Hậu kiểm và bài toán năng lực cạnh tranh
Những chỉ tiêu mới
Những yêu cầu chi tiết về khâu hậu kê khai thuế vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) chính thức công bố để tính toán trong Báo cáo môi trường kinh doanh năm sau. Với những yếu tố bổ sung này, việc tính toán và đánh giá về chỉ số nộp thuế, bảo hiểm xã hội (BHXH) của Việt Nam sẽ chính xác hơn.
Bà Joanna Nasr, Trưởng nhóm đánh giá chỉ số nộp thuế của WB nhắc lại kết quả khảo sát Môi trường Kinh doanh 2016 mà tổ chức này thực hiện. Theo đó, số giờ nộp thuế và BHXH trong năm 2014 của Việt Nam là 770 giờ, giảm khoảng hơn 100 giờ so với cách đó 1 năm.
Hậu kiểm nhiều chồng chéo có thể đánh tụt hạng cải cách thuế |
Đánh giá cao những cải cách được thực hiện trong năm 2014 như bỏ một số chỉ tiêu bảng kê, cải thiện tờ khai biểu mẫu thuế giá trị gia tăng… bà Joanna Nasr thừa nhận đây phần lớn là những quy định được thực hiện từ cuối năm 2014 và chưa được phản ánh trong kết quả khảo sát vừa qua của tổ chức này.
Tuy nhiên, bà cũng thẳng thắn cho rằng, dù có được ghi nhận lại thì khoảng cách từ kết quả của Việt Nam tới thông lệ quốc tế vẫn còn khá xa. Đặc biệt là khi Việt Nam vẫn đứng thứ 2 ở châu Á, Thái Bình Dương về thời gian nộp thuế.
Đại diện WB cũng cho biết từ năm tới, phía WB sẽ đưa thêm quy trình hậu kê khai thuế gồm các bước thanh tra, hoàn thuế và giải quyết khiếu nại thuế vào nội dung đo lường.
Cụ thể với thủ tục hoàn thuế, chỉ tiêu được WB đặt ra để đo lường là thời gian giải quyết hoàn thuế là bao nhiêu, dựa trên các yếu tố cụ thể như DN phải bỏ ra bao nhiêu thời gian để chuẩn bị hồ sơ, nộp hồ sơ, chờ bao lâu để có kết quả phản hồi từ cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, tiền hoàn thuế được chi trả ra sao, cơ quan thuế có trả lãi cho khoản tiền này hay không, khả năng DN được hoàn thuế khi đã thực hiện đúng các quy định như thế nào… cũng là các yếu tố được xét đến.
Về thanh tra thuế, vấn đề mà WB quan tâm là thời gian để thu thập thông tin, chuẩn bị tài liệu bổ sung tới cơ quan thuế, cách thức nộp (tại trụ sở cơ quan thuế hay qua hệ thống điện tử), khả năng DN bị thanh tra tờ khai thuế vì lý do sai sót nhỏ khi kê khai có cao không, thời gian ra quyết định thanh tra là bao lâu…
Với khâu giải quyết khiếu nại, tiêu chí đặt ra là người nộp thuế sẽ khiếu nại tới cơ quan nào, cơ quan giải quyết có độc lập với cơ quan thuế không, quy trình ra sao, có bắt buộc người nộp thuế nộp đủ số thuế khiếu nại không, nếu chậm nộp khoản đang khiếu nại thì DN có phải trả lãi với khoản chậm nộp đó hay không...
Khó vượt nếu thiếu nỗ lực cải cách
Đánh giá về các chỉ tiêu mới bổ sung của WB, nhiều ý kiến lo ngại đây là các khâu còn tồn tại nhiều vướng mắc, do đó, nếu không kịp thời cải thiện thì thứ hạng của Việt Nam trong báo cáo môi trường kinh doanh năm tới sẽ khó cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Ông Nguyễn Đình Cư, Phó chủ tịch Hội tư vấn thuế lo ngại, nếu các chỉ tiêu này được bổ sung vào năm sau thì thứ hạng của Việt Nam càng khó lên cao vì thực tế nhiều nội dung thanh tra hiện nay bị DN kêu ca nhiều, do chồng chéo giữa cơ quan thuế, Thanh tra Chính phủ và cơ quan chuyên ngành. Các đơn vị này không sử dụng kết quả của nhau, làm DN mất nhiều thời gian, công sức, chi phí.
Một vấn đề quan trọng khác là giải quyết khiếu nại. Theo ông Cư, luật hiện nay chỉ nói đến quyền khiếu nại nhưng lại không hướng dẫn thủ tục cụ thể. Do đó trong thực tế phát sinh trường hợp DN làm công văn gửi đi nhưng bị quá thời gian quy định nên mất quyền khiếu nại. Hoặc DN có khi gửi đơn vượt cấp, nên đơn không được giải quyết và quá thời gian giải quyết khiếu nại. Bên cạnh đó quy trình xử lý khiếu nại áp dụng nội bộ trong từng ngành, chưa hướng dẫn đầy đủ cho người nộp thuế.
Vấn đề gây “mất điểm” khác là hiện tại cơ quan thụ lý và giải quyết khiếu nại nằm trong cơ quan kiểm tra nội bộ chứ không độc lập với nhau. Tức là, một đơn vị vừa kiểm tra các bộ phận ngành thuế và vừa giải quyết khiếu nại thì rõ ràng chưa đáp ứng yêu cầu khách quan, nên hướng dẫn cho DN còn chậm.
Về thủ tục hoàn thuế, ông Cư đánh giá việc giải quyết hiện hành làm tương đối tốt. Nhưng một bước thụt lùi của vấn đề này trong thời gian qua là quy định 12 tháng liên tục DN có doanh thu âm mới được hoàn thuế, trong khi trước đây doanh thu chỉ cần âm 3 tháng với tổng số 300 triệu đồng là đã được hoàn.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Phó trưởng ban Môi trường kinh doanh Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương bổ sung, việc ban hành chế độ rủi ro của đối tượng thanh kiểm tra về thuế đặt ra trước 30/6/2015, song tới nay vẫn chưa nhận được thông tin. Xây dựng cơ sở dữ liệu hoàn thuế để đảm bảo ít nhất 90% hoàn thuế làm đúng thời gian quy định cũng chưa đạt được. Việc bảo đảm ít nhất 90% hồ sơ khiếu nại của người nộp thuế được giải quyết đúng thời gian hiện cũng chưa làm được.
Do đó, bà Thảo cảnh báo, cải cách thủ tục hành chính thuế và BHXH đã được thực hiện nhưng kết quả chưa rõ và có thể sẽ hụt hơi trong những năm tiếp theo nếu như không có những động thái cải cách mạnh mẽ hơn.
Đại diện Công ty kiểm toán Price Waterhouse Coopers khuyến nghị, với nền kinh tế có tới 90% là DNNVV, thì cơ quan quản lý cần nghiên cứu có chính sách riêng về thực thi nghĩa vụ thuế cho cộng đồng DN này. Thực tiễn là các nước cũng có chính sách riêng cho DNNVV vì quy mô trình độ kế toán thuế của các DN này còn yếu kém. Vì vậy nên nghiên cứu áp dụng hình thức kế toán đơn giản, không bắt buộc tuân thủ tất cả quy định sổ sách như các DN lớn để DNNVV nhanh chóng tuân thủ.