G7 giúp chấm dứt đại dịch Covid như thế nào?
Lo “hứa suông”
Mới đây ông Gordon Brown, đặc phái viên của Liên hợp quốc về giáo dục toàn cầu và từng là Thủ tướng Anh giai đoạn 2007-2010 đã có bài viết trên Bloomberg chia sẻ quan điểm về cách thức G7 và các nền kinh tế lớn khác có thể hỗ trợ thế giới vượt qua đại dịch Covid-19 bằng vaccine.
Thủ tướng Anh Boris Johnson mới đây đã kêu gọi các nhà lãnh đạo G7 đưa ra cam kết sẽ hoàn tất tiêm chủng vaccine cho toàn thế giới vào cuối năm tới, cho rằng đây “sẽ là một kỳ tích vĩ đại nhất trong lịch sử y tế”. Ông Boris Johnson sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh G7 từ 11-13/6 tới tại Cornwall, Tây Nam nước Anh.
Nỗ lực để người dân toàn cầu được tiêm vaccine sẽ mang lại lợi ích về y tế và kinh tế vượt xa chi phí bỏ ra |
Tuy nhiên theo cựu Thủ tướng Gordon Brown, đáng buồn thay, lời hứa thường không phải là một kế hoạch và ông sợ rằng một sáng kiến tập trung vào việc chia sẻ liều lượng vaccine của các quốc gia sẽ thiếu khả năng cung cấp miễn dịch cần thiết cho người dân toàn thế giới nếu nó không được cụ thể hóa bằng cam kết và kế hoạch hành động. “Là người đã từng tham dự 12 cuộc họp của G7 với tư cách là Thủ tướng hoặc Bộ trưởng tài chính, tôi rất hiểu cách thức các cuộc họp G7 diễn ra như thế nào. Họ (các nhà lãnh đạo G7) đẩy rất mạnh việc đưa ra các quan điểm mang tính phi chính thức và tất nhiên, điều này cho phép họ nói ra một cách đơn giản mà không cần đến các hành vi ngoại giao chính thức”, ông Gordon Brown viết.
Nhưng các đối thoại, thảo luận mở tại mỗi cuộc họp như vậy lại thường kết thúc mà không có một chương trình nghị sự chính thức - và đây cũng có thể trở thành cái cớ cho việc không hành động và né tránh những quyết định khó khăn sau đó. “Chỉ khi các lãnh đạo G7 thực sự đưa ra được các cam kết trong một tuyên bố chung sau cuộc họp để bắt tay vào hành động, như họ đã từng làm để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, thì lúc đó thế giới mới được hưởng lợi”, ông Gordon Brown nhấn mạnh.
Hình dung về cuộc họp thượng đỉnh G7 sắp diễn ra, ông Gordon Brown viết: “Tôi có thể tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra vào thứ Sáu tới (khi cuộc họp bắt đầu ngày làm việc đầu tiên – PV): Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ phát biểu rằng, chính quyền của ông đã cam kết cung cấp 80 triệu liều vaccine cho các nước đang phát triển và chuẩn bị cung cấp thêm hàng trăm triệu liều nữa. Đại diện nước Anh - quốc gia đã đặt hàng quá nhiều vaccine - cũng sẽ cam kết vào nỗ lực cung cấp chung đó khoảng 100 triệu liều. Trong khi đó, các quốc gia thành viên G7 khác cũng sẽ đưa ra những con số đầy tham vọng về liều lượng mà họ có thể chuyển giao cho thế giới”.
Và rồi các nhà lãnh đạo G7 sẽ chúc mừng nhau về sự hào phóng đó của họ. “Nhưng ngay cả khi những lời hứa như vậy được hiện thực hóa thành cam kết để đưa vào trong tuyên bố chung khi cuộc họp kết thúc thì đâu đó mới có khoảng một tỷ liều vaccine – tức chỉ đủ cho 500 triệu người lớn và rõ ràng con số như vậy vẫn là quá nhỏ (so với kỳ vọng toàn thế giới sẽ được hoàn tất tiêm chủng vào cuối năm tới)”, ông Gordon Brown cho biết.
Cần cam kết rõ ràng về cơ chế chia sẻ, đóng góp
Để đạt được lời hứa như kêu gọi của Thủ tướng Anh Johnson thì đâu đó sẽ cần khoảng 11 tỷ liều. Thực tế thời gian vừa qua, trong số 2 tỷ liều đã được sử dụng, có tới 85% nằm ở “các nước giàu hơn”. Các nước nghèo hơn phải đối mặt với hai vấn đề mà có lẽ chỉ G7 mới giúp giải quyết được. Thứ nhất, nhu cầu cấp thiết của họ không thể được đáp ứng nếu họ phải “xếp hàng chờ tới lượt” trong mùa hè và mùa thu này để mua những liều vaccine của phương Tây còn sót lại và hầu hết vaccine sẽ không đến tay họ cho đến năm sau. Thứ hai, đơn giản là họ không thể đạt được mức độ tiêm chủng như của phương Tây nếu không có được các hỗ trợ tài chính. “Do đó, không quá lời khi nói rằng cuộc họp của G7 lần này sẽ quyết định ai sống và ai chết, ai được tiêm chủng và an toàn, ai vẫn chưa được tiêm chủng và có nguy cơ tử vong”, ông Gordon Brown nhìn nhận.
Chương trình COVAX là một trong những trụ cột chính trong hợp tác toàn cầu nhằm cung cấp một phương tiện cho việc phân phối vaccine, chẩn đoán và điều trị công bằng trên toàn cầu tới 92 quốc gia nghèo nhất. Nhưng để thu hẹp khoảng cách giữa nhu cầu và các khoản tài chính khổng lồ để thực hiện được mục tiêu, cần thêm 16 tỷ đô la ngay trong năm nay và thêm 30 tỷ đô la cho năm tới.
Theo cựu Thủ tướng Anh, phần lớn trong nguồn tài chính trên phải đến từ G7. “Các quyết định mang tính sinh-tử hiện nay không thể phó mặc cho việc điều hành G7 giống như một cuộc gây quỹ từ thiện, nơi “chiếc bát khất thực” được đưa một vòng tới các nhà hảo tâm và nó không thể thay thế cho một kế hoạch chia sẻ gánh nặng vaccine”, ông nói.
Ông Gordon Brown ủng hộ một đề xuất mới đây được đưa ra bởi Na Uy và Nam Phi. Theo đó, dựa trên tính toán về thu nhập, sự giàu có của mỗi quốc gia và những lợi ích khác biệt mà quốc gia sẽ nhận được từ việc mở cửa trở lại nền kinh tế thế giới, kế hoạch này đề xuất cụ thể mức đóng góp của các quốc gia thành viên G7 và rộng hơn là G-20. Cụ thể, Hoa Kỳ sẽ đóng góp 27%, châu Âu 22%, Nhật Bản 6%, Anh 5% và các nước khác gồm Canada, Hàn Quốc và Úc, mỗi bên đóng góp 2%. Tổng cộng, các thành viên G7 và các nước tham dự với tư cách khách mời sẽ đóng 67% số tiền cần trên. Với các nước thành viên G-20 khác, trong đó có Trung Quốc, Nga, các quốc gia dầu mỏ… sẽ chịu trách nhiệm đóng góp cho phần còn lại.
“Thế giới cần tạo ra một vòng tròn nhân đức giống nhau - với nguồn các nguồn tài trợ được cam kết và chia sẻ để đảm bảo tạo ra năng lực sản xuất cũng như cung cấp thêm nguồn cung cấp vaccine”, ông Gordon Brown viết.
Và thế giới đang cần một quyết định như vậy sẽ được G7 đưa ra tại cuộc họp sắp diễn ra.