Giải cứu doanh nghiệp nhìn từ xúc tiến thương mại
Theo Cục Xúc tiến Thương mại (Vietrade) – Bộ Công Thương, ba trọng điểm để tháo gỡ khó khăn cho DN trong lĩnh vực công thương gồm: giảm tồn kho; duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh và tiếp cận vốn vay ngân hàng. Ba tiêu điểm đó quan hệ mật thiết vừa là tiền đề vừa là hệ quả. Trong ba tiêu điểm đó, hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) tuy chỉ có thể tham gia vào 2 điểm đầu là giảm tồn kho - duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhưng nếu giải quyết được 2 mục tiêu đó là gián tiếp giải quyết vốn liếng của DN.
Ảnh: MH
Thực tế phát triển hoạt động XTTM trong những năm qua cho thấy, với việc tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, các DN trong một thời gian ngắn, với chi phí tối thiểu, nhưng có nhiều cơ hội quảng bá sản phẩm của mình. Đồng thời gặp gỡ giao thương với các đối tác đến từ nhiều nền kinh tế, tìm hiểu thị hiếu khách hàng, quan sát được đối thủ cạnh tranh cùng kinh doanh những mặt hàng tương tự. Từ đó sẽ hiệu chỉnh chiến lược, đổi mới quy trình sản xuất, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng hàng hoá phù hợp với chuẩn quốc tế, phát triển xuất khẩu, phát triển thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, các chuyến khảo sát thị trường hoặc mời nhà nhập khẩu nước ngoài đến nước ta cũng tạo thêm những cơ hội mới, nhưng ở tầm mức chuyên sâu, kỹ càng cho từng mặt hàng, với mỗi khách hàng. Các chương trình khuyến mại chân thực cũng kích thích nhu cầu mua sắm của công chúng và cũng là dịp DN đánh giá thực chất sức hút của sản phẩm đối với thị hiếu đông đảo người tiêu dùng, hài lòng về mẫu mã, ưng ý về chất lượng, tự giác chấp nhận về giá cả.
Vietrade cho biết, những việc làm trên đều được DN ghi nhận, đánh giá cao sự hỗ trợ có hiệu quả của XTTM, đặc biệt là qua hai điểm nhấn là Chương trình XTTM quốc gia và Chương trình thương hiệu quốc gia. Tuy vậy, trong bối cảnh DN đang đối mặt với nhiều khó khăn gay gắt, đến mức nên coi đây là chiến dịch giải cứu cho DN, thì việc đưa ra những giải pháp về đẩy mạnh XTTM hiệu quả là thực sự cần thiết và cấp thiết hiện nay.
Theo đó, đối với thị trường trong nước, cần hỗ trợ các DN phát triển hệ thống kênh phân phối hàng Việt rộng khắp trong cả nước, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo và khu vực biên giới để không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn có thể đưa hàng Việt sang các nước láng giềng. Ngoài ra, tổ chức thuộc hệ thống XTTM trong cả nước, nhất là các tổ chức XTTM thuộc các địa phương, các bộ ngành, Hiệp hội, tăng tần suất mở hội chợ triển lãm. Trong đó, các DN tham gia hội chợ sẽ được miễn, giảm kinh phí thuê gian hàng, được tài trợ thông tin, tạo địa điểm giao dịch, ký kết hợp đồng... DN tham gia hội chợ, ngoài những công việc thông lệ, cần tranh thủ thăm dò, đánh giá nhận xét của khách hàng. Khích lệ các DN mở các chương trình khuyến mại chân thực như mua hàng trúng thưởng, mua hàng kèm quà tặng, tăng tỷ lệ hoa hồng đại lý.
Liên quan đến xuất khẩu, việc quan trọng là phải chọn lựa các hội chợ - triển lãm quốc tế để tham gia có hiệu quả. Khi tham gia không nhất thiết mở thật nhiều gian hàng, giới thiệu tràn lan các mặt hàng mà nên hướng vào những mặt hàng có triển vọng, vào những thị trường tiềm năng, củng cố bạn hàng cũ, liên kết khách hàng mới. Khi mời các nhà nhập khẩu nước ngoài vào Việt Nam, cần điều tra, nắm vững thông tin về các khách hàng, đồng thời cung cấp đủ các thông số để khách hàng có thể sớm quyết định mua hàng, tránh tình trạng chỉ là việc khuyến mại cho họ thăm thú Việt Nam.
Nhà nước cũng cần có chính sách củng cố, mở thêm văn phòng XTTM Việt Nam tại các thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng. Mỗi văn phòng nên đặt yêu cầu về lập hồ sơ thị trường, phát triển bạn hàng, chắp mối quan hệ với hệ thống phân phối tại địa bàn nước sở tại và chỉ tiêu định hướng về tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường đó. Đồng thời, hợp sức giải quyết khơi thông tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, miễn, hoãn, giảm thuế, điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu, nhập khẩu, thông quan thuận lợi, giảm chi phí bến bãi, kho tàng, trên đường vận chuyển.
Minh Hiếu