Khi chỉ thị của Đảng được nhân dân đồng tình ủng hộ (Bài 1)
Bài 1: Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Chỉ thị số 40-CT/TW ra đời đúng thời điểm các cấp ủy, chính quyền ra sức thi đua thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, trong đó đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số - miền núi và xây dựng nông thôn mới là những nhiệm vụ quan trọng, thể hiện vai trò, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước đối với nhân dân, nhất là đối với người nghèo, các đối tượng chính sách, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn... Vì vậy, cả hệ thống chính trị ở Phú Yên đã tích cực vào cuộc triển khai chỉ thị này trên địa bàn tỉnh.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách
Cách đây gần 20 năm, anh Vi Văn Huấn đến xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) làm thuê. Sau đó, người đàn ông dân tộc Thái sinh năm 1986 này lập gia đình và sinh sống tại thôn Soi Nga, xã Xuân Lãnh từ đó đến nay. Thời gian đầu, ruộng đất không có, vốn liếng cũng không, vợ chồng anh làm thuê làm mướn để có tiền sinh sống. Hai đứa con lần lượt ra đời, thêm miệng ăn, cảnh nhà đã khó càng thêm khó. Vào thời điểm năm 2014, gia đình anh Huấn là một trong số rất nhiều hộ nghèo ở huyện Đồng Xuân.
Đồng Xuân là huyện miền núi của tỉnh Phú Yên, có tổng diện tích tự nhiên 1.033 km2 với dân số 55.314 người, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chiếm 19,5% tổng dân số. Năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện là 44,91%.
Anh Vi Văn Huấn ở xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) phát triển kinh tế gia đình nhờ vốn vay từ NHCSXH. Ảnh: Lê Hảo |
“Với điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, Ban Thường vụ Huyện ủy Đồng Xuân nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc ra đời Chỉ thị số 40-CT/TW và xác định tín dụng chính sách xã hội là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần vào công cuộc giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chính vì vậy, ngay sau khi Chỉ thị số 40-CT/TW được ban hành, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn”, ông Hồ Văn Mười, Bí thư Huyện ủy Đồng Xuân cho biết.
Bám sát chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Đồng Xuân, Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội. UBND các xã, thị trấn cũng chỉ đạo các hội đoàn thể ở cơ sở phối hợp với các thôn, buôn, khu phố rà soát, nắm bắt nhu cầu vay vốn của người dân địa phương.
Tại xã Xuân Lãnh, biết được mong muốn tiếp cận vốn tín dụng chính sách của gia đình anh Vi Văn Huấn, cán bộ Hội Nông dân xã và tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn đã hướng dẫn anh làm hồ sơ vay vốn hộ nghèo để phát triển kinh tế gia đình. Anh Huấn cho biết: Có vốn, chúng tôi mạnh dạn đầu tư nuôi bò, rồi dùng số tiền dôi dư mua đất rẫy. Sau khi trả hết vốn vay đợt đầu, gia đình được cho vay lại đến 80 triệu đồng để trồng keo. Trải qua một thời gian dài chăm chỉ làm ăn, đến nay, chúng tôi có 2 con bò, 5ha keo. Chúng tôi cũng xây được ngôi nhà mới và trả sổ hộ nghèo cho Nhà nước.
Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp nhiều hộ dân ở huyện Sông Hinh có điều kiện đầu tư trồng mắc ca. Ảnh: Lê Hảo |
Không riêng gia đình anh Huấn, qua 10 năm triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, trên địa bàn huyện Đồng Xuân có 36.206 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn với tổng doanh số 1.306 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở địa phương. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 8,05%.
Ưu tiên vốn địa phương ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay
Triển khai chủ trương đa dạng hóa nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội, thời gian qua, cùng với nguồn vốn cân đối từ Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ban ngành liên quan trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã quan tâm huy động và tập trung các nguồn lực tài chính ủy thác NHCSXH cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh.
“Mặc dù ngân sách tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố còn khó khăn, nhưng dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, từ UBND tỉnh đến các huyện, thị xã và thành phố đều trích ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn ủy thác NHCSXH cho vay năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị số 40, nguồn vốn địa phương ủy thác tăng lên đáng kể, đến 30/6/2024 đạt hơn 353 tỷ đồng, tăng hơn 338 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40 (tăng gấp 23,7 lần), chiếm tỷ trọng 7,6% tổng nguồn vốn. Trong đó, ngân sách tỉnh là 217 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện 136 tỷ đồng”, ông Hồ Văn Thục, Giám đốc NHCSXH Phú Yên cho biết.
Người dân thị trấn Phú Thứ (huyện Tây Hòa) tìm hiểu về các chương trình tín dụng chính sách được niêm yết công khai tại trụ sở UBND thị trấn. Ảnh: Lê Hảo |
Theo ông Mai Ne, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện, Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Tây Hòa, khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, huyện Tây Hòa xác định đây là chỉ thị rất quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng đối với một chính sách thiết yếu, một kênh tín dụng giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác… vươn lên ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững.
“Chính vì vậy, ngay từ những năm đầu thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, mặc dù ngân sách của huyện còn rất hạn chế, nhưng UBND huyện rất quan tâm ưu tiên dành một phần nguồn vốn ngân sách ủy thác sang NHCSXH để bổ sung vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại địa phương. Lũy kế đến nay, tổng nguồn vốn huyện ủy thác sang NHCSXH đạt hơn 13,8 tỷ đồng, tăng hơn 13,8 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40”, ông Mai Ne nói.
Ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Sông Hinh thì cho hay: Không chỉ ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, UBND huyện Sông Hinh còn chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với Phòng giao dịch NHCSXH huyện và các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là các hội đoàn thể nhận ủy thác thực hiện lồng ghép nguồn vốn tín dụng chính sách với các nguồn vốn khác và các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư để phát huy hiệu quả cho vay. Huyện cũng yêu cầu các đơn vị liên quan tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách tín dụng và những mô hình hộ vay làm ăn hiệu quả để người dân biết, học hỏi; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi cho vay, thường xuyên củng cố hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn… nhằm nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện.
Nguồn: NHCSXH Phú Yên, Đồ họa: Quốc Hùng |
Là một trong những hộ được thụ hưởng nguồn vốn địa phương uỷ thác cho vay qua NHCSXH, ông Hoàng Văn Hoan ở khu phố Ngô Quyền (thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh) chia sẻ: “Muốn có vốn làm ăn, phần lớn người dân phải vay mượn. Vay bên ngoài khó, lãi lại cao nên khi được vay vốn tín dụng chính sách, chúng tôi rất mừng. Nhờ nguồn vốn này, chúng tôi có thể tự tạo việc làm, mang lại thu nhập ổn định, có đồng ra đồng vô trang trải cuộc sống, lo cho con cái học hành”.
Theo Giám đốc NHCSXH Phú Yên Hồ Văn Thục, nguồn vốn địa phương hiện chiếm tỉ trọng không lớn so với nguồn vốn Trung ương nhưng cho thấy nỗ lực rất lớn của tỉnh trong việc chung tay cùng với NHCSXH thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, cải thiện đời sống cho người dân trên địa bàn.