Chệch hướng trong AEC, doanh nghiệp sẽ khó bật lên
Việt Nam - AEC cộng hưởng sức mạnh | |
AEC và hiệu ứng đầu tư | |
Cùng doanh nghiệp hội nhập AEC |
Ông Võ Trí Thành |
6 tháng đầu năm 2017, Việt Nam tiếp tục nhập siêu với thị trường ASEAN ở mức 3,23 tỷ USD. Xu hướng nhập siêu kéo dài nhiều năm và chưa có nhiều cải thiện dù việc hội nhập sâu với thị trường ASEAN, đặc biệt là sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), được kỳ vọng sẽ giúp đảo ngược thế cờ.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, đây là điều đáng lưu ý vì việc “bỏ quên” thị trường ASEAN có thể sẽ khiến DN Việt Nam bỏ qua cơ hội tốt nhất để nâng cao năng lực.
Nhìn lại cán cân thương mại Việt Nam - ASEAN, theo ông đâu là dấu hiệu đáng lưu ý cho Việt Nam để tận dụng tốt hơn các cơ hội mà AEC mang lại?
Có thể thấy kim ngạch thương mại Việt Nam - ASEAN trong những năm gần đây cứ loanh quanh mức 20%, dù giá trị tuyệt đối có tăng nhưng tỷ trọng không tăng lên được như kỳ vọng. Vấn đề nằm ở đâu?
Tôi cho rằng, thứ nhất là thương mại hàng hoá giữa Việt Nam và ASEAN mang tính cạnh tranh nhiều, do cơ cấu sản phẩm tương đồng khá nhiều mà tính bổ sung thì chưa cao. Đó là chưa kể cơ cấu hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam những năm gần đây do khối DN FDI dẫn dắt, vì vậy yếu tố cạnh tranh nhờ tính chủ động, sự khác biệt… liên quan trực tiếp đến năng lực của DN Việt Nam là chưa cao. Gắn liền với đó là khả năng đáp ứng tiêu chuẩn, quy tắc xuất xứ của DN Việt Nam còn rất hạn chế.
Cho đến nay chỉ có 2 DN Việt Nam được tự chứng nhận xuất xứ khi xuất khẩu hàng hoá vào thị trường ASEAN. Nghiên cứu về tỷ lệ thoả mãn xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan cũng cho thấy tỷ lệ DN Việt Nam đủ điều kiện đã tăng lên nhiều dù chưa cao lắm, đạt trên dưới 25%. Điều này cho thấy nhiều DN Việt Nam có khả năng để đạt quy tắc xuất xứ và hưởng thuế quan ưu đãi vào ASEAN, nhưng bản thân họ chưa chủ động thực hiện.
Thương mại hàng hoá giữa Việt Nam và ASEAN mang tính cạnh tranh nhiều, do cơ cấu sản phẩm tương đồng khá nhiều mà tính bổ sung chưa cao |
Vấn đề thứ 2 là quá trình mở cửa hội nhập của Việt Nam rất sâu rộng, có nhiều thị trường khác nhau để tiếp cận, mà nhiều thị trường khác ngoài ASEAN lại có tính bổ sung rất mạnh với Việt Nam. Đối với các thị trường này, lợi thế so sánh của hàng hoá Việt Nam dù không cao nhưng rất rõ, ví dụ điển hình là thị trường Mỹ, EU… Vì vậy các DN Việt Nam có xu hướng dồn sức, dồn nguồn lực mở rộng vào các thị trường đó. Điều này thể hiện ở tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào Mỹ, EU… qua các năm tăng rất cao, cao hơn nhiều so với tốc độ mở rộng thương mại với ASEAN.
Có thể hiểu ý của ông là các DN trong nước dường như đang mải mê “đánh bắt xa bờ” mà bỏ quên thị trường nhiều tiềm năng là ASEAN ở ngay bên cạnh?
Có thể nói là như vậy. Đôi khi chúng ta muốn “ăn xổi” nên ngại mở lối mới mà cứ quen đi theo đường cũ, vì vậy cách làm chưa bài bản lắm. Chúng ta thiếu cái mạnh mẽ dứt khoát để thay đổi. Ở đây có một vấn đề cần lưu ý là xu hướng chệch hướng thương mại. Đôi khi vì sự chệch hướng này mà các DN bỏ qua cơ hội tốt nhất để tự nâng cao năng lực của chính mình.
Với các diễn biến hiện nay, theo ông sự chệch hướng này đã đến mức phải cảnh báo hay chưa?
Theo tôi chưa đến mức phải cảnh báo. Bởi thực tế cho thấy chúng ta cũng đã tận dụng cơ hội khá tốt từ AEC để tăng cường thương mại và đầu tư. Điều này thể hiện ở kim ngạch thương mại song phương từ ASEAN vào Việt Nam và từ Việt Nam sang ASEAN đều tăng trưởng qua các năm. ASEAN hiện là đối tác thương mại đứng thứ 3-4 của Việt Nam, cơ cấu thương mại cũng ngày càng thay đổi cả về mặt sản phẩm và bạn hàng.
Ví dụ trước kia hàng hoá chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp, năng lượng, nhưng hiện nay đã đa dạng hơn và các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo… Bạn hàng trước kia chủ yếu là Singapore, thì nay đã có thêm Thái Lan và nhiều đối tác khác. Vì vậy trước kia giá trị gia tăng của sản phẩm thấp thì hiện tại cũng đã nâng cao hơn.
Về mặt đầu tư, không chỉ là ASEAN vào Việt Nam mà Việt Nam cũng tìm kiếm cơ hội rất nhiều, cam kết hàng chục tỷ USD vào các nước như Myanmar, Lào, Campuchia… Hiện nay một số tập đoàn cũng bắt đầu nhen nhóm ý định đầu tư vào các nước phát triển hơn, như FPT đầu tư vào Singapore… Đây sẽ là tiền đề quan trọng để mở rộng các cơ hội hợp tác, gia tăng dòng thương mại theo hướng cân bằng hơn cho phía Việt Nam vào các quốc gia ASEAN.
So sánh giữa mục tiêu và kết quả thực tế mà chúng ta đạt được, theo ông tiến trình hội nhập vào AEC của Việt Nam hiện nay có được như kỳ vọng hay không?
Quá trình hội nhập có thể nhanh hay chậm, tốc độ chưa như mong muốn, song tôi cho rằng không có điều gì phải bi quan. Tôi nhìn nhận vấn đề theo hướng cơ hội nhiều hơn là thách thức. Hiện nay nếu so với mức trung bình của thế giới thì tỷ lệ thương mại - dịch vụ trong tổng GDP của các quốc gia ASEAN còn thấp so với trung bình của thế giới. Điều này cũng thể hiện rất rõ ở Việt Nam. Ngoại trừ một số phân ngành như xây dựng, du lịch… là tương đối phát triển, còn lại đều dưới tiềm năng. Cho nên tính chung lại, thương mại dịch vụ của chúng ta thâm hụt rất lớn, hàng năm trên dưới 5-6 tỷ USD. Đây vừa là vấn đề lại vừa nói lên dư địa để phát triển bật lên theo nhịp chung của thế giới còn rất lớn.
Cũng cần nhắc lại rằng hội nhập ASEAN nói chung và AEC nói riêng là quá trình, cho nên chúng ta muốn tiến lên nhưng cũng không thể quá vội vã, nó có điểm khởi đầu nhưng mãi mãi không kết thúc vì lợi ích của người dân, DN và tất cả các bên. Vì vậy chúng ta không nên quá bi quan và phải nhớ rằng hội nhập được dẫn dắt bởi thị trường rất mạnh, cho nên sức mạnh thị trường, lợi thế so sánh, lợi ích người dân, DN rất gắn với câu chuyện chuyển động năng động của thị trường.
Từ xưa đến nay khu vực Đông Á rất dẫn dắt thị trường. Muốn chơi với thế giới mà ASEAN là trung tâm thì phải nhận ra tiềm năng đó. Các NĐT bên ngoài đều nhận ra điều đó và luôn khẳng định ASEAN là top 3 hấp dẫn nhất trong thu hút FDI, mình trong cuộc lại không thấy cái năng động, hấp dẫn đó thì khó có thể tận dụng được.
Đối với Việt Nam, đây là sân chơi để chúng ta tập dượt trước khi ra biển lớn hơn. Cần nhìn nhận ASEAN là nơi để tạo dựng dần vị thế của mình, các nước nhỏ gắn kết với nhau thì vị thế mặc cả sẽ nâng lên, là nền tảng tốt để giữ liên hệ với thế giới. Trong hợp tác với các tổ chức song phương, đa phương thì ASEAN cũng ủng hộ Việt Nam rất mạnh.
Xin cảm ơn ông!