Doanh nghiệp nhỏ và vừa hướng đến chuyển đổi số tinh gọn và linh hoạt
17:14 | 09/09/2021
Trước nhu cầu về chuyển đổi số, doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam đang nỗ lực để bắt kịp xu thế. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều rào cản như thiếu kỹ năng số và nhân lực, nền tảng công nghệ thông tin, tư duy kỹ thuật số…
![]() | Chuyển đổi số - Giải pháp giúp ngành xây dựng vượt qua đại dịch |
![]() | Chuyển đổi số: Hành trình trải nghiệm |
![]() | Chuyển đổi số là mệnh lệnh hành động |
![]() |
Doanh nghiệp nhỏ và vừa hướng đến chuyển đổi số tinh gọn và linh hoạt |
Vấn đề được các chuyên gia thảo luận tại hội thảo trực tuyến “Chuyển đổi số - Từ chính sách đến giải pháp thực tiễn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức ngày 9/9.
Hơn 60% doanh nghiệp chọn chuyển đổi số
Báo cáo "Tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam" do VCCI phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện, qua khảo sát hơn 10.000 doanh nghiệp cho thấy, có gần 90% doanh nghiệp ở hầu hết các ngành, nghề bị ảnh hưởng tiêu cực do COVID-19. Đặc biệt, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2021, có đến 25.919 doanh nghiệp nhỏ và vừa (quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng) chiếm hơn 90% số doanh nghiệp tạm thời đóng cửa, ngừng hoạt động.
Để vượt qua khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi số nhằm tối đa hóa hoạt động quản trị doanh nghiệp, bán hàng... Ông Nguyễn Trung Thực, Viện Tin học VCCI chia sẻ, số doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng công nghệ vào chuyển đổi số phục vụ sản xuất, kinh doanh đã tăng khoảng 60,6% so với trước khi có dịch, tập trung vào các khâu tổ chức làm việc tại nhà, họp hành từ xa, bán hàng và tiếp thị trực tuyến...
Dưới góc nhìn doanh nghiệp công nghệ, ông Tôn Anh Dũng, Giám đốc sản phẩm Công ty CP công nghệ Elite đánh giá, tốc độ chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp đã tăng nhanh gấp 5 lần so với trước khi có dịch. Trong điều kiện quy mô, tiềm lực các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn có thể áp dụng các mô hình chuyển đổi số từ đơn giản đến cao cấp.
Tuy nhiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa lại gặp phải những thách thức không nhỏ vì thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để chuyển đổi số. Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam gặp nhiều rào cản trong chuyển đổi số, như thiếu kỹ năng số và nhân lực, nền tảng công nghệ thông tin chưa đủ mạnh, thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp…
Hướng đến tinh gọn và linh hoạt
Để tiếp tục vận hành và phát triển, nhiều doanh nghiệp phải tìm hướng đi mới, đẩy nhanh số hóa, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật số đáp ứng yêu cầu chuyển đổi. Cùng với đó, doanh nghiệp phát triển sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu mới của thị trường trong dịch; kết nối chặt chẽ với đối tác, nâng cao năng lực đổi mới và sức cạnh tranh trên thị trường.
Bàn về nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp nhỏ và vừa, bà Dương Thị Hạnh Phúc, Giám đốc tiếp thị HPE Việt Nam phân tích, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần hạ tầng công nghệ thông tin không gây lo lắng. Nghĩa là hệ thống cần được vận hành liên tục; tính bảo mật và tin cậy được đề cao; được hỗ trợ kỹ thuật dễ dàng, thuận tiện; các nhân viên có thể làm việc và cộng tác ở bất cứ đâu. Đặc biệt, thông qua hạ tầng công nghệ, doanh nghiệp có được mô hình gọn nhẹ nhưng vẫn đầy đủ, chi phí đầu tư hiệu quả và hợp lý… Qua đó, giúp doanh nghiệp cải thiện năng lực vận hành, tăng sức sáng tạo và hiệu suất, khai thác được giá trị dữ liệu để đưa ra những kế hoạch đột phá.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phải có hạ tầng công nghệ thông tin đủ mạnh, có nhân lực chuyên trách về công nghệ thông tin mới có thể chuyển đổi số và đảm bảo cho hệ thống vận hành tốt, kết nối thông suốt và an toàn. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa do hạn chế về nguồn vốn, khi chuyển đổi số cần lựa chọn các phương án phù hợp với mô hình nhỏ, gọn, dễ triển khai, dễ cấu hình, dễ quản lý, với mức chi phí hợp lý nhất. Hiện các nhà cung cấp công nghệ đã có những giải pháp phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và vừa phục vụ chuyển đổi số, dữ liệu vẫn được bảo mật tuyệt đối, đảm bảo có thể vận hành mọi hoạt động thông suốt, bà Dương Thị Hạnh Phúc nói.
Tuy nhiên, TS. Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số, khuyến cáo việc tiến hành chuyển đổi số mà không dựa trên một khung cơ sở sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp tuy vẫn vận hành nhưng nguồn lực không được khai thác hiệu quả và thiếu tính gắn kết, hiệu suất, giá trị chung trong doanh nghiệp.
"Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải có một khung chuyển đối số theo hướng tinh gọn, linh hoạt dựa trên khung chuyển đối số chung. Lộ trình chuyển đổi sẽ tương ứng với những nhu cầu và quy mô tổ chức khác nhau, kết quả đầu ra của quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp", TS. Phạm Anh Tuấn nói.
Ngoài ra, ông Tôn Anh Dũng cho rằng, việc lựa chọn giải pháp thực tiễn hay mô hình công nghệ để áp dụng chuyển đổi số tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần dựa vào các yếu tố như chi phí, khả năng triển khai, tính phức tạp, mức độ hiệu quả và tính bảo mật.
Chẳng hạn, số hóa cho mô hình kết nối từ 50 người đến 100 người dùng, mức đầu tư chỉ từ 50-80 triệu đồng và vẫn có khả năng nâng cấp. Doanh nghiệp nào có điều kiện hơn, có thể đầu tư số hóa theo mô hình kết nối từ 200 người, mức đầu tư khoảng 200 triệu đồng, có thể tương thích được hầu hết các thiết bị công nghệ trên thị trường, độ tin cậy an toàn thông tin, bảo mật rất cao và khả năng nâng cấp cũng rất cao, ông Tôn Anh Dũng phân tích.
Ái Nhiên