Du lịch 30/4-1/5 'phập phồng' mong vượt dịch
Tung khuyến mại "thúc" tăng trưởng
Sau nhiều lần dịch tràn chia cắt doanh thu ngành du lịch, các doanh nghiệp trong ngành đang trông đợi kỳ nghỉ dài đầu cao điểm mùa Hè này, 30/4-1/5, như một “đòn bẩy” để lấy lại đà tăng trưởng cho ngành trong năm nay.
Để chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ này, theo khảo sát của Thoibaonganhang.vn, các công ty lữ hành liên tục giảm sâu giá tour nội địa.
Đơn cử, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist đã cho ra mắt nhiều chương trình hấp dẫn như: Tour 3 ngày câu cá tại Phú Quốc giá từ 3.679.000 đồng (đã bao gồm vé máy bay); Tour Nha Trang - Đà Lạt 5 ngày chỉ từ 4.279.000 đồng; Phan Thiết - Mũi né 3 ngày chỉ từ 3.029.000 đồng.
Hay, Công ty Du lịch Vietravel tung ra nhiều gói du lịch nghỉ dưỡng, khám phá có giá “chạm sàn” chỉ từ 699.000 đồng; tour Đà Nẵng - Hà Nội - Hà Giang 4 ngày, 3 đêm có giá 5.390.000 đồng/khách...
Một số nhân viên bán tour du lịch cũng cho biết, các gói du lịch trọn gói đến Hà Nội, Hạ Long, Sa Pa, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn hay Phú Quốc, Côn Đảo hiện chỉ có giá từ 4.390.000 đồng đến 9.990.000 đồng/khách.
Ngoài ra, du khách thích du lịch tự túc cũng có thể chọn các gói dịch vụ bao gồm vé máy bay Vietravel Airlines và khách sạn đến Đà Lạt/Phú Quốc/Đà Nẵng/Hà Nội với giá chỉ từ hơn 3.000.000 đồng/khách.
Đối với các sản phẩm cao cấp, khách hàng được đề xuất gói tour gồm ở tại các resort, khách sạn 5-6 sao quốc tế và bay hạng thương gia đến các điểm du lịch như Sa Pa, Hà Nội, Hạ Long, Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc, mức giá dao động chỉ từ 13.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng/khách.
Không chỉ các hãng lữ hành, nhiều địa phương cũng đưa ra gói kích cầu hấp dẫn như: TP. Đà Nẵng sẽ khai trương chương trình Đà Nẵng về đêm - Danang By Night vào ngày 30/4; Quảng Nam giảm 50% vé tham quan phố cổ Hội An, tháp cổ Mỹ Sơn, khu dự trữ sinh quyển thế giới cù lao Chàm, di tích lịch sử văn hóa rừng dừa Bảy Mẫu ở xã Cẩm Thanh, Hội An…
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động, sự kiện quảng bá, thu hút du khách tại một số vùng du lịch đã được tổ chức từ rất sớm, như lễ hội du lịch và văn hóa ẩm thực Hà Nội 2021, khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2021 tỉnh Ninh Bình; Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2021, Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn 2021…
Tuy nhiên, nhiều người dân đang băn khoăn nên tiếp tục du lịch theo kế hoạch hay hủy tour trong bối cảnh nguy cơ Covid-19 lây lan cao đang diễn ra: Ấn Độ đang ghi nhận số ca lây nhiễm tăng kỷ lục với các chủng vi-rút mới được phát hiện, mà một trường hợp người Việt tại Lào Cai đã nhiễm bệnh từ chuyên gia từ nước này...
Trên thực tế, một số địa phương cũng vừa ra thông báo về việc tạm dừng một số chương trình, lễ hội đã lên kế hoạch tổ chức. Mới đây, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Giang cho biết, Lễ hội Chợ tình Khau Vai (tháng 5/2021) và một số hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, các sự kiện tập trung đông người trên địa bàn tỉnh sẽ bị tạm dừng. UBND huyện Cát Hải (Hải Phòng) cũng thông báo dừng tổ chức sự kiện khai mạc du lịch Cát Bà năm 2021 và chương trình khánh thành tuyến đường Núi Xẻ - Bến Bèo (ngày 1/5).
Thắt chặt các phương án phòng, chống dịch
Đã đặt tour Hà Nội - Đà Nẵng từ sớm với giá hợp lý, nhưng đến sáng nay, chị Minh Hường (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) cho biết gia đình bắt đầu lo lắng khi thấy hàng loạt tỉnh thành thông báo dừng, hủy lễ hội hay bắn pháo hoa dịp 30/4...
"Chúng tôi đang phân vân với cảnh báo nguy cơ dịch bệnh cao gia đình có nên huỷ vé máy bay sát ngày khởi hành không", chị Hường chia sẻ.
Tâm lý lo ngại dịch bệnh "trỗi dậy" nếu tiếp tục đi du lịch với số đông và tập trung trong dịp lễ này cũng có ở nhiều gia đình khác. Điều này khiến ngành du lịch đang 'phập phồng' nỗi lo.
Để người dân yên tâm du lịch an toàn trong kỳ nghỉ lễ, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã nhanh chóng chỉ đạo hoạt động du lịch, thắt chặt phương án phòng, chống Covid-19 để đảm bảo an toàn cho du khách và người dân.
Ngoài một số lễ hội bị tạm dừng hoặc lùi ngày tổ chức, các hoạt động du lịch dự kiến vẫn tiếp tục diễn ra trong dịp nghỉ lễ, song song với các biện pháp phòng chống dịch bệnh và nguyên tắc 5K “Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế”.
Mới đây nhất, đại diện UBND TP. Hà Nội cho biết chỉ tổ chức đón khách khi đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế. Theo đó, UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các Ban Quản lý di tích, Bảo tàng, Ban tổ chức lễ hội, người đứng đầu các thiết chế văn hóa, thể thao, đơn vị kinh doanh du lịch, khu, điểm du lịch xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống dịch Covid-19 cho người dân.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng lưu ý, các địa phương, đơn vị doanh nghiệp du lịch cần đề cao việc phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động, tuân thủ quy định phòng, chống dịch theo khuyến cáo và yêu cầu của Bộ Y tế cũng như của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
“Du lịch là ngành chịu tác động dễ nhìn thấy nhất, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chỉ cần xuất hiện ca bệnh ngoài cộng đồng, lập tức hoạt động du lịch bị ngưng trệ, vì thế yêu cầu phòng, chống dịch phải được quan tâm hàng đầu”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.