Khuyến khích trái phiếu bền vững để phát triển thị trường vốn
Đề xuất triển khai gói ưu đãi phát triển nhà ở xã hội từ nguồn vốn trái phiếu Trái phiếu Chính phủ: Kênh đầu tư an toàn, hiệu quả |
TS. Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) cho biết, Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội đã đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng cho thị trường vốn, với định hướng đến năm 2025: quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt tối thiểu 85% GDP; dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đạt khoảng 20% GDP.
Thời gian qua, dù đối mặt với nhiều biến cố khó lường, thị trường vốn Việt Nam đã dịch chuyển theo hướng ngày càng cân đối, hài hòa và bền vững hơn. Theo đó, sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng dần giảm, trong khi tỷ trọng vốn huy động từ thị trường chứng khoán tăng lên. Đến nay, vốn hóa thị trường chứng khoán đạt hơn 7.066 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 69,1% GDP. Số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư tiếp tục tăng trưởng, đạt hơn 8,6 triệu tài khoản. Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung cùng với 8 luật liên quan đến lĩnh vực tài chính, đánh dấu bước tiến quan trọng thúc đẩy thị trường vốn phát triển.
Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển ấn tượng, thị trường vốn Việt Nam hiện vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức. Cơ cấu TPDN còn kém bền vững, chủ yếu do nhóm ngân hàng và bất động sản phát hành. Thị trường cổ phiếu biến động nhiều nhất trong khu vực, vẫn còn cách xa các chỉ tiêu cả về chất và lượng. Thị trường bảo hiểm trong hai năm qua ghi nhận tốc độ tăng trưởng thấp kỷ lục. Trong khi đó, áp lực nợ xấu trên thị trường tín dụng ngân hàng gia tăng, bộ đệm dự phòng của nhiều ngân hàng suy giảm, cho thấy các rủi ro tiềm tàng. Quy mô thị trường vốn Việt Nam vẫn nhỏ so với các nước trong khu vực; sản phẩm chưa đa dạng; tính minh bạch và chuyên nghiệp còn hạn chế; chế tài chưa đủ mạnh. Ngoài ra, hạ tầng công nghệ, niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước vào thị trường vốn chưa hồi phục, nền tảng nhà đầu tư chưa bền vững.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đa dạng hóa các kênh huy động vốn đối với sự phát triển bền vững của kinh tế Việt Nam, TS. Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo Kinh tế thuộc Ban Kinh tế Trung ương cho biết, thị trường vốn đóng vai trò quyết định trong hỗ trợ các mục tiêu kinh tế, đặc biệt khi Việt Nam cần nguồn vốn khổng lồ 701 tỷ USD để thực hiện mục tiêu Net Zero và thích ứng biến đổi khí hậu. Trong đó, khu vực tư nhân cần 350 tỷ USD, khu vực nhà nước 248 tỷ USD và nguồn vốn nước ngoài khoảng 103 tỷ USD.
Tuy nhiên, Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều thách thức lớn trong việc huy động vốn. Một trong những vấn đề nổi bật là sự phụ thuộc quá mức vào hệ thống ngân hàng. Việc “dựa dẫm” vào tín dụng ngân hàng gây rủi ro lớn cho nền kinh tế, đặc biệt khi nợ xấu gia tăng và tín dụng không tương xứng với tăng trưởng GDP. Điều này hạn chế khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế.
Một vấn đề khác là thị trường TPDN hiện chủ yếu phục vụ các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản. Việc thiếu sự đa dạng hóa các kênh huy động vốn khiến nhiều doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp vừa, gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn cần thiết. Điều này cản trở khả năng mở rộng quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.
Để giải quyết các vấn đề trên, TS. Nguyễn Tú Anh nhấn mạnh, cần đẩy mạnh phát triển các thị trường vốn khác ngoài ngân hàng, đặc biệt là thị trường trái phiếu và chứng khoán. Việc này không chỉ giúp đa dạng hóa các kênh huy động vốn mà còn hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, dễ dàng tiếp cận nguồn tài chính. Khi thị trường vốn phát triển mạnh mẽ, nền kinh tế Việt Nam sẽ có thêm động lực thực hiện các dự án lớn như điện hạt nhân, đường sắt cao tốc Bắc - Nam, góp phần vào phát triển bền vững của đất nước.