Điểm tựa cho người nghèo nơi đại ngàn Tây Nguyên (Bài 2)
Bài 2: Trợ lực cho buôn làng
Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo
Thuận Hạnh là một xã biên giới thuộc huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông, có hơn 17 km đường biên giới với nước bạn Campuchia. Hiện nay trên đại bàn xã có 11 thôn dân cư với hơn 2.834 hộ, 11.020 nhân khẩu, cùng 13 dân tộc anh em sinh sống ngành nghề chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây một số diện tích hoa màu đã được các hộ dân chuyển sang tiêu, cà phê, sầu riêng, mắc ca đem lại giá trị cao hơn. Đến nay trên địa bàn xã đã duy trì 4 tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác với NHCSXH, 29 Tổ TKVVV tổng dư nợ 10 chương trình tín dụng chính sách đạt 104,4 tỷ đồng, với 1.403 hộ vay, tăng hơn 73 tỷ đồng so với năm 2014, 100% TKVVV đạt loại tốt. Đảng ủy, HĐND, UBND đã chỉ đạo các ngành phối hợp tốt với NHCSXH, gắn tín dụng chính sách với chương trình, chính sách xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên phát triển kinh tế bằng vốn tín dụng chính sách |
Bên cạnh hoạt động cho vay vốn, để giúp hộ vay sử dụng hiệu quả vốn vay, UBND xã đã chủ động chỉ đạo cán bộ Nông nghiệp, cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội của xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho các hộ vay vốn. Từ những hoạt động trên đã tạo ra sự lan tỏa, cuốn hút hộ vay tham gia thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, từng bước làm quen với sản xuất hàng hóa, sử dụng vốn đúng mục đích, nhiều hộ đạt mức thu nhập cao đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu. Nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 11% (năm 2014) đến nay xuống còn 3,49%.
Bon Pi Nao là bon đặc biệt khó khăn thuộc xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông. Bà H Yon, Tổ trưởng Tổ TKVVV bon Pi Nao cho biết, toàn bon có 115 hộ dân, với 98% là người đồng bào DTTS tại chỗ đang sinh sống; năm 2023, theo tiếp cận đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 6,96%, hộ cận nghèo 6,96%. Đến nay, Tổ TKVVV do bà quản lý có 57 tổ viên với tổng dư nợ gần 5 tỷ đồng gồm 6 chương trình cho vay như: hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh sinh viên, hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…. Trước đây, những hộ gia đình nghèo quanh năm chỉ biết lam lũ làm ăn riêng rẽ, việc chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau còn hạn chế, cuộc sống thiếu thốn nghèo nàn. Nguồn vốn vay trong Tổ đã giúp các tổ viên tập trung vào phục vụ sản xuất kinh doanh như chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm kinh tế vườn, giải quyết công ăn việc làm, giúp cho học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được đến trường, xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt chuẩn quốc gia và xóa nhà tạm cho hộ nghèo; các hộ vay đều sử dụng vốn hiệu quả, thu nhập và điều kiện sống cải thiện rõ rệt. Việc tuyên truyền vận động tổ viên hằng tháng tham gia gửi tiền tiết kiệm cũng rất hiệu quả. Ban đầu có rất ít tổ viên tham gia vì chưa hiểu hết ý nghĩa của việc tham gia gửi tiền tiết kiệm nhưng bà cùng Ban quản lý Tổ đã vận động tổ viên hàng tháng tiết kiệm trong chi tiêu để tham gia gửi tiền một cách đầy đủ. Đến nay, tỷ lệ tổ viên tham gia gửi tiền hàng tháng đạt 100%, mức gửi tiền cũng tăng dần theo từng năm, số tiền này được dùng để chuyển trả dần vào nợ gốc.
Dấu ấn ở huyện vùng sâu
Huyện Krông Bông là một huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắk Lắk. Toàn huyện có 14 xã, thị trấn với 133 thôn buôn, tổ dân phố. Toàn huyện có 25 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, DTTS chiếm 41% dân số. Nền kinh tế của huyện chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều giữa các vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa.
Hàng ngàn học sinh, sinh viên trên địa bàn huyện vùng sâu Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk có điều kiện học tập nhờ vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội |
Đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện, được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời. Vốn tín dụng chính sách đã giúp cho trên 20 nghìn hộ cải thiện về cuộc sống, chuyển biến về nhận thức, cách thức làm ăn, trong đó có trên 17 nghìn hộ nghèo đã thoát nghèo. Thông qua việc vay vốn tín dụng ưu đãi đã tạo việc làm mới cho trên 2.623 lao động, đã có 5.404 học sinh sinh viên vay vốn đi học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, trong đó có trên 4.000 em đã ra trường, có việc làm ổn định và hoàn thành nghĩa vụ trả nợ với ngân hàng; hỗ trợ 1.987 hộ nghèo làm nhà ở; duy trì và phát triển nhiều dự án, mô hình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả...Theo đánh giá của chính quyền địa phương, vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo.
Gia đình bà Huỳnh Thị Lan, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông có hoàn cảnh khó khăn, chồng mất sớm, mọi việc lớn nhỏ trong nhà một mình bà gánh vác. Cách đây 4 năm, con gái của bà đậu vào trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng. Mừng vui vì con đạt ước mơ, nhưng bà rất lo lắng vì không biết lấy tiền đâu cho con nhập học và trang trải chi phí 4 năm học đại học. Vào thời điểm khó khăn nhất, bà được biết NHCSXH đang triển khai Chương trình cho vay Học sinh sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn. Qua cuộc họp bình xét vay vốn tại Tổ TKVVV dưới sự chứng kiến của trưởng thôn và chủ tịch Hội Phụ nữ xã, bà được vay 40 triệu đồng để trang trải chi phí học tập cho con. Trước đó, bà cũng được vay vốn hộ nghèo để đầu tư nuôi bò, chăm sóc vườn rẫy. Hoàn cảnh gia đình bà hiện tại đã thoát nghèo năm 2023, cuộc sống tương đối ổn định. “Gia đình tôi rất biết ơn chính sách nhân văn này, vì nếu không có nguồn vốn ấy việc học đại học của con tôi và cả những con em gia đình khó khăn trên địa bàn huyện Krông Bông sẽ rất nhọc nhằn, có thể phải nghỉ học giữa chừng vì không có chi phí. Những năm qua, nguồn vốn ưu đãi đã thực sự giúp gia đình tôi lo con đi học để có tương lai tốt hơn và giúp gia đình tôi vươn lên thoát nghèo”, bà Huỳnh Thị Lan chia sẻ.