Đảm bảo an ninh lương thực bền vững
Giải bài toán an ninh lương thực | |
An ninh lương thực đặt lên hàng đầu | |
Luôn đảm bảo an ninh lương thực quốc gia |
Báo cáo về an ninh lương thực và dinh dưỡng 2020 của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO) ước tính, trên thế giới vẫn còn khoảng 690 triệu người bị đói, khoảng 2 tỷ người đang thường xuyên phải đối mặt với sự thiếu hụt thực phẩm và dinh dưỡng, 144 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng.
Tài nguyên cho sản xuất nông nghiệp ngày càng khan hiếm hơn, cùng những tác động cộng hưởng với mức độ và quy mô chưa từng có của ba thảm họa là đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên đã để lại các hệ lụy to lớn, nhiều mặt, không chỉ cho hiện tại mà còn với các thế hệ tương lai, đặt ra những thách thức lớn cho bảo đảm an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng cho 7,9 tỷ dân trên toàn thế giới.
Ảnh minh họa |
Trong bối cảnh đó, nông nghiệp đã và sẽ tiếp tục là ngành quan trọng trong thúc đẩy xóa đói giảm nghèo và là bệ đỡ quan trọng cho các ngành kinh tế khác trên toàn thế giới.
Điều đó càng đúng với Việt Nam, nơi nông nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, ổn định xã hội và sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn và đóng góp14,85% GDP của quốc gia (năm 2020). Dù chịu tác động của đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, thiên tai, nhưng ngành nông nghiệp vẫn duy trì tăng trưởng dương ở mức 2,68% trong năm 2020.
Ngoài việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm cho gần 100 triệu dân, nông nghiệp Việt Nam còn có vai trò quan trọng trong hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam đạt 41,53 tỷ USD, 6 tháng đầu năm 2021 đạt 24,23 tỷ USD. Song nền nông nghiệp Việt Nam cũng đang đối diện những khó khăn thách thức như: Khả năng cạnh tranh của các hộ sản xuất quy mô nhỏ còn yếu, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, dịch bệnh nông nghiệp…
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chia sẻ, các dự báo và thực tế biến đổi khí hậu toàn cầu những năm gần đây cho thấy Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Vì thế, cần có những hành động cụ thể để đẩy mạnh hợp tác, thúc đẩy hình thành và phát triển hệ thống lương thực thực phẩm thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, đặc biệt khi đại dịch Covid vẫn diễn biến phức tạp. Song song với đó, Việt Nam đưa kế hoạch chuyển đổi số ngành nông nghiệp vào nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp. Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu phát triển kinh tế số trong nông nghiệp bằng cách thúc đẩy doanh nghiệp, nông dân ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần hỗ trợ tổ chức nông dân ở cấp cơ sở làm nòng cốt cho liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp, đảm bảo cân đối lợi ích của các tác nhân trong chuỗi. Bởi quan hệ giữa các tác nhân trong hệ thống lương thực thực phẩm là sự phản ánh toàn diện bức tranh về quan hệ sản xuất, tiêu dùng và thương mại của một quốc gia.
Vì thế, củng cố và xây dựng mối quan hệ liên kết hợp tác minh bạch, hiệu quả giữa các tác nhân vừa là nền móng, vừa là trụ cột để xây dựng hệ thống lương thực thực phẩm bền vững trên mọi phương diện. Ngoài ra, phát triển các hình thức hợp tác công-tư đa dạng mới mong thu hút đầu tư tư nhân thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị nông sản có trách nhiệm, minh bạch và bền vững.
Không chỉ quan tâm đến sản xuất nông nghiệp, Chính phủ đề cao vai trò quan trọng của công nghệ số và đổi mới sáng tạo trong việc tăng hiệu quả sản xuất, năng suất, an toàn thực phẩm và phân phối, đồng thời kết nối người sản xuất trực tiếp với người tiêu dùng; giảm thiểu thất thoát và lãng phí lương thực thực phẩm, tạo khả năng phục hồi cao hơn cho chuỗi cung ứng nông sản; và tăng cường tuyên truyền, thúc đẩy tiêu dùng xanh và bền vững - một giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, hướng đến phát triển bền vững, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.