Hút vốn ngoại, còn nhiều thách thức
Chưa đáp ứng được yêu cầu
Tuy nhiên, gần đây Đà Nẵng đã bộc lộ nhiều hạn chế, tồn tại có cả yếu tố khách quan và chủ quan như kinh tế phát triển chưa bền vững, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN còn nhiều khó khăn; thu hút đầu tư trong và ngoài nước còn nhiều hạn chế, dự án chậm triển khai gây phiền hà cho nhân dân…
Đột phá cải cách hành chính, nhưng Đà Nẵng vẫn chưa thu hút được đầu tư nhiều do còn nhiều bất cập khác |
Đơn cử, trong thu hút DN FDI Nhật Bản đến đầu tư tại thành phố biển này là một ví dụ. Theo ông Yuichi Bamba, Phó trưởng đại diện JETRO tại Việt Nam, thời gian qua, mặc dù chính quyền Đà Nẵng nỗ lực rất nhiều trong việc cải thiện môi trường đầu tư nhưng vẫn còn nhiều yếu tố cản trở DN Nhật Bản đầu tư vào đây.
Ông Yuichi Bamba liệt kê ra một loạt các nguyên nhân như: khó khăn trong việc thu hồi đất và quy chế đầu tư nước ngoài; hệ thống an sinh, phúc lợi xã hội chưa hoàn chỉnh; không có DN thích hợp để liên doanh; môi trường sống sinh hoạt cho người Nhật còn thiếu… Đặc biệt, việc thay đổi chính sách một cách đột ngột, với những nguyên nhân đó khiến số lượng dự án đầu tư vào Đà Nẵng không có khuynh hướng tăng lên…
Dưới góc nhìn của đơn vị làm cầu nối DN với chính quyền địa phương, đại diện VCCI chi nhánh Đà Nẵng cho hay, vấn đề trở ngại lớn nhất đối với DN Nhật Bản vào Đà Nẵng thiếu nguồn cung ứng nguyên vật liệu và công nghiệp phụ trợ.
Đơn cử, tại Việt Nam các DN Nhật Bản chỉ mua được nguyên vật liệu, linh kiện từ các DN trong nước với tỷ lệ khoảng 28% trong khi con số này với Trung Quốc 60,8%, Thái Lan 53%…
Để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN Nhật, VCCI Đà Nẵng đã phối hợp với JETRO tổ chức “triển lãm ngược” - trưng bày, giới thiệu những sản phẩm, linh kiện mà DN ở Đà Nẵng thiếu. Tuy nhiên chỉ có một DN bao bì thành công còn các sản phẩm, linh kiện khác thì quá ít mà kỹ thuật cao, không đủ hấp dẫn các DN Đà Nẵng tham gia cung ứng.
Cần có “liều thuốc” đặc trị
Theo UBND TP. Đà Nẵng, trong giai đoạn từ 2011 đến 15/10/2015, thu hút đầu tư FDI của địa phương này được 202 dự án, với tổng số vốn cấp mới hơn 646,6 triệu USD và 85 dự án tăng vốn, với hơn 706 triệu USD. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản chiếm 68,4% tổng số vốn, tiếp đến công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ lệ 27,08%.
Các dự án đầu tư, cấp mới tập trung chủ yếu ở lĩnh vực dịch vụ, công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chính xác, logistics… Những lĩnh vực này phù hợp với định hướng kêu gọi đầu tư của Đà Nẵng. Các DN FDI đóng góp 11,83% giá trị gia tăng toàn nền kinh tế địa phương này, giá trị sản xuất công nghiệp khu vực FDI chiếm từ 20-25% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tỷ trọng xuất khẩu chiếm hơn 50% so với giá trị xuất khẩu của địa phương. Đến nay, trên địa bàn có hơn 44.000 lao động làm việc trong các DN FDI.
Theo đánh giá chung, tổng vốn FDI cấp mới và tăng thêm trong giai đoạn 2011-2015 chỉ đạt trên 1,3 tỷ USD, trong khi giai đoạn 2006-2010, con số này đạt trên 2,4 tỷ USD. Tổng số vốn cấp mới và tăng thêm giảm từ năm 2011 đến nay chủ yếu do sự vắng bóng của các dự án lớn trong lĩnh vực bất động sản. Việc thu hút FDI của Đà Nẵng còn quá thấp so với nhiều địa phương trong nước. Các DN FDI đều có quy mô vừa, nhỏ, sử dụng lao động, hàm lượng khoa học công nghệ còn thấp.
Theo nhận định của giới chuyên môn, nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên xuất phát từ yếu tố địa lý, quy mô thị trường của Đà Nẵng và các khu vực lân cận còn thấp, ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, thiếu lao động kỹ thuật và các nhà quản lý giỏi…
Ngoài ra, chính sách ưu đãi đầu tư của Đà Nẵng chưa thực sự hấp dẫn; khu công nghệ cao chưa hoàn thiện để DN sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ cao sẵn sàng đầu tư. Cùng với đó, quỹ đất tại 6 khu công nghiệp còn lại bố trí rải rác, không tập trung; các hoạt động xúc tiến đầu tư còn dàn trải, thiếu sự phối hợp. Một số nhà đầu tư vẫn chưa hài lòng với cách giải quyết thủ tục hành chính, dù được đánh giá là đã đạt được một số thành tựu nhất định.
Theo đại diện VCCI Đà Nẵng, để tạo niềm tin và thu hút DN FDI, chính quyền Đà Nẵng cần trả lời DN bằng văn bản một các rõ ràng, minh bạch vì sao lại thay đổi các chính sách đột ngột. Để xảy ra vấn đề này là trước đây, để thu hút đầu tư, một số địa phương “xé rào” bằng việc ban hành một số chính sách ưu đãi đặc biệt.
Song những năm gần đây, Chính phủ yêu cầu tạm dừng, do đó cần có sự minh bạch trong vấn đề này. Cùng với đó, các chính sách về thuế cần được giải quyết một cách nhanh chóng, minh bạch, các thủ tục cấp phép tiến hành nhanh sẽ giúp cho các nhà đầu tư yên tâm hơn, hạn chế được những rủi ro cho DN.
Trong kỳ họp HĐND mới đây, chính quyền Đà Nẵng đã thể hiện quyết tâm bằng việc triển khai có hiệu quả 3 đột phá. Theo đó có các giải pháp đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư trong và ngoài nước, nhất là thu hút FDI. Cùng với đó, UBND TP. Đà Nẵng cần tổng kết, đánh giá và ban hành các chính sách hỗ trợ DN trong giai đoạn hội nhập, đồng thời tận dụng các cơ hội Hội nghị APEC, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cộng đồng ASEAN… để đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư vào Đà Nẵng trong thời gian tới. |