Công cụ hữu hiệu đảm bảo ASXH và giữ vững định hướng XHCN trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam (Bài 3)
Bài 3: Minh chứng sinh động “Ý Đảng hợp với lòng Dân”
Đầu tháng 9/2024, bão số 3 - siêu bão mạnh nhất trên Biển Đông trong 30 năm qua cùng hoàn lưu bão đổ bộ vào miền Bắc khiến gần 232 ngàn ngôi nhà hư hỏng; hơn 190 ngàn ha lúa, gần 48 ngàn ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; gần 32 ngàn ha cây ăn quả bị hư hại; 3.269 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; hơn 2,6 triệu gia cầm, gia súc bị chết… Ước tính thiệt hại khoảng hơn 81 nghìn tỷ đồng.
Ở tầm vĩ mô, sau đại dịch COVID-19, bão số 3 là thử thách lớn đối với đảm bảo an sinh xã hội (ASXH) trong bối cảnh ai cũng có thể nhỏ bé trước cơn cuồng nộ của thiên nhiên. Chục ngày sau bão, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) khẩn trương chỉ đạo các đơn vị trong hệ thống phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác và các đơn vị liên quan rà soát, thống kê thiệt hại, hoàn thiện quy trình thiết lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ rủi ro theo quy định hiện hành để trình các cấp có thẩm quyền quyết định, nhằm tạo điều kiện cho hộ vay bị thiệt hại khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống, nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh. NHCSXH cũng thực hiện gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ đối với các món vay đến hạn trả nợ từ tháng 9/2024. Thời hạn thông thường tối đa là 12 tháng đối với các khoản cho vay ngắn hạn và tối đa 1/2 thời hạn cho vay đối với các khoản cho vay trung và dài hạn; đồng thời dự kiến trình Chính phủ bổ sung khoảng 4.900 tỷ đồng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 trong tháng 10…
Ở tầm vi mô, chúng ta đến với gia đình chị Triệu Thị Nga, dân tộc Dao, ở thôn Nà Quang, xã Nông Hạ (Chợ Mới, Bắc Kạn). Nhà chị Nga có 6 khẩu, 2 vợ chồng không có việc làm ổn định, không có đất ruộng, mỗi năm thiếu ăn 3-4 tháng, con đi học không có tiền mua sách vở… Trong 11 năm, gia đình chị vay NHCSXH 187 triệu đồng để chăn nuôi trâu sinh sản, trồng keo, cho các con học đại học, xây bể chứa nước sạch, nhà vệ sinh tự hoại… TDCSXH đã khai thông bế tắc, khai phóng nguồn lực lao động, đưa gia đình chị thoát đói, mỗi năm thu 3 - 4 tấn ngô hạt, sở hữu 6ha rừng keo, 8 con trâu sinh sản. Hàng năm, trừ chi phí, gia đình thu nhập 70 - 80 triệu đồng; các con học xong có việc làm và thu nhập ổn định. Trong nhà, xe máy, tivi, tủ lạnh, bàn ghế… đầy đủ.
Chị Triệu Thị Nga chia sẻ về hiệu quả TDCSXH đã tạo ra sự thay đổi to lớn trong đời sống gia đình tại Hội thảo khoa học quốc gia “Đánh giá hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại Việt Nam” (Ảnh: Phương Liên) |
Vài dẫn chứng để thấy dù ở tầm vi mô hay vĩ mô thì TDCSXH đều có vai trò lớn trong thực hiện mục tiêu ASXH. Sau hơn 20 năm hoạt động, nhất là sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCSXH, những kết quả cơ bản đạt được theo các trụ cột chính sách ASXH qua kênh NHCSXH rất lớn.
Cụ thể: Đối với đảm bảo việc làm, tạo thu nhập và giảm nghèo nhằm hỗ trợ người dân chủ động phòng ngừa rủi ro, theo ông Dương Quyết Thắng - Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam, hơn 20 năm qua, vốn TDCSXH đã giải ngân cho trên 44.284 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; hỗ trợ hơn 6,5 triệu hộ vượt ngưỡng nghèo; giải quyết việc làm cho trên 6,2 triệu lao động; hỗ trợ gần 147 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Các chương trình TDCSXH đã cung cấp nguồn lực quan trọng, trở thành cấu phần bổ trợ tất yếu của Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững và Phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Với chức năng bổ sung cho nhau, TDCS và tín dụng thương mại là hai kênh tài chính song hành mang đặc trưng riêng có của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, vừa thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, vừa thực hiện các mục tiêu phát triển xã hội, nổi bật nhất là hạ tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam từ gần 60% năm 1990 xuống còn 2,93% năm 2023 (theo chuẩn nghèo đa chiều). Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh đồng nghĩa với tăng khả năng tích luỹ tài sản, chống chịu, phục hồi trước những biến cố tăng lên.
Đối với việc trợ giúp, hỗ trợ đột xuất và thường xuyên khắc phục các rủi ro khó lường, vượt quá khả năng kiểm soát: NHCSXH phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện tốt công tác xử lý nợ rủi ro do nguyên nhân khách quan, đảm bảo chính xác, kịp thời; đồng thời bổ sung nguồn vốn, tạo điều kiện để người vay tiếp tục đầu tư khôi phục sản xuất, vươn lên thoát nghèo, tránh nguy cơ tái nghèo. Điển hình, NHCSXH đã giải ngân cho 3.807 lượt doanh nghiệp với số tiền 4.829 tỷ đồng để trả lương cho 1.230 nghìn lượt lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; thực hiện các chương trình tín dụng chính sách (TDCS) hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội đạt 19.764 tỷ đồng, với trên 355 nghìn lượt khách hàng, trong đó: học sinh, sinh viên mua hơn 89 nghìn máy vi tính và thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; hỗ trợ mua và xây dựng, sửa chữa, cải tạo hơn 19 nghìn căn nhà ở xã hội; hỗ trợ hơn 211 nghìn khách hàng vay vốn tạo việc làm; hơn 2,6 nghìn cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học vay vốn mua dụng cụ học tập; hơn 33 nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ đất ở, nhà ở, tạo sinh kế.
Đối với việc bảo đảm mức tiếp cận tối thiểu một số dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo và các đối tượng chính sách: Tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) đã hỗ trợ gần 3,9 triệu học sinh, sinh viên vay vốn đi học, xây dựng gần 18 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, hơn 729 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác… góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm và bền vững.
TS. Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước ghi nhận: TDCSXH tại NHCSXH là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn cho người nghèo, góp phần tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, qua gần 40 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, TDCSXH là chủ trương độc đáo, mang tính nhân văn sâu sắc, trở thành “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh và an ninh xã hội của Đảng, Nhà nước ta, thể hiện nổi bật tính ưu việt của chế độ ta.
Từ việc thành lập Ngân hàng Phục vụ người nghèo (năm 1995) đến bước phát triển thành NHCSXH (năm 2002) và để những năm gần đây, mỗi năm bình quân có hơn 2 triệu lượt người nghèo và đối tượng chính sách khác được tiếp cận với TDCSXH chính là kết quả của sự đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức và thống nhất định hướng lãnh đạo của Đảng về thúc đẩy TDCSXH phát triển phù hợp với thực tiễn thay đổi trong từng giai đoạn của tiến trình Đổi mới. Đây là quyết sách phù hợp với thực tiễn và điều kiện phát triển của Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp dân cư có thu nhập thấp, không đủ điều kiện vay vốn ở các ngân hàng thương mại.
Lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân là mục tiêu phấn đấu, Việt Nam được Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế ghi nhận là một điểm sáng về xóa đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Đó cũng chính là biểu hiện cao nhất của Việt Nam trước quốc tế trong việc tôn trọng, thúc đẩy, đảm bảo quyền con người nói chung, quyền ASXH nói riêng.
Những ngày đầu tháng 8/2024, ngay sau khi được bầu làm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có bài viết: "Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", trong đó yêu cầu: “bảo đảm mọi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của đổi mới, phát triển, được sống hạnh phúc trong môi trường an ninh, an toàn, không ai bị bỏ lại phía sau”.
Thực hiện yêu cầu đó của Tổng Bí thư, chính phương châm “Nơi nào có người nghèo và đối tượng chính sách, nơi đó có NHCSXH” cùng những kết quả to lớn của TDCSXH là minh chứng sinh động cho “Ý Đảng hợp với lòng Dân”. Trên chặng đường phát triển, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước, NHCSXH Việt Nam đã khẳng định được sứ mệnh, vai trò, trách nhiệm xã hội, đắc lực đưa lý tưởng, các chủ trương nhân văn của Đảng vào cuộc sống; góp phần chuẩn bị thế và lực cho người nghèo và các đối tượng chính sách cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, vì sự phát triển tiến bộ, công bằng xã hội, vì cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của Nhân dân.