Hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao tiếp cận dịch vụ ngân hàng
Hội nghị do Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh chủ trì, có sự tham dự của các Vụ, Cục chức năng thuộc NHNN; lãnh đạo chi nhánh NHNN; đại diện lãnh đạo hội sở chính các TCTD; lãnh đạo chi nhánh của các TCTD đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố tại 64 điểm cầu trực tuyến.
Toàn cảnh Hội nghị |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh khẳng định: Đây là một trong những đề án quan trọng với nền kinh tế, đặc biệt đối với hệ thống ngân hàng, khu vực doanh nghiệp và người dân.
Đề án 1726 đã khẳng định về những thành quả đạt được của ngành Ngân hàng trong phát triển và nâng cao khả năng cung ứng dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế. Một là, kênh cung ứng dịch vụ ngân hàng xét về kênh truyền thống hay hiện đại đã liên tục phát triển. Hai là, sản phẩm dịch vụ ngân hàng phát triển đa dạng, phong phú, có sản phẩm đã bắt kịp trình độ hiện đại của thế giới. Ba là, chất lượng sản phẩm dịch vụ ngân hàng được cải thiện theo hướng hiện đại, tiện ích, giảm thủ tục và chi phí giao dịch, có sản phẩm dịch vụ ngân hàng tự động 24/24 giờ. Bốn là, mức độ sử dụng dịch vụ ngân hàng gia tăng mạnh.
Tuy nhiên, vẫn còn có những khó khăn, thách thức mà hệ thống ngân hàng cần cải thiện. Đó là tỷ lệ thu phí dịch vụ phi tín dụng còn khiêm tốn; gánh nặng cung ứng vốn cho nền kinh tế vẫn dồn lên vai hệ thống ngân hàng, cần phải được san sẻ từ thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm; mức độ tiếp cận dịch vụ của dân cư và doanh nghiệp chưa đồng đều theo khu vực địa lý cũng như quy mô kinh doanh.
Bởi vậy, Chính phủ chủ trương phải nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế. Nội dung quan trọng nhất của Đề án 1726 gồm 8 mục tiêu cụ thể, 6 nguyên tắc trong quá trình triển khai thực hiện. Đề án đã đề ra 7 nhóm giải pháp rất đồng bộ, toàn diện và cụ thể. Qua 7 nhóm giải pháp có thể thấy, để nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, bên cạnh sự nỗ lực của toàn ngành Ngân hàng thì rất cần sự vào cuộc, phối kết hợp của các bộ, ngành khác. Điều này đã khẳng định tại bản kế hoạch triển khai 14 nhiệm vụ chủ yếu của Đề án được đính kèm Quyết định 1726 nhằm tạo lập môi trường kinh doanh phát triển dịch vụ ngân hàng đa dạng, đơn giản, dễ tiếp cận và an toàn đối với người dân, doanh nghiệp.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Xuân Hoè, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Chiến lược ngân hàng cho rằng, Đề án nên được tiếp cận trên 3 giác ngộ. Đó là khả năng tiếp cận dịch vụ thông qua các mạng lưới, điểm giao dịch và kênh cung ứng của hệ thống ngân hàng. Số lượng và chất lượng dịch vụ của ngành Ngân hàng và mức độ sử dụng dịch vụ của dân cư và doanh nghiệp. Từ đó, ông khuyến nghị các TCTD khi xây dựng phương án cần dựa trên 3 điểm cốt lõi nêu trên
Đề cập tới việc hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển dịch vụ ngân hàng, ông Bùi Quang Tiên - Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho hay: Đối với dịch vụ ngân hàng nói chung, dịch vụ thanh toán nói riêng, muốn phát triển được phải có cơ chế chính sách, xác lập hạ tầng kỹ thuật, cung cấp sản phẩm dịch vụ, xem xét trải nghiệm của khách hàng, phổ cập tài chính toàn xã hội. "Đó là những cốt lõi trong việc tiếp cận dịch vụ tài chính, trong đó có dịch vụ thanh toán", ông Tiên nhấn mạnh.
Về phía các ngân hàng, ông Phạm Đức Tuấn - Phó Tổng giám đốc Agribank đề xuất NHNN, các NHTM nên lưu tâm đối với việc mở rộng mạng lưới, sắp xếp mạng lưới phù hợp để đảm bảo nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ ngân hàng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung về phát triển dịch vụ ngân hàng, nhất là sản phẩm dịch vụ ngân hàng phi tín dụng. Gắn liền với đó là các cơ chế về bảo mật thông tin, đảm bảo an toàn trong cung cấp dịch vụ của các ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, phát triển kênh cung ứng sản phẩm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách, nâng cao chất lượng hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội, các tổ chức tài chính vi mô, Quỹ tín dụng nhân dân; cải tiến chính sách, quy trình, đơn giản hóa thủ tục, thiết kế sản phẩm đơn giản dễ tiếp cận đối với người dân và doanh nghiệp… Qua đó thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển dịch vụ ngân hàng và nâng cao khả năng tiếp cận của nền kinh tế trên cả 3 phương diện: số lượng và chất lượng sản phẩm dịch vụ, kênh cung ứng sản phẩm dịch vụ và mức độ sử dụng sản phẩm dịch vụ.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh một lần nữa: Chiến lược phát triển khu vực dịch vụ của nền kinh tế nói chung, trong đó có chiến lược bộ phận phát triển dịch vụ ngân hàng và nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng đối với doanh nghiệp và người dân trong nền kinh tế là rất quan trọng trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Phát triển và nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế là một trong những đề án bộ phận cốt lõi để thực hiện chiến lược tổng thể phát triển hệ thống ngân hàng đến năm 2025. Thay đổi căn bản, toàn diện, diện mạo của hệ thống ngân hàng từ chỗ kinh doanh chủ yếu dựa vào tín dụng chuyển sang phát triển kinh doanh đa dạng về dịch vụ, tăng doanh thu từ dịch vụ, giảm thiểu rủi ro tín dụng và giảm nợ xấu.
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh yêu cầu các đơn vị tại Hội sở chính của NHNN, chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố, các TCTD tập trung xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể, có lộ trình thực hiện cụ thể theo nhiệm vụ được phân công; định kỳ có báo cáo phản ánh về NHNN qua Viện Chiến lược ngân hàng để tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh Đề nghị các đơn vị trong toàn ngành quán triệt ý nghĩa quan trọng và nhận thức đầy đủ về mục tiêu, nhiệm vụ cần triển khai nhằm thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án 1726. Cụ thể, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng xây dựng Đề án quy hoạch phát triển mạng lưới các TCTD Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020, sớm ban hành trong nửa đầu 2017. Xây dựng Đề án phát triển Quỹ tín dụng nhân dân đến năm 2020, cố gắng trình và ban hành nửa đầu 2017. Xây dựng Thông tư hướng dẫn hoạt động của công ty cho thuê tài chính. Vụ thanh toán cần tập trung 2 nhiệm vụ cơ bản: Xây dựng Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 -2020; xây dựng Đề án tính, thu phí qua tài khoản ngân hàng với các dịch vụ công (thu thuế, điện, nước, học phí...). Viện Chiến lược ngân hàng xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ tài chính. Làm đầu mối tham mưu giúp Thống đốc trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ được phân công của các đơn vị hội sở chính, phương án triển khai của các TCTD; đầu mối liên hệ với các bộ, ngành... Vụ Chính sách tiền tệ xây dựng Thông tư hướng dẫn hoạt động nhận tiền gửi tiết kiệm có giá trị nhỏ theo đặc thù riêng của Ngân hàng Chính sách xã hội. Xây dựng Thông tư quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với khách hàng thay thế Quyết định số 1627 ban hành từ năm 2001. Vụ Tín dụng các ngành kinh tế xây dựng Nghị định cho vay theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm nông sản chủ yếu. Văn phòng NHNN xây dựng Đề án đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm mục tiêu nâng cao hiểu biết về dịch vụ tài chính ngân hàng cho các tầng lớp nhân dân, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Vụ Dự báo Thống kê xây dựng Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê về tiếp cận dịch vụ tài chính, ngân hàng. Chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố tổ chức rà soát, đánh giá toàn diện sự phát triển dịch vụ ngân hàng trên địa bàn. Nắm bắt phương án, kế hoạch triển khai từ trụ sở chính của các TCTD để có kế hoạch chỉ đạo cụ thể đến từng đơn vị của TCTD trên địa bàn, phù hợp với đặc điểm, trình độ phát triển kinh tế của từng địa phương. Mỗi TCTD trên địa bàn có phương án phát triển dịch vụ sản phẩm ngân hàng, kênh bán hàng, cải tiến thủ tục giao dịch, nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn đối với người dân, doanh nghiệp. NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố nắm bắt kịp thời phản ánh những kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về sản phẩm, dịch vụ và chất lượng sản phẩm, dịch vụ TCTD để có những cải tiến chinh sách, quy trình sản phẩm dịch vụ nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Chủ tịch HĐQT, Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Giám đốc các TCTD xây dựng phương án, triển khai cụ thể về phát triển sản phẩm DVNH của đơn vị mình theo hướng: đơn giản, tiện lợi, dễ tiếp cận nhưng an toàn. Có kế hoạch ưu tiên dành nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển công nghệ thông tin hiện đại... Ngân hàng Chính sách xã hội cần có phương án cụ thể nâng cao chất lượng hoạt động tại các điểm giao dịch của xã, đặc biệt ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đào tạo nâng cao trình độ cán bộ tín dụng nhằm nâng cao khả năng tư vấn, hỗ trợ hiệu quả đối với các hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách... Ngân hàng Hợp tác xã chủ động xây dựng phương án liên kết với Quỹ tín dụng nhân dân trong việc phát triển dich vụ chuyển tiền trong toàn quốc, phát triển dịch vụ ngân hàng hiện đại. Các tổ chức tài chính vi mô cần tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, tổ chức cung ứng sản phẩm dịch vụ theo nhóm liên kết, góp phần xoá đói giảm nghèo. Văn phòng NHNN, Ban Truyền thông chủ động xây dựng kế hoạch truyền thông hàng năm về quá trình triển khai Đề án 1627, phối hợp với các TCTD phối hợp truyền thông những sản phẩm, dịch vụ mới; nắm bắt kịp thời những khó khăn trong quá trình tiếp cận dịch vụ NH để tham mưu Thống đốc, chỉ đạo các đơn vị Vụ, cục có những tiếp thu, chỉnh sửa, về thể chế, chính sách, quy trình sản phẩm... |