Khi chỉ thị của Đảng được nhân dân đồng tình ủng hộ (Bài 3)
Khi chỉ thị của Đảng được nhân dân đồng tình ủng hộ (Bài 1) Khi chỉ thị của Đảng được nhân dân đồng tình ủng hộ (Bài 2) |
Bài 3: Nhân lên sức mạnh ý Đảng - lòng dân
10 năm, gần 343.000 lượt hộ được vay vốn
Là xã bãi ngang ven biển nằm về phía Nam của huyện Tuy An, An Hòa Hải có diện tích tự nhiên 36,31km2, với 14 thôn, trong đó có 7 thôn ven biển. Những năm qua, giá cả thị trường không ổn định, thời tiết diễn biến phức tạp, hạn hán, dịch bệnh thường xuyên xảy ra làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của người dân nơi đây.
“Trong bối cảnh nói trên, việc triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ thông qua Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tuy An đã tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn có vốn để sản suất, kinh doanh, tạo việc làm cho nhiều lao động... Ngoài ra, nguồn vốn còn giúp cho nhiều học sinh sinh viên khó khăn có điều kiện tiếp tục học tập; hộ nghèo xây nhà ở ổn định; nhiều gia đình có kinh phí xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh, cải thiện chất lượng cuộc sống”, ông Bùi Sinh Nhật, Chủ tịch UBND xã An Hòa Hải cho biết.
Không chỉ được vay vốn sản xuất kinh doanh, người dân xã An Hòa Hải (huyện Tuy An) còn được vay vốn xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Ảnh: Lê Hảo |
Gia đình ông Phạm Minh Tình ở thôn Phước Đồng, là một trong số hơn 1.700 hộ vay vốn tín dụng chính sách trên địa bàn xã An Hòa Hải. Bao nhiêu năm làm biển nhưng vì kinh tế khó khăn nên ông Tình vẫn chưa sắm được sõng (thuyền nan nhỏ) để tự đi lưới mà chủ yếu làm thuê cho các chủ thuyền khác. Thấu hiểu hoàn cảnh của gia đình ông Tình, trưởng thôn cùng tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn đã đến tìm hiểu nguyện vọng và hướng dẫn ông làm hồ sơ vay vốn NHCSXH. Từ nguồn vốn “mồi” này gia đình ông thêm tiền dành dụm bấy lâu, sắm một chiếc sõng nhỏ để làm ăn.
Sau nhiều năm tích lũy, ông Tình không những trả được nợ cho ngân hàng mà còn có thể “lên đời” ghe máy để đi đánh bắt xa hơn, góp phần tăng thu nhập cho gia đình. “Nếu không có sự trợ giúp kịp thời của nguồn vốn tín dụng chính sách, gia đình tôi khó có được như ngày hôm nay”, ông Tình chia sẻ.
Theo ông Hồ Văn Thục, Giám đốc NHCSXH Phú Yên, với phương châm phục vụ tận nhà, giải ngân tại xã, thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ, hàng tháng, NHCSXH Phú Yên đều tổ chức giao dịch theo lịch cố định tại 110 điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND cấp xã nhằm giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ một cách thuận lợi, tiết giảm chi phí. Tại điểm giao dịch xã, các chính sách tín dụng, danh sách hộ vay vốn và các quy trình thủ tục của NHCSXH được niêm yết công khai; người vay giao dịch trực tiếp với NHCSXH để nhận vốn, trả nợ, gửi tiền tiết kiệm, trước sự chứng kiến của cán bộ tổ chức chính trị - xã hội, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn và chính quyền cấp xã. Qua đó, chính quyền cơ sở cũng có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với người dân, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân, góp phần ổn định an ninh, trật tự và an toàn xã hội tại cơ sở.
Vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư đến đến 110/110 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Trong ảnh: Đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) được tiếp cận vốn để xây nhà ở ổn định. Ảnh: Lê Hảo |
Từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW đến ngày 30/6/2024, NHCSXH Phú Yên đã giải ngân 10.910 tỷ đồng, cho gần 343.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn. Đến ngày 30/6/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 4.640 tỷ đồng, tăng 2.825 tỷ đồng so năm 2014, với hơn 92.000 hộ còn dư nợ, bình quân một hộ dư nợ đạt 50,25 triệu đồng, tăng 30,75 triệu đồng so năm 2014. Trong đó, dư nợ tín dụng chính sách phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế, tạo việc làm là 3.125 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 67,4% tổng dư nợ. Dư nợ tín dụng chính sách phục vụ đời sống, sinh hoạt là 1.515 tỷ đồng, chiếm 32,6% tổng dư nợ.
Chủ trương đúng đắn, nhân văn
Theo Tỉnh ủy Phú Yên, năm 2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ thị của Ban Bí thư, từ năm 2014 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã ban hành nhiều văn bản, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể trong tỉnh quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư, các cấp uỷ đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã xác định rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội, xem việc lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên của địa phương, đơn vị.
Giải ngân vốn tại điểm giao dịch thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa. Ảnh: Lê Hảo |
Ban đại diện HĐQT các cấp đã cùng các cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị tập trung huy động được nhiều nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh. Vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư đến đến 110/110 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, góp phần giúp hơn 40.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 55.000 lao động; tạo điều kiện cho 16.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 177.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; hơn 1.000 căn nhà ở cho hộ nghèo; hơn 34.000 hộ gia đình tại vùng khó khăn vay vốn sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập nhằm cải thiện cuộc sống từng bước vươn lên thoát nghèo...
“Từ những kết quả đạt được có thể khẳng định rằng Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư là một chủ trương đúng đắn, nhân văn của Đảng, Nhà nước ta, là sự quan tâm đối với các đối tượng yếu thế, đối tượng chính sách trong xã hội, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; đồng thời nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền địa phương”, đồng chí Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên khẳng định.
Thời gian tới, để tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, đồng chí Hồ Thị Nguyên Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH Phú Yên cho biết: Cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả các nội dung của Chỉ thị số 40-CT/TW; tích hợp các chương trình tín dụng chính sách xã hội trong quyết định đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình, dự án khác. Hằng năm, UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố ưu tiên bố trí ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác sang NHCSXH nhằm bổ sung nguồn vốn cho vay. UBND các cấp trên địa bàn cũng chỉ đạo thực hiện tốt việc điều tra, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình và các đối tượng thụ hưởng các chính sách tín dụng khác làm cơ sở để NHCSXH cho vay; đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, đào tạo nghề để hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác nâng cao hiệu quả sử dụng vốn…
Phát biểu tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Phú Yên, Phó Tổng giám đốc NHCSXH Hoàng Minh Tế cho biết: “Thời gian tới, NHCSXH sẽ tiếp tục quan tâm, chú trọng bổ sung nguồn lực, nguồn vốn để thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi tại địa bàn Phú Yên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương”. |