Công cụ hữu hiệu đảm bảo ASXH và giữ vững định hướng XHCN trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam (Bài 1)
Bài 1: Việt Nam nhất quán quan điểm “tăng trưởng kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội”
Theo định nghĩa của Tổ chức Lao động thế giới (ILO, 2001): An sinh xã hội (ASXH) là “sự bảo vệ mà một xã hội cung cấp cho các cá nhân và hộ gia đình để đảm bảo khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và đảm bảo an ninh thu nhập, đặc biệt trong các trường hợp tuổi già, thất nghiệp, bệnh tật, thương tật, tai nạn lao động, thai sản hoặc mất trụ cột gia đình”.
Được bảo đảm ASXH là quyền con người, được ghi nhận tại Điều 25 Tuyên bố thế giới về nhân quyền năm 1948 của Liên hợp quốc: “(i) Mọi người đều có quyền được hưởng một mức sống phù hợp với sức khoẻ và sự no ấm cho bản thân và gia đình bao gồm: thực phẩm, quần áo, nhà ở, y tế và các dịch vụ xã hội cần thiết, quyền ASXH trong lúc thất nghiệp, đau ốm, tàn tật, goá bụa, tuổi già hay các tình huống thiếu thốn khác do hoàn cảnh ngoài khả năng kiểm soát của mình; (ii) Các bà mẹ và trẻ em phải được hưởng sự chăm sóc và trợ giúp đặc biệt. Tất cả mọi trẻ em, sinh có hôn thú hay không, đều được xã hội bảo vệ một cách bình đẳng”.
Song có một thực tế phải thừa nhận là dù lịch sử phát triển của loài người đã chứng kiến nhiều tiến bộ to lớn, nhưng đến nay, sinh mạng và cuộc sống của mỗi người, trong bất kỳ chính thể nào vẫn đang còn phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên và môi trường sống. Thiên tai, địch hoạ… có thể khiến một bộ phận dân cư rơi vào “yếu thế”, mà để có thể tiếp tục tồn tại và phát triển, họ cần nhận được sự trợ giúp, chủ yếu là của Nhà nước thông qua hệ thống ASXH.
Theo phân tích của PGS, TS. Lê Thị Thanh Hà, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, hệ thống ASXH nhằm thực hiện 3 chức năng quan trọng: (i) Đảm bảo duy trì thu nhập liên tục cho mọi thành viên trong cộng đồng xã hội ở mức tối thiểu để giúp họ ổn định cuộc sống. Việc duy trì thu nhập liên tục cho những người lao động bị giảm hoặc mất khả năng lao động, mất việc làm, những người “yếu thế” trong xã hội là rất cần thiết. Song ngay cả những người giàu có và có địa vị xã hội đôi khi cũng cần đến sự hỗ trợ xã hội, ASXH nếu không may gặp phải thảm họa thiên nhiên, chiến tranh… bởi những thảm họa này không trừ một ai và hậu quả là vô cùng nặng nề; (ii) Tạo lập nên quỹ tiền tệ tập trung trong xã hội để phân phối lại cho những người không may gặp phải hoàn cảnh éo le, những người bị mất hoặc giảm thu nhập do nhiều nguyên nhân. Những quỹ tiền tệ tập trung do hệ thống ASXH tạo lập rất đa dạng và phong phú nhưng đều có một đặc điểm chung là không nhằm mục đích kiếm lời trong hoạt động của hệ thống ASXH; (iii) Gắn kết các thành viên cộng đồng xã hội để phòng ngừa, giảm thiểu và chia sẻ rủi ro, đối phó với những thảm họa xảy ra do các nguyên nhân khác nhau, giúp cho cuộc sống ổn định và an toàn.
Đồng bào dân tộc thiểu số xã Tá Bạ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu tìm hiểu thông tin về tín dụng chính sách xã hội tại trụ sở xã (Ảnh: Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp) |
Việt Nam là một quốc gia có trách nhiệm trong đảm bảo quyền con người nói chung, quyền ASXH nói riêng cho người dân. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng - quan điểm, tư duy mới của Đảng ta là thực hiện tốt ASXH để tạo ra tiền đề quan trọng cho sự ổn định kinh tế, chính trị, xã hội, góp phần củng cố những thành quả trong đổi mới kinh tế, đổi mới chính trị. Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 được nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) là: “Quan tâm đến mọi người dân, bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội”. [1]
Thể chế các quan điểm của Đảng, Điều 34, Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân có quyền được đảm bảo ASXH” và Điều 59: “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống ASXH, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác”.
Như vậy, nhận thức về quyền ASXH của người dân qua các kỳ Đại hội Đảng từ khi đổi mới đến nay luôn là sự kế thừa, phát triển phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và từng bước tiếp cận các chuẩn mực quốc tế trong quá trình hội nhập.
Tháng 5/2021, trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định: “Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển”.
Mục tiêu của các chính sách xã hội (CSXH) là nhằm giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế phải tiến hành song song với tiến bộ và công bằng xã hội trong quá trình phát triển, đáp ứng nhu cầu sống của con người và vì mục tiêu phát triển con người.
An sinh xã hội được xác định là trụ cột của CSXH, vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, ổn định chính trị - xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) là một chính sách rất quan trọng của CSXH; là công cụ, giải pháp quan trọng của Đảng, Nhà nước trong thực hiện các nhiệm vụ ASXH cho các đối tượng thuộc nhóm yếu thế trong xã hội, nhằm đạt mục tiêu bảo đảm phát triển xã hội tiến bộ và công bằng với chủ trương “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Cấu trúc ASXH ở Việt Nam gồm các trụ cột: (i) Chính sách đảm bảo việc làm, tạo thu nhập và giảm nghèo nhằm hỗ trợ người dân chủ động phòng ngừa các rủi ro trên thị trường lao động thông qua các chính sách đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, tín dụng, tạo việc làm, thu nhập tối thiểu và giảm nghèo đơn chiều, đa chiều, bền vững. (ii) Chính sách bảo hiểm xã hội nhằm hỗ trợ người dân giảm thiểu rủi ro về sức khỏe khi ốm đau, tai nạn, tuổi già và khi bị thất nghiệp thông qua các hình thức, cơ chế bảo hiểm xã hội để bù đắp một phần thu nhập bị mất hoặc bị suy giảm. (iii) Chính sách trợ giúp xã hội những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhằm hỗ trợ đột xuất và hỗ trợ thường xuyên cho người dân khắc phục các rủi ro khó lường, vượt quá khả năng kiểm soát như mất mùa, đói nghèo. (iv) Chính sách bảo đảm mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân, đặc biệt là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận hệ thống các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức tối thiểu bao gồm y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin truyền thông, trợ giúp pháp lý.
Trừ chính sách bảo hiểm xã hội, TDCSXH do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tham gia vào tất cả các trụ cột. Ngày 22/11/2014, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCSXH yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát huy hơn nữa vai trò, nâng cao hiệu quả TDCSXH trong thực hiện định hướng lớn, lâu dài và chủ trương nhất quán của Đảng là phát triển kinh tế đồng thời với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, tạo ra cơ hội tiếp cận tài chính công bằng hơn cho tất cả các tầng lớp xã hội, giúp giảm khoảng cách giàu - nghèo; hạn chế, tiến tới xóa bỏ vấn nạn “tín dụng đen” ở nông thôn, góp phần giữ vững an ninh, trật tự xã hội và định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.330