IMF thành lập Quỹ tín thác Khả năng phục hồi và bền vững
10:32 | 18/04/2022
Ban điều hành IMF vừa thông qua quyết định thành lập Quỹ tín thác Khả năng phục hồi và bền vững (RST) - một công cụ mới để hỗ trợ các nước thu nhập thấp và trung bình ứng phó với những thách thức dài hạn như biến đổi khí hậu và đại dịch.
Cuối tuần qua, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã có buổi tiếp xã giao bà Rosemary Lim – Giám đốc điều hành Văn phòng Nhóm Đông Nam Á (SEAVG) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tiên của các đoàn công tác của IMF ngay sau khi dỡ bỏ tình trạng phong tỏa. Tại buổi tiếp này hai chính khách đã trao đổi nhiều nội dung về mối quan hệ hợp tác giữa ngành Ngân hàng Việt Nam và IMF thời gian qua và chương trình nghị sự toàn cầu của IMF trong thời gian tới.
Đặc biệt, hôm 13/4 Ban điều hành IMF đã thông qua quyết định thành lập Quỹ tín thác Khả năng phục hồi và bền vững (RST) - một công cụ mới để hỗ trợ các nước thu nhập thấp và trung bình ứng phó với những thách thức dài hạn như biến đổi khí hậu và đại dịch. Quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/5 tới với mục tiêu huy động được ít nhất 45 tỷ USD cho quỹ này.
![]() |
Ảnh minh họa |
Quỹ tín thác RST do Giám đốc IMF bà Kristalina Georgieva đề xuất vào tháng 6/2021, cho phép hỗ trợ cho các quốc gia có thu nhập thấp bên cạnh Quỹ tín thác tăng trưởng và giảm nghèo hiện nay. Phát biểu hôm 13/4, bà Georgieva cũng cho biết RST sẽ bổ trợ cho tác động của khoản tiền 650 tỷ USD được IMF phân bổ cho Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) vào năm ngoái. Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) là một dạng tiền dự trữ quốc tế do IMF xây dựng từ năm 1969, có vai trò bổ sung cho nguồn dự trữ tiền của các quốc gia thành viên. SDR được tạo ra để giải quyết những lo ngại về những hạn chế của vàng và đôla Mỹ với vai trò là phương tiện duy nhất để thanh toán các tài khoản quốc tế. SDR sẽ giúp tăng cường thanh khoản quốc tế bằng cách bổ sung thêm đồng tiền dự trữ tiêu chuẩn. Hiện IMF hỗ trợ tài chính với lãi suất thấp hoặc 0% để giúp các nước giải quyết những thách thức ngắn hạn như lạm phát hoặc giá hàng hóa tăng cao, cũng như những khó khăn về tài chính trong trung hạn.
Trong khi đó, Chương trình Tăng trưởng và Giảm đói nghèo (PRGF) chỉ dành riêng cho những nước có thu nhập thấp. Theo nội dung RST do các nhân viên IMF soạn thảo để trình lên ban lãnh đạo xem xét, gần 75% trong số 190 nước thành viên của IMF sẽ đủ điều kiện để vay vốn từ công cụ này. Những nước được tham gia chương trình bao gồm các nước thu nhập thấp và đa số các nước thu nhập trung bình, trong đó có tất cả các nước nhỏ đang phát triển. Để đủ điều kiện vay vốn từ RST, các nước vẫn cần xây dựng “chính sách đáng tin cậy và các biện pháp cải cách”, mức nợ có thể chống đỡ được và đủ khả năng trả nợ cho IMF, đồng thời nằm trong chương trình hỗ trợ tài chính hoặc phi tài chính của IMF. Quỹ tín thác này sẽ hỗ trợ tài chính cho nhiều quốc gia với lãi suất thấp và thời gian trả nợ dài (thời gian đáo hạn 20 năm và thời gian ân hạn 10 năm rưỡi). IMF có kế hoạch từ tháng 10/2022 sẽ bắt đầu cho vay vốn theo chương trình trên.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) được thành lập vào tháng 7/1944 tại Hội nghị Bretton Woods (New Hampshire, Hoa Kỳ) với 44 nước hội viên sáng lập. Mục tiêu chủ yếu của IMF là bảo đảm sự ổn định của hệ thống tiền tệ quốc tế - hệ thống tỷ giá và hệ thống thanh toán, cho phép các quốc gia và công dân của mình giao dịch với nhau và với công dân của nước khác. IMF giám sát diễn biến kinh tế và tài chính các quốc gia, các khu vực và toàn cầu cũng như chính sách quản lý kinh tế, tài chính, tiền tệ của các nước. Thông qua hoạt động giám sát này, IMF tư vấn cho các nước hội viên trong việc hoạch định các chính sách để đảm bảo ổn định kinh tế, kiểm soát rủi ro tài chính và kinh tế cũng như nâng cao mức sống người dân.
Việt Nam Cộng hòa gia nhập IMF ngày 21/9/1956. Từ năm 1976, CHXHCN Việt Nam chính thức kế thừa vị trí hội viên IMF của Việt Nam Cộng hòa, thuộc nhóm Đông Nam Á trong IMF. Theo thông tin từ NHNN, trong giai đoạn 1993-2004, IMF đã cung cấp cho Việt Nam ba khoản vay với tổng vốn 473 triệu SDR (tương đương với 653,3 triệu USD). Tính tới thời điểm 31/12/2012, Việt Nam đã thanh toán hết các khoản nợ trước đây cho IMF.
Hiện nay, quan hệ Việt Nam - IMF tiếp tục trên nhiều lĩnh vực như giám sát kinh tế vĩ mô, đối thoại, tư vấn chính sách, đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam. Hàng năm theo định kỳ, IMF thực hiện các đợt đánh giá về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam thông qua hai Đoàn công tác: Đoàn Điều IV và Đoàn cán bộ để nghiên cứu cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam để đưa ra các tư vấn, đánh giá, đề xuất về chính sách vĩ mô trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại, cải cách DNNN…
Hà An