Đào tạo nghề cho doanh nghiệp: Gỡ nút thắt về chính sách
Học, dạy nghề trong dịch Covid-19: Phải linh hoạt mới thành công |
Từ đầu năm đến nay, khi Việt Nam đang bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, số lượng các DN đăng ký mới và quay trở lại hoạt động tăng mạnh. Cùng với đó là sự thiếu hụt nguồn lao động trong các doanh nghiệp và nhu cầu về tuyển dụng lao động cũng tăng cao. Theo đại diện Hiệp hội DNNVV Việt Nam, riêng trong quý I/2022, tỷ lệ thiếu hụt lao động đã cao hơn 2-3% so với những năm trước và chủ yếu trong các lĩnh vực dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ và một số ngành bị tác động mạnh, phải dừng hoạt động dài ngày như du lịch và giáo dục... Trong bối cảnh khó khăn, ngay từ đầu tháng 7/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68 về 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, trong đó có hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động. Chính sách này được cộng đồng doanh nghiệp và người lao động đón nhận hết sức tích cực. Tuy nhiên, sau 10 tháng triển khai, đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn còn thiếu thông tin hoặc gặp khó khăn khi tiếp cận chính sách mới, hiệu quả chưa cao.
Cần tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp để xây dựng phương án tổ chức đào tạo kỹ năng nghề |
Theo báo cáo nhanh của các địa phương, nhu cầu tuyển dụng năm 2022 của doanh nghiệp là gần 1,3 triệu lao động, tăng 18% so với năm 2021. Nhu cầu tuyển dụng chủ yếu là lao động phổ thông, lao động không yêu cầu có bằng cấp chứng chỉ (chiếm 75%).
TS. Trương Anh Dũng - Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cho biết, Nghị quyết số 68/NQ-CP là chính sách rất nhân văn và có ý nghĩa sâu sắc của Đảng và Nhà nước trong phát triển nguồn nhân lực. Tổng cục GDNN đã thành lập ngay tổ triển khai thực hiện chính sách liên quan, chủ động trình Bộ Lao động - Thương binh và xã hội và trực tiếp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo địa phương, cơ sở triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động, biên soạn cẩm nang trên trang web… Mặc dù vậy, cho đến nay vẫn có khá nhiều doanh nghiệp chưa nắm rõ về chính sách cũng như quy trình, thủ tục đăng ký tham gia nhận hỗ trợ của Nhà nước về đào tạo nghề theo Nghị quyết 68.
Thực tế cho thấy, vấn đề đầu tiên gặp phải là không có thông tin đầy đủ và kịp thời. Thứ hai là việc kết nối giữa cơ sở đào tạo và cơ quan quản lý.
Ông Nguyễn Việt Hà, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Long Biên, thuộc Tổng công ty May 10 chia sẻ: Việc triển khai Nghị quyết 68 là hết sức cần thiết và phù hợp với thực trạng nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, hiện công tác hướng dẫn thực hiện cũng mới chỉ thực hiện được ở một số ít doanh nghiệp. Nhìn chung, các doanh nghiệp còn chưa hiểu và chưa nắm rõ cách làm. Bên cạnh đó, thủ tục và các yêu cầu chứng minh năng lực, điều kiện thụ hưởng của cơ sở đào tạo, doanh nghiệp còn máy móc và nhiều vướng mắc.
Đồng quan điểm, ông Trần Minh Tuyến - Phó chủ tịch Hiệp hội DNNVV tỉnh Thái Bình cũng cho rằng, hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết 68 cho đến nay chưa như kỳ vọng. Để cải thiện tình trạng này, cần tăng cường công tác truyền thông, các điều kiện cần rõ ràng và phải được đơn giản hóa, các trung tâm đào tạo nghề cần phối hợp với hiệp hội và cơ quan quản lý để đồng phối hợp hỗ trợ cho các DNNVV tại địa phương.
Có thể thấy, để thực hiện có hiệu quả chính sách cần có nhiều giải pháp để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và thực hiện.
TS.Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội các DNNVV Việt Nam (VINASME) cho rằng, Nghị quyết số 68 được cộng đồng doanh nghiệp và người lao động đón nhận hết sức tích cực, và cho đến nay đã gần 10 tháng triển khai, Tổng Cục GDNN, Hiệp hội DNNVV Việt Nam và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp và cơ sở GDNN để xây dựng phương án tổ chức đào tạo kỹ năng nghề và cấp chứng chỉ có giá trị pháp lý cho người lao động. Mặc dù vậy, trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc và thực tế đã phát sinh một số vấn đề băn khoăn của doanh nghiệp, khiến cho việc triển khai chưa được như mong muốn. Do đó trong thời gian tới, cần đẩy mạnh truyền thông đến các doanh nghiệp về cách thức tham gia và tiếp nhận hỗ trợ đào tạo nghề của Nhà nước theo Nghị quyết 68, các thủ tục có liên quan và một số kết quả, kinh nghiệm thực tế đã triển khai. Hỗ trợ các DNNVV phương án đào tạo, gắn quyền lợi của doanh nghiệp và người sử dụng lao động. Đối với các doanh nghiệp đã đủ điều kiện, các cơ quan có trách nhiệm phối hợp giải quyết các thủ tục một cách nhanh chóng, hiệu quả. Còn đối với các doanh nghiệp gần đủ điều kiện sẽ được các cơ quan hướng dẫn cách thức để đạt điều kiện nhận hỗ trợ…