Đề xuất đổi mới toàn diện cơ chế quản lý cán bộ, công chức
Dự thảo nêu rõ, sau 5 năm được sửa đổi, bổ sung, một số quy định của luật bộc lộ hạn chế nhất định, cần tiếp tục được hoàn thiện và phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đồng bộ với các quy định mới của Đảng.
Luật Cán bộ, công chức được sửa đổi nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức trong bối cảnh mới.
Bộ Nội vụ nêu thực tiễn phát sinh nhiều vấn đề mới chưa được pháp luật quy định, như các quy định cụ thể về đạo đức công vụ; biểu hiện hành vi và chế tài xử lý với cán bộ, công chức vi phạm quy định về đạo đức công vụ.
Cơ quan soạn thảo cũng nhấn mạnh, hiện nay, Đảng, nhà nước đang thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Vậy nên, yêu cầu và cơ chế quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức cần được nghiên cứu, quy định phù hợp với thực tiễn quản lý trong giai đoạn hiện nay.
Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) tiếp tục kế thừa, phát triển một số quy định đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn thi hành thời gian qua trên cơ sở kết quả tổng kết thi hành Luật Cán bộ, công chức hiện hành.
Đổi mới toàn diện việc quản lý cán bộ, công chức để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới |
Bên cạnh đó, Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) sẽ bổ sung một số quy định về: Thống nhất nền công vụ thống nhất từ trung ương, đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; Đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm; Hoàn thiện quy định về quyền, nghĩa vụ của cán bộ, công chức và những việc cán bộ, công chức không được làm; đạo đức, văn hóa công vụ; Hoàn thiện các quy định để đổi mới phương thức quản lý cán bộ, công chức phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ số, bảo đảm tăng tính hiện đại, công khai, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước; Hoàn thiện các quy định về quản lý cán bộ, công chức bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định của Đảng và đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật.
Về cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm được đề cập trong dự thảo Luật, Mục tiêu của chính sách này nhằm đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức từ kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế sang cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm.
Lấy vị trí việc làm làm cơ sở để thực hiện công tác tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức. Đồng thời, tạo cơ chế cạnh tranh theo vị trí việc làm dựa trên kết quả công việc, hướng tới nền công vụ thực tài.
Giải pháp thực hiện, theo Bộ Nội vụ là nghiên cứu, sửa đổi quy định về vị trí việc làm gắn với yêu cầu của ngành, lĩnh vực; từng bước bỏ quy định về ngạch và cơ cấu ngạch công chức. Đồng thời hoàn thiện cơ chế quản lý, sử dụng và trả lương đối với cán bộ, công chức theo vị trí việc làm.
Một nội dung đáng chú ý khác trong dự thảo Luật đó là nghiên cứu, bổ sung quy định cho phép cơ quan nhà nước được ký hợp đồng lao động với một số vị trí việc làm thực thi, thừa hành do công chức đảm nhiệm để tạo sự linh hoạt trong sử dụng nguồn nhân lực, đặc biệt đối với cơ quan hành chính có nguồn thu theo quy định của pháp luật. Theo đó, sẽ nghiên cứu, sửa đổi toàn diện các điều, khoản tại luật hiện hành liên quan đến vị trí việc làm về nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức…
Luật Cán bộ, công chức được sửa đổi sắp tới cũng sẽ nhắm tới việc xây dựng các chính sách nhằm thu hút, trọng dụng nhân tài. Bộ Nội vụ đề xuất cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm và chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đồng thời tạo điều kiện để họ phát huy tính sáng tạo và năng động trong công việc.
Bên cạnh đó, cơ chế sàng lọc sẽ được áp dụng để thay thế cán bộ, công chức, viên chức thiếu trách nhiệm, có năng lực hạn chế hoặc uy tín thấp. Đây là bước đi cần thiết nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.