Khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thi hành án dân sự liên quan đến xử lý TSBĐ của các TCTD
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, Vietcombank đánh giá đây chỉ là biện pháp cuối cùng, “bất đắc dĩ” để xử lý nợ khi khách hàng chống đối, bất hợp tác. Theo thống kê của Vietcombank trong năm 2016 tại các Chi nhánhVietcombank, thời gian Cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) các cấp xử lý TSBĐ thu hồi nợ cho Vietcombank đối với các loại TSBĐ phổ biến như sau:
- TSBĐ là nhà ở: 35% tổng số vụ việc mất trung bình trên 24 tháng để xử lý.
- TSBĐ là phương tiện giao thông vận tải: 28% tổng số vụ việc mất trung bình trên 24 tháng để xử lý;
- TSBĐ là máy móc thiết bị: 33% tổng số vụ việc mất trung bình trên 24 tháng để xử lý;
Đặc thù có những vụ việc thi hành án trải qua gần 30 lần giảm giá với thời gian xử lý lên tới 5 năm. Quá trình thực hiện thi hành bản án còn nhiều bất cập, thời gian thi hành án lâu không chỉ gây tốn kém chi phí, mà còn kéo dài thời gian thu nợ, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của Vietcombank. Trong quá thu hồi nợ thông qua khởi kiện, yêu cầu thi hành án xử lý tài sản bảo đảm, Vietcombank gặp một số khó khăn vướng mắc sau:
1. Khó khăn khi TSBĐ tại Bản án và thực tế không thống nhất hoặc không rõ ràng:
Một số trường hợp, TSBĐ tại bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật không giống như được mô tả trên giấy tờ đăng ký quyền sở hữu/quyền sử dụng hoặc không giống tình trạng tài sản trên thực tế (ví dụ: diện tích đất nhỏ hoặc lớn hơn thực tế; trên đất chỉ có nhà ở cấp 4, không phải là nhà ở kiên cố; TSBĐ chỉ là quyền sử dụng đất nhưng thực tế trên đất lại có công trình xây dựng nhà ở...). Vì vậy, Cơ quan THADS đã phải yêu cầu Tòa án giải thích bản án, quyết định của Tòa án gây thêm sự chậm trễ trong việc thi hành án.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện thủ tục kê biên tài sản, việc phối hợp, tổ chức thực hiện các công việc như đo vẽ, xác định hiện trạng tài sản (ranh giới, tranh chấp, quy hoạch...) giữa Cơ quan THADS với các cơ quan, ban ngành tại địa phương liên quan (như Tài nguyên môi trường, quy hoạch kiến trúc, điện lực, thuế...) còn chưa tốt dẫn đến vụ việc bị kéo dài gây thiệt hại cho cả người được thi hành án và người phải thi hành án.
2. Việc ủy quyền xác minh, ủy thác thi hành án còn bất cập:
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật THADS năm 2014 có hiệu lực từ 01/7/2015, đã khắc phục được nhiều bất cập, vướng mắc sau 06 năm thi hành Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Một trong số đó là quy định về việc xác minh điều kiện thi hành án dân sự là trách nhiệm của chấp hành viên (sửa đổi Khoản 1 Điều 44 về xác minh điều kiện thi hành án).
Trường hợp cần làm rõ thông tin về tài sản, nơi cư trú, nơi làm việc, trụ sở của người phải thi hành án hoặc các thông tin khác liên quan đến việc thi hành án thì Thủ trưởng Cơ quan THADS có thể ủy quyền xác minh cho Cơ quan THADS nơi có thông tin trên (Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP).
Cũng tương tự là trường hợp về ủy thác thi hành án: Thủ trưởng Cơ quan THADS phải ủy thác thi hành án cho cơ quan THADS nơi người phải thi hành án có tài sản là bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng; đối với loại tài sản khác thì có thể ủy thác cho cơ quan THADS nơi có tài sản tổ chức thi hành (Điều 16 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP).
Tuy nhiên trong thực tế việc ủy quyền xác minh điều kiện thi hành án và ủy thác thi hành án giữa các địa phương, đặc biệt là các địa phương không trong cùng địa giới hành chính một tỉnh/thành phố mất rất nhiều thời gian. Trong khi việc nhận TSBĐ là các bất động sản tại các địa phương khác nhau là tương đối phổ biến đối với các TCTD trong đó có Vietcombank. Cá biệt có những trường hợp việc chuyển đi chuyển lại giữa cơ quan thi hành án các địa phương kéo dài từ 1-2 năm mà vẫn chưa thể kê biên và xử lý được tài sản.
3. Cơ quan THADS không tuân thủ thời hạn thực hiện cưỡng chế kê biên, bán đấu giá TSBĐ để thu hồi nợ
Theo quy định tại khoản 2 Điều 8, khoản 1 Điều 45, khoản 1 Điều 46 Luật THADS, sau khi hết thời hạn 15 ngày (kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được sự thông báo hợp lệ quyết định thi hành án) tự nguyện thi hành án, nếu có căn cứ xác minh người phải thi hành án có điều kiện thi hành mà không thi hành, thì TCTD có quyền đề nghị cơ quan THADS ra quyết định cưỡng chế thi hành án, tổ chức kê biên, bán đấu giá TSBĐ để thu hồi nợ. Tuy nhiên trên thực tế, thời hạn thực hiện cưỡng chế kê biên, bán đấu giá TSBĐ để thu hồi nợ của các cơ quan THADS thường vượt quá thời hạn này, khiến việc thi hành án bị kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ thu hồi nợ của Vietcombank.
4. Nhiều trường hợp cơ quan thi hành án không thực sự quyết liệt trong quá trình thi hành bản án khi người phải thi hành án chây ỳ hoặc có mối “quan hệ” với chính quyền địa phương.
Một số trường hợp, do chủ tài sản có nhiều quan hệ với địa phương, hoặc chủ tài sản có “lịch sử” hay chống đối, khiếu nại các cơ quan ban ngành nên Cơ quan THADS “ngại” cưỡng chế thi hành án đối với các đối tượng này.
Người phải thi hành án thường tìm mọi cách để trì hoãn, trốn tránh việc thi hành án, làm cho việc thi hành án trở lên khó khăn phức tạp. Một số trường hợp, người phải thi hành án dựa vào quan hệ “đặc biệt” với địa phương để gây sức ép lên cơ quan thi hành án, liên tục gửi các đơn khiếu nại “khống” tới các cơ quan ban ngành (Tòa án Nhân dân, Văn phòng Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao...), Điều này khiến Cơ quan THADS phải tốn rất nhiều thời gian để gửi các công văn, hồ sơ giải trình trước khi tiếp tục thi hành án, từ đó dẫn đến việc “ngại” không quyết liệt đẩy nhanh quá trình kê biên xử lý tài sản bảo đảm.
Hiện, Vietcombank hiện đang yêu cầu thi hành án đối với một trường hợp tại tỉnh Thái Bình, người phải thi hành án liên tục gửi các đơn khiếu nại, kiến nghị đến TAND tối cao, UBND tỉnh... nên cơ quan THADS đã phải tiến hành rất nhiều cuộc họp liên ngành để xin ý kiến chỉ đạo. Mặc dù cơ quan THADS đã ra quyết định thi hành bản án từ năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa thể kê biên được TSBĐ.
5. Vướng mắc trong việc định giá TSBĐ, thuê tổ chức bán đấu giá TSBĐ:
Theo quy định, khi người được thi hành án và người phải thi hành án không thỏa thuận được đơn vị định giá TSBĐ và đơn vị đấu giá tài sản, chấp hành viên sẽ lựa chọn hai đơn vị này. Trường hợp này là chiếm đa số trong các vụ việc thi hành án do khi người phải thi hành án không hợp tác dẫn đến các TCTD mới phải khởi kiện ra TAND có thẩm quyền để yêu cầu thi hành án xử lý TSBĐ. Tuy nhiên, thực tế tại nhiều địa phương, đơn vị thẩm định giá thường định giá các TSBĐ cao hơn giá trị thị trường (do việc tính giá thẩm định căn cứ vào giá trị tài sản được thẩm định giá).
Việc định giá không sát giá trị thị trường khiến việc xử lý TSBĐ kéo dài. Ngoài ra, tại một số địa phương thực hiện bán đấu giá tái sản cũng phát sinh tiêu cực. Một số trường hợp cụ thể, khi cán bộ Vietcombank có nhu cầu mua TSBĐ được phát mại thông qua đơn vị bán đấu giá do Cơ quan THADS chỉ định cũng rất khó khăn, nếu không nhờ “can thiệp” thì không thể mua được hồ sơ. Điều này khiến cho giá bán tài sản bị giảm sút qua các lần giảm giá (mà người mua không thể mua được hồ sơ) gây thiệt hại cho cả người thi hành án và phải thi hành án.
6. Thủ tục giảm giá TSBĐ còn quá cứng nhắc, tốn nhiều thời gian
Theo quy định, trường hợp bán đấu giá TSBĐ không thành công, cơ quan THADS được quyết định giảm tối đa 10%. Tuy nhiên, khi TSBĐ được đưa ra trung tâm bán đấu giá công khai nhưng không thành công, Cơ quan THADS chỉ giảm giá TSBĐ từ 2 – 3% với lý do: không thể giảm giá quá nhiều vì ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ TSBĐ.
Tuy nhiên, thực tế giá trị TSBĐ được thị trường chấp nhận thấp hơn nhiều so với giá khởi điểm được đưa ra bán đấu giá, nên tiến độ bán TSBĐ rất chậm. Có trường hợp cá biệt tại một chi nhánh của Vietcombank, cơ quan THADS phải giảm giá gần 30 lần trong vòng 5 năm, mỗi lần chỉ giảm 2-3% thì mới bán đấu giá TSBĐ thành công. Việc giảm giá với bước giá quá nhỏ mà không phù hợp với thị trường chung ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người được thi hành án.
7. Vướng mắc về thủ tục, thứ tự xử lý TSBĐ khi thi hành án
Tại các bản án có hiệu lực pháp luật, TAND tuyên khi khách hàng không trả được nợ thì Vietcombank có quyền yêu cầu cơ quan THADS xử lý các TSBĐ. Khi Vietcombank gửi đơn yêu cầu THADS thì cũng yêu cầu thi hành án đồng thời các TSBĐ (bao gồm cả TSBĐ của bên nợ và TSBĐ thế chấp của bên thứ 3). Tuy nhiên, thực tế thi hành án, cơ quan THADS sẽ tiến hành xử lý các TSBĐ của bên nợ trước, sau khi xử lý hết TSBĐ của bên nợ thì mới xử lý các TSBĐ của bên thứ 3.
Một số trường hợp, quá trình xử lý tài sản của bên nợ gặp khó khăn, kéo dài, mặc dù giá trị TSBĐ thấp hơn nhiều so với dư nợ nhưng Cơ quan THADS vẫn không tiến hành kê biên, xử lý các TSBĐ của bên thứ 3. Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của người được thi hành án là Vietcombank.
Một số kiến nghị của Vietcombank:
Trong khuôn khổ thực hiện Quy chế phối hợp giữa NHNN và Bộ Tư pháp trong công tác thi hành án dân sự, nhằm mục đích tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, góp phần thực hiện có hiệu quả các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của Quốc hội và Chính phủ, Tổng cục THADS đã thành lập Tổ xử lý nợ xấu với nhiệm vụ chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng.
Trong thời gian qua, Vietcombank và Tổng cục THADS đã có nhiều buổi làm việc về công tác thi hành án dân sự tại các địa phương như: Hải Phòng, Hà Nội, TP.HCM, An Giang... và thu được những kết quả khả quan. Từ đó, tiến độ xử lý nợ xấu qua thi hành án của Vietcombank trên một số địa bàn cũng đã được đẩy mạnh. Từ đó, Vietcombank đề nghị Tổng cục THADS tiếp tục tăng cường công tác phối hợp giữa NHNN, Bộ Tư pháp và các đơn vị liên quan để tìm giải pháp về cơ chế để xử lý tài sản.
Ngoài ra, Vietcombank đề nghị Tổng cục THADS tiếp tục đẩy mạnh công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ cho các đơn vị trực thuộc để áp dụng thống nhất, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án cho các TCTD.
Đối với NHNN: Vietcombank đề nghị NHNN tiếp tục chỉ đạo các Chi nhánh NHNN tại các địa phương phối hợp với Cơ quan THADS địa phương tích cực triển khai Quy chế phối hợp giữa NHNN và Bộ Tư pháp trong công tác thi hành án dân sự nhằm đẩy nhanh các vụ án còn tồn đọng, góp phần thu hồi nợ cho các TCTD, bổ sung nguồn vốn kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển.