Công cụ hữu hiệu đảm bảo ASXH và giữ vững định hướng XHCN trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam (Bài 2)
Công cụ hữu hiệu đảm bảo ASXH và giữ vững định hướng XHCN trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam (Bài 1) |
Bài 2: Mối quan hệ giữa an sinh xã hội, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và tín dụng chính sách xã hội ở Việt Nam
Nhằm bảo đảm giữ vững định hướng XHCN trong phát triển kinh tế thị trường, Đảng, Nhà nước ta thực hiện “Quan hệ phân phối bảo đảm công bằng và tạo động lực cho phát triển; thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội” [1]. Để thực hiện phân phối theo hệ thống an sinh xã hội (ASXH), phúc lợi xã hội, Nhà nước phải thông qua các quỹ, các chương trình phát triển, qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH)...
Như đã nêu, các trụ cột an sinh xã hội (ASXH) ở Việt Nam nhằm thực hiện 3 chức năng chiến lược của hệ thống ASXH là: Phòng ngừa; giảm thiểu; khắc phục rủi ro. PGS,TS. Lê Thanh Tâm và ThS. Lê Đức Hoàng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phân tích, nguồn tài chính thực hiện chức năng phòng ngừa rủi ro chủ yếu đến từ các nguồn tài trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước. Trong đó, nguồn vốn tín dụng chính sách (TDCS) từ các định chế tài chính đặc biệt như NHCSXH vô cùng quan trọng, nhằm tạo cơ hội cho mọi tầng lớp có việc làm, thu nhập, có được năng lực vật chất cần thiết. Đây là nguyên tắc “cho cần câu chứ không cho con cá”, giúp người dân đối phó tốt nhất với rủi ro một cách bền vững. Còn việc tại sao nguồn tín dụng này không do các định chế tài chính thương mại thực hiện là bởi các định chế tài chính thương mại có mục tiêu lớn nhất là lợi nhuận, nguồn vốn chủ yếu từ huy động tiền gửi. Do vậy, không thể có các chính sách hỗ trợ tài chính (như thời hạn, lãi suất, phí) và phi tài chính (các điều kiện đánh giá khách hàng, đào tạo, hướng dẫn tư vấn, cung cấp dịch vụ tại chỗ) với thời hạn lâu dài, chi phí giao dịch và chi phí cơ hội thấp, nguồn vốn dài hạn để hỗ trợ cho ASXH. Đối với nguồn tài chính để thực hiện chức năng giảm thiểu rủi ro chủ yếu do đóng góp của người tham gia bảo hiểm và của ngân sách nhà nước. Nguồn tài chính để thực thi chức năng khắc phục rủi ro chủ yếu từ ngân sách nhà nước, các nguồn viện trợ, đóng góp hảo tâm… Nhìn vào cơ cấu nguồn lực để thực hiện 3 chức năng đảm bảo ASXH ở Việt Nam là phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục rủi ro thì tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) tham gia vào tất cả các chức năng này.
Chị Bùi Thị Sen, dân tộc Mường ở thôn Bài, xã Yên Bài, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội bên căn nhà mới xây rộng 140m2, với số tiền ngót 1 tỷ đồng nhờ quá trình tích luỹ tài sản sau khi vay vốn NHCSXH phát triển thành công mô hình chăn nuôi bò sữa (Ảnh: Phương Liên) |
PGS, TS. Lê Thị Thanh Hà, Phó Viện trưởng viện Xã hội học và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Nghiên cứu sinh Nguyễn Văn Châu, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng nhận xét, đặc thù của TDCSXH là không vì mục tiêu lợi nhuận mà nhằm phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, việc làm, cải thiện đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định kinh tế, chính trị và bảo đảm ASXH. Đối tượng vay vốn TDCSXH là người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc của chủ đầu tư có vốn ủy thác. Nguồn vốn cho vay chủ yếu từ ngân sách nhà nước, hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Lãi suất cho vay ưu đãi, hầu hết các chương trình cho vay không phải thế chấp tài sản), thủ tục cho vay, cách thức phục vụ và cách tiếp cận nguồn vốn TDCSXH đơn giản, thuận tiện… Với những đặc thù đó, TDCSXH là một trong những công cụ, giải pháp quan trọng của Đảng, Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ ASXH nhằm đạt mục tiêu bảo đảm phát triển xã hội tiến bộ và công bằng.
PGS, TS. Hoàng Xuân Quế, Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế quốc dân phân tích thêm, nguồn lực cho mục tiêu ASXH ở Việt Nam thời gian qua có nhiều kênh, do nhiều cơ quan, đơn vị triển khai như: Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Liên đoàn Lao động, các tổ chức tài chính vi mô…Tuy nhiên, kênh TDCSXH do NHCSXH thực hiện có quy mô lớn nhất và hiệu quả nhất, phạm vi tác động rộng nhất.
Sở dĩ vậy là do sau hơn 20 năm thành lập và đi vào hoạt động, nhằm mục tiêu lớn nhất là cung cấp tài chính cho người nghèo và các đối tượng chính sách, NHCSXH đã thiết lập được mô hình tổ chức, phương thức quản lý vốn TDCSXH và cách thức tác nghiệp đặc thù, hiệu quả, phù hợp với cấu trúc hệ thống chính trị, điều kiện thực tiễn đất nước và đối tượng phục vụ. Mô hình tổ chức quản trị của NHCSXH gồm Hội đồng Quản trị cấp Trung ương và Ban đại diện Hội đồng Quản trị tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Bộ máy điều hành tác nghiệp của NHCSXH được xây dựng và hoàn thiện theo 3 cấp: Trung ương, tỉnh, huyện. Phương thức quản lý TDCSXH đặc thù thông qua hình thức: phân công, phân cấp trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc xác nhận đối tượng thụ hưởng chính sách; thực hiện dân chủ, công khai trong cộng đồng dân cư; kết hợp sự tham gia của 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác với vai trò giám sát xã hội và làm uỷ thác một số nội dung công việc trong quy trình nghiệp vụ. Với phương thức phục vụ tại nhà; giải ngân, thu nợ tại xã, NHCSXH thực hiện thành công cách thức tác nghiệp sáng tạo để phục vụ khách hàng tốt nhất, đó là tổ chức giao dịch tại các điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND xã; phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội thành lập các tổ tiết kiệm và vay vốn tại thôn để ngân hàng đưa các nghiệp vụ về cơ sở phục vụ hiệu quả hơn. Hồ sơ, thủ tục cho vay vốn đơn giản, dễ thực hiện, công bố công khai trên Website Cổng thông tin điện tử Chính phủ, NHCSCH và tại trụ sở UBND xã. Hiện tại, NHCSXH là đơn vị duy nhất tại Việt Nam tiếp cận đến tất cả các xã.
Mô hình hoạt động của NHCSXH là thành công lớn của Đảng, Chính phủ Việt Nam về thực hiện kênh tín dụng ưu đãi dành cho ASXH có chi phí thấp nhất, tổ chức chặt chẽ, tôn trọng nguyên tắc tín dụng theo thông lệ quốc tế… được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá rất cao. Ngân hàng Thế giới ghi nhận NHCSXH Việt Nam “hiện đang là ngân hàng cung cấp dịch vụ tài chính vi mô lớn nhất Việt Nam và là một trong những ngân hàng cung cấp tài chính vi mô lớn nhất châu Á”.
Càng có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc hơn khi TDCSXH góp phần bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, trên cơ sở đó giữ vững định hướng XHCN trong phát triển kinh tế thị trường. GS,TS. Trần Văn Phòng, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Nguyên Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, đói nghèo, bệnh tật và bất an xã hội là những nguyên nhân chủ yếu của bất ổn chính trị - xã hội. Còn theo PGS, TS. Đinh Xuân Hạng, Học viện Tài chính, người nghèo và các đối tượng chính sách nếu không được quan tâm đúng mức thường bị các thế lực thù địch lợi dụng. TDCSXH góp phần giác ngộ tư tưởng cho những người dễ bị tổn thương trong xã hội. Khi tiếp cận được TDCSXH, người nghèo và đối tượng chính sách sẽ cảm nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chuyên tâm làm ăn, ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo ổn định chính trị.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: “Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội” [2]. Đảng, Nhà nước ta đã “không chờ kinh tế phát triển cao rồi mới giải quyết các vấn đề xã hội, mà ngay trong từng bước và suốt trong quá trình phát triển, tăng trưởng kinh tế luôn gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội” [3].
Với những ưu việt trong mô hình tổ chức, phương thức quản lý vốn và cách thức tác nghiệp đặc thù, TDCSXH là đòn bẩy kinh tế quan trọng của Đảng và Nhà nước nhằm giúp người nghèo và đối tượng chính sách khác có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện chính sách phát triển kinh tế gắn liền với giảm nghèo bền vững, bảo đảm ASXH, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, trên cơ sở đó, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường.
[1] Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, NxbCTQGST, H.2022; tr.26.
[2] Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, NxbCTQGST, H.2022; tr.21.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ VIII, NxbCTQG,H.1996; tr.31.