình đã có những giây phút vui chơi thoải mái với nhiều hoạt động cho hai bạn nhỏ. “Thích nhất là lũ trẻ nhà tôi được trở về với thiên nhiên, được thỏa sức khám phá và hoạt động không ngừng. Nhìn chúng háo hức tìm hiểu cuộc sống của người nông dân, tự tay chăm sóc, thu hoạch các loại rau, củ; rồi cho gà, lợn, thỏ, dê ăn, uống nước... mình cũng thấy vui theo. Gia đình tôi luôn muốn duy trì hoạt động này mỗi dịp cuối tuần”, chị Phương chia sẻ.
Trong Quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030, du lịch sinh thái được xác định là một trong 7 sản phẩm chính của Hà Nội, gồm: Du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch vui chơi giải trí, du lịch MICE, du lịch mua sắm, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch nông nghiệp. Trong đó, du lịch sinh thái tập trung vào các sản phẩm tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu các giá trị cảnh quan, sinh thái tại khu vực Vườn quốc gia Ba Vì, khu danh thắng Hương Sơn, khu vực núi Sóc - hồ Đồng Quan...
Cùng với đó, Hà Nội cũng chú trọng phát triển hệ thống cơ sở lưu trú gắn với sinh thái dọc theo các vành đai xanh bao gồm: Vành đai xanh hai bờ sông Hồng, vành đai xanh cảnh quan sinh thái, vành đai xanh hai bờ sông Đáy nhằm làm tăng giá trị gia tăng của sản phẩm, đa dạng hóa các loại hình trải nghiệm và kéo dài thời gian lưu trú của du khách tại Hà Nội.
Tuy nhiên, hiện hầu hết các khu du lịch sinh thái ở Hà Nội hoạt động không đều, có sự trùng lặp, đơn điệu khiến du khách không muốn quay lại. “Nhiều khu du lịch chỉ hoạt động vào những ngày cuối tuần, còn trong tuần gần như không có khách. Với thời gian đón khách ít như vậy, doanh nghiệp khó có khả năng thu lợi nhuận để tái đầu tư và bổ sung thêm các hoạt động hấp dẫn nhằm kéo du khách đến. Đây thực sự là bài toán luẩn quẩn giữa “con gà và quả trứng” với không ít khu du lịch sinh thái trên địa bàn Hà Nội”, thạc sĩ Nguyễn Văn Tài, Tổng giám đốc Công ty VietSense Travel nhìn nhận.
Để khắc phục hạn chế này, ông Tài cho rằng, các khu du lịch sinh thái phải luôn tự làm mới mình, tăng cường đầu tư cho các dịch vụ bổ trợ, trải nghiệm mới để thu hút du khách. Cùng với đó, phải chia đối tượng khách theo thị trường, lứa tuổi, nhu cầu hưởng thụ, khám phá... nhằm đa dạng hóa các hoạt động trải nghiệm và phục vụ đông đảo đối tượng khách hàng. Bên cạnh việc tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên, các khu du lịch sinh thái có thể nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng mức chi tiêu của du khách bằng việc đầu tư, nâng cấp hệ thống lưu trú, nghỉ dưỡng và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí... Cùng với đó, chính quyền địa phương cũng cần có những giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư quảng bá, đào tạo kỹ năng, kiến thức để thu hút du khách.