Kinh tế Australia tổn thương vì thương chiến
Căng thẳng thương mại leo thang
Theo Capital Economics, Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Australia, chiếm 39,4% xuất khẩu hàng hóa và 17,6% xuất khẩu dịch vụ của nước này trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2020. Tuy nhiên, từ mấy tháng gần đây, Trung Quốc đã nhắm vào danh sách các sản phẩm nhập khẩu ngày càng tăng từ Australia khi đã áp thuế đối với rượu vang và lúa mạch, đồng thời đình chỉ nhập khẩu thịt bò.
Về phía mình, Australia đã yêu cầu Tổ chức Thương mại thế giới điều tra về mức thuế quá cao mà Trung Quốc áp lên lúa mạch của nước này. Theo Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham khoản thuế bổ sung 80% Trung Quốc áp đặt đối với lúa mạch nhập khẩu từ Australia là “thiếu cơ sở” và “không được củng cố bởi các sự kiện và bằng chứng”. "Chúng tôi rất tự tin rằng dựa trên bằng chứng, dữ liệu và phân tích mà chúng tôi đã tổng hợp, Australia có một vụ kiện cực kỳ mạnh mẽ", ông Birmingham nói.
Tuy nhiên căng thẳng vẫn tiếp tục leo thang. Mới đây nhất, theo Reuters, ngày 25/12 Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ra thông báo ngừng nhập khẩu gỗ từ hai bang New South Wales và Tây Australia với hiệu lực từ ngày 23/12. Quyết định được ban hành sau khi giới chức địa phương phát hiện mối mọt trong số gỗ. Tổng cục Hải quan Trung Quốc yêu cầu giới chức hải quan địa phương phải tăng cường kiểm tra giám sát gỗ nhập từ Australia và hoàn trả những lô hàng có mối mọt. Cũng trong thông báo, Trung Quốc cấm nhập khẩu gỗ từ bang Tasmania và Nam Australia từ ngày 3/12. Trước đó, Trung Quốc đã ra lệnh tạm ngừng nhập khẩu gỗ từ các bang Victoria, Queensland của Australia.
Mối quan hệ giữa Australia và Trung Quốc đã xấu đi trong năm nay sau khi Australia ủng hộ lời kêu gọi về cuộc điều tra quốc tế về việc Trung Quốc xử lý đại dịch coronavirus. Báo cáo cũng cho rằng sẽ có thêm nhiều hạn chế nữa từ phía Bắc Kinh đối với hàng xuất khẩu của Australia, bao gồm xuất khẩu vàng, alumin - một loại nguyên liệu dùng trong công nghiệp - và “một loạt các mặt hàng nhỏ hơn”.
Theo Capital Economics, tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ đang ở trong “tuyến lửa” chiếm khoảng gần một phần tư kim ngạch xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc và chiếm khoảng 1,8% sản lượng kinh tế của nước này.
Kinh tế Australia gặp khó
Hiện còn một mặt hàng xuất khẩu quan trọng nữa của Australia là quặng sắt cũng đang được giới quan sát qua tâm theo dõi khi căng thẳng Australia – Trung Quốc gia tăng, bởi Australia hiện là nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới.
Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, xuất khẩu quặng sắt có thể sẽ được Trung Quốc tiếp tục “bỏ qua”, do Australia hiện đang đáp ứng một nửa nhu cầu của Trung Quốc. Trung Quốc nhập khẩu 60% quặng sắt từ Australia và phụ thuộc nhiều vào hàng hóa được sử dụng để sản xuất thép. Các nhà phân tích cho rằng việc thiếu các lựa chọn thay thế sẵn có có thể là lý do tại sao đến nay quặng sắt không bị loại khỏi cuộc chiến thuế quan giữa hai quốc gia này.
Giá quặng sắt gần đây đã tăng đột biến do nhu cầu từ Trung Quốc tăng, và tiếp tục bị ảnh hưởng bởi nguồn cung giảm và gián đoạn do bão đổ bộ vào Australia. “Chúng tôi vẫn nghĩ rằng xuất khẩu quặng sắt sẽ không còn… Trung Quốc sẽ không thể đáp ứng tất cả các nhu cầu hiện tại của mình nếu không có Australia”, Marcel Thieliant - nhà kinh tế cấp cao của Capital Economics cho biết.
Bên cạnh đó, theo nhà kinh tế này, Australia có thể giảm bớt nỗi đau bằng cách tìm các điểm đến khác cho hàng xuất khẩu của mình. Tuy nhiên “dù Australia có thể chuyển một số lô hàng sang các nước khác, nhưng cuộc chiến thương mại leo thang là một lý do khác khiến nền kinh tế Australia sẽ không bao giờ quay trở lại con đường tiền virus ngay cả khi đại dịch đã được kiểm soát”, Marcel Thieliant nhận định.
Hiện căng thẳng giữa hai bên vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại, vì thế tổn hại với kinh tế Australia có thể cũng sẽ chưa dừng ở con số thiệt hại như đã nêu trên. Nhà kinh tế Marcel Thieliant cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Australia có thể bị thu hẹp hơn nữa nếu Trung Quốc tiếp tục tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của nước này. “Con số đó có thể tăng lên khoảng 2,8% GDP của Australia nếu Trung Quốc nhắm mục tiêu vào các sản phẩm khác mà nước này không phụ thuộc quá nhiều vào hàng nhập khẩu của Australia”, Thieliant nói.
Trong khi theo Capital Economics, GDP của quốc gia này có thể giảm khoảng 1,5 điểm phần trăm so với giai đoạn trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào cuối năm 2022 và các biện pháp hạn chế thương mại bổ sung của Trung Quốc có thể làm tăng thêm sự suy giảm đó.