Đồng vốn nhỏ tạo giá trị lớn cho người dân nghèo thành thị (Bài 1)
Bài 1: Những mảnh đời “hồi sinh” từ đồng vốn nhỏ
Đến chợ Tân Hòa Đông, Phường 13, Quận 6, TP. Hồ Chí Minh hỏi 10 người “buôn thúng, bán bưng”, quanh khu chợ, hết 7-8 người biết “cháo dinh dưỡng Măm Măm” của chị Nguyễn Thị Ngọc Loan. Người ta biết đến “bà Loan cháo dinh dưỡng” không phải bởi cửa hàng do chị làm chủ, buôn bán kinh doanh phát đạt, mà bởi nghị lực vươn lên để có được thành công như ngày hôm nay.
Đáng trân trọng hơn nữa, khi đã ổn định cuộc sống, chị Loan lại tiếp tục truyền đi năng lượng tích cực cho những người phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn gần chợ, thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn mà chị hiện đang làm tổ trưởng để kết nối với nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), từ đó giúp họ có thêm nguồn động lực vươn lên thoát nghèo, làm chủ cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Loan, chủ hệ thống cháo dinh dưỡng Măm Măm |
Chị Ngọc Loan chia sẻ, ngoài ba mươi tuổi làm mẹ đơn thân của hai đứa con nhỏ nheo nhóc, rời quê hương không một “đồng xu, cắc bạc” trong tay, hoàn cảnh gia đình nghèo khó, chị không biết bấu víu vào đâu. Chị xoay đủ nghề để kiếm sống, những khi đau bệnh, tưởng chừng muốn buông xuôi, nhưng nghĩ đến “sắp nhỏ” lại gắng gượng. Nhưng cái nghèo, cái khổ vẫn đeo bám dai dẳng, dường như không có lối thoát.
Khổ quá khổ, có lẽ “ông trời” cũng ghé mắt nhìn tạo nên cái duyên gặp gỡ với chị Liễu (chị Thái Thị Ngọc Liễu, lúc đó là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 13, quận 6, TP. Hồ Chí Minh). Với sự nhạy cảm của người phụ nữ nhiều năm làm công tác xã hội tại địa phương, chị Liễu đã động viên chị Loan tham gia sinh hoạt trong Hội phụ nữ phường để có thêm nguồn động lực, sự sẻ chia của những chị em phụ nữ cùng cảnh ngộ. Qua đó, chị Loan cũng bày tỏ nguyện vọng của mình muốn có được một khoản vốn nhỏ để gây dựng công việc làm ăn buôn bán ban đầu, mong thoát cảnh “ráo mồ hôi là không có cái bỏ miệng”.
Thấu hiểu hoàn cảnh và mong muốn của chị Loan, chị Liễu đã chủ động giới thiệu, kết nối với NHCSXH Quận 6, giúp chị Loan vay số vốn khởi điểm 20 triệu đồng mở một tiệm tạp hóa nhỏ buôn bán, kinh doanh trong chợ. Với sự tháo vát, khéo tính toán, chẳng bao lâu chị Loan không những trả hết cả gốc và lãi cho ngân hàng mà còn có dư để trang trải cuộc sống của ba mẹ con. Lúc này, chị cũng đã đủ tự tin và mạnh dạn vay thêm 30 triệu đồng để gây dựng cơ sở kinh doanh cháo dinh dưỡng do nhận thấy nhu cầu đối với sản phẩm này đang tăng, khi cuộc sống ngày càng bận rộn.
“Ngẫm những lúc khó khăn, lo làm sấp mặt, con nhỏ không ai lo cơm cháo. Giúp người cũng là giúp mình, không ngờ từ suy nghĩ đó đã giúp tôi thành công với cửa hàng cháo dinh dưỡng Măm Măm được nhiều phụ nữ có con nhỏ tin dùng. Từ cửa hàng cháo này, gia đình tôi không chỉ có thêm thu nhập, cuộc sống dần ổn định, sắm được xe, mua được nhà, con cái được ăn học đầy đủ, đàng hoàng, mà tôi còn có cơ hội giúp đỡ ba mẹ lớn tuổi, người thân trong gia đình và nhiều chị em phụ nữ có hoàn cảnh tương tự” – chị Loan bồi hồi.
Một cửa hàng cháo dinh dưỡng Măm Măm của chị Ngọc Loan |
Đến nay, từ vốn vay ban đầu chỉ một vài chục triệu, chị Loan đã gây dựng cơ sở kinh doanh với hệ thống cửa hàng cháo dinh dưỡng cho trẻ em, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho người lao động là phụ nữ, sinh viên làm thêm bán thời gian. Không những thế, chị trở thành “cầu nối” để những người có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ nghèo xung quanh khu vực chị sinh sống được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Nhiều người nhờ đồng vốn của NHCSXH đã tránh không phải đi vay bên ngoài với lãi suất cao, rất dễ rơi vào vòng luẩn quẩn không thể thoát nghèo khi không có đồng vốn gây dựng ban đầu, cũng như phải ôm cục nợ với lãi suất “cắt cổ” của xã hội đen, lấy đâu để thoát nghèo.
Theo chị Loan, phần lớn tổ trưởng của các tổ vay vốn đều sinh hoạt trong các hội đoàn thể như phụ nữ, hội nông dân… của khu phố nên nắm bắt tình hình, hoàn cảnh của hội viên khá rõ ràng. Từ việc gần gũi và thấu hiểu hoàn cảnh của nhau, các hội viên đã động viên, khuyến khích, nâng đỡ nhau cùng tạo kế sinh nhai, xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh, vươn lên thoát nghèo từ đồng vốn vay thông qua ủy thác của NHCSXH.
Trao đổi với bà Trần Thị Thu Giang, Phó Giám đốc NHCSXH Quận 6, về các chương trình hỗ trợ trên địa bàn, bà Giang chia sẻ: “Hoạt động gắn kết giữa ngân hàng và các đoàn, hội… đã góp phần phổ biến công khai các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, danh sách các hộ vay vốn và các quy trình thủ tục của NHCSXH. Thông qua đó, người dân giao dịch trực tiếp với Ngân hàng vào ngày cố định hàng tháng để vay vốn, trả nợ và gửi tiền tiết kiệm trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương, cán bộ tổ chức chính trị xã hội và Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn. Từ đó, tạo được lòng tin của người dân đối với các chính sách của Đảng, Nhà nước và hoạt động của NHCSXH. Đồng thời, chính quyền cơ sở cũng có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với người dân, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững ổn định an ninh, trật tự và an toàn xã hội tại cơ sở”.
Tư vấn hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn vay vốn |
Theo NHCSXH chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, thời gian qua tại địa bàn Thành phố công tác phối hợp giữa Ngân hàng và các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh... ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, đưa chất lượng ủy thác ngày càng được nâng cao. Đến nay, NHCSXH Thành phố và các tổ chức nhận ủy thác đã phối hợp tốt với chính quyền địa phương quản lý 4.075 Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động bao phủ khắp các khu phố, ấp của 312 phường, xã, thị trấn. |