Lỗ hổng quản lý rừng
Dân phá rừng, chính quyền bất lực? | |
Thiếu trách nhiệm hay tiếp tay? |
Liên tục… thiếu trách nhiệm
Mới đây, công an tỉnh Quảng Nam đã bắt tạm giam ông Nguyễn Cường, Phó giám đốc phụ trách Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Đắk Mi, về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Qua điều tra ban đầu, BQL Rừng phòng hộ Đắk Mi đã 5 lần tiến hành kiểm tra về hành vi khai thác lâm sản gỗ trái phép và đã tạm giữ trên 45m3 gỗ từ nhóm III đến nhóm VII.
Theo quy định, sau khi tạm giữ số gỗ trên, BQL phải chuyển cho các ngành chức năng để xử lý. Nhưng ông Cường, đã tự ý đem bán, cho một số cá nhân và sử dụng làm nhà. Toàn bộ số tiền bán gỗ ông Cường không nhập vào quỹ cơ quan mà tự ý tiêu xài cá nhân. Qua định giá, cơ quan chức năng xác định số gỗ trên có giá trị hơn 252 triệu đồng...
Việc giao khoán đất rừng còn nhiều bất cập |
Trước đó, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cũng đã xử lý kỷ luật, luân chuyển công tác đối với ông Nguyễn Trí, Giám đốc BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh vì đã để xảy ra phá rừng tại lâm phận quản lý. Thực tế, tại Quảng Nam có nhiều vụ phá rừng phòng hộ như ở rừng phòng hộ Sông Tranh, A Vương, Phú Ninh, Sông Thanh...
Tương tự, ở khu vực Tây Nguyên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cũng vừa quyết định kỷ luật một số cán bộ lâm nghiệp do có sai phạm trong công tác bảo vệ rừng và vận chuyển lâm sản trái phép.
Theo đó, ông Nguyễn Đình Sơn, Trưởng BQL rừng phòng hộ Ia Rsai, bị giáng chức; ông Nguyễn Văn Dũng, Phó trưởng BQL bị kỷ luật cảnh cáo. Ngoài ra, 6 cán bộ, viên chức khác của BQL rừng phòng hộ Ia Rsai cũng bị kỷ luật với hình thức từ cảnh cáo đến khiển trách vì buông lỏng quản lý, thiếu giám sát để lâm tặc hoành hành...
Còn tại TP. Đà Nẵng, hiện dư luận cũng đang bức xúc bởi, một diện tích lớn rừng bị tàn phá thuộc Tiểu khu 62, 64, ở khu vực bán đảo Sơn Trà. Được biết, một số diện tích trong khu vực rừng Sơn Trà được Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn bàn giao cho UBND phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) quản lý.
Thế nhưng, do sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng một số hộ dân đã tự ý huy động nhân công phá rừng, làm đường, dựng lán trái phép tại đây. Chỉ đến khi người dân phản ánh trên phương tiện thông tin đại chúng, lực lượng chức năng mới có mặt tại hiện trường xử lý, đồng thời yêu cầu các đối tượng phải dừng việc cải tạo, tháo dỡ lán trại, có phương án trồng thay thế diện tích rừng đã bị xâm hại.
Cần thay đổi cách quản lý
Có thể nói, việc giao đất rừng cho những chủ rừng quản lý, nhưng các cơ quan chức năng buông lỏng khâu quản lý đã tiếp tay cho lâm tặc phá rừng. Nhiều vụ việc xảy ra trong thời gian dài nhưng các chủ rừng, cơ quan chức năng hoàn toàn không có biện pháp xử lý. Đặc biệt, ở một số vụ việc có dấu hiệu lực lượng chức năng còn tiếp tay cho lâm tặc để tàn phá rừng…
Trở lại với vụ phá rừng ở bán đảo Sơn Trà, điều khiến nhiều người bức xúc là lối dẫn vào Tiểu khu 62 bắt đầu từ một con đường du lịch, các đối tượng nhận giao khoán rừng hoạt động hàng ngày, có lán trại, đồ nấu ăn, ống dẫn nước nhưng kiểm lâm địa bàn cũng như chính quyền địa phương không hề hay biết.
Khi bị truy trách nhiệm thì đại diện Chi cục Kiểm lâm cho rằng, lỗi phần lớn là do Hạt Kiểm lâm Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn và chính quyền phường Thọ Quang, thiếu sâu sát nên mới dẫn đến tình trạng phá rừng trong thời gian dài.
Đại diện Hạt Kiểm lâm Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn giải thích là đất rừng đã được giao cho UBND phường Thọ Quang nên việc kiểm tra, quản lý không được thường xuyên. Trong khi đó, về phía chính quyền địa phương ông Võ Đình Công, Chủ tịch UBND phường Thọ Quang lại cho rằng, chính quyền nhận một phần trách nhiệm, nhưng vụ việc xảy ra không thể không nhắc đến vai trò của lực lượng kiểm lâm…
Do vậy, theo nhiều người, đã đến lúc các ngành chức năng, sớm có những giải pháp nhằm tháo gỡ những bất cập, những hạn chế, tồn tại, qua đó phát huy được hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng một cách tốt nhất… Được biết, hiện nay TP. Đà Nẵng đã có chủ trương thu hồi lại diện tích đất rừng ở Sơn Trà.
Theo đó, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành tổng thanh tra, rà soát toàn bộ các vấn đề liên quan đến kiểm lâm, quản lý, bảo vệ rừng, sử dụng đất... ở bán đảo Sơn Trà. Đồng thời thống nhất chủ trương thu hồi các diện tích đất rừng Sơn Trà giao khoán cho các hộ dân theo Nghị định 01/CP và yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tham mưu cho lãnh đạo thành phố cơ chế quản lý các diện tích rừng sau khi thu hồi đảm bảo chặt chẽ, có hiệu quả…
Tương tự tại Quảng Nam, trước những sai phạm trong việc quản lý, bảo vệ rừng xảy ra tại các BQL rừng trong thời gian qua, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian tới, địa phương sẽ thống nhất các đầu mối quản lý rừng về Chi cục Kiểm lâm và Lâm nghiệp. Đồng thời, kiện toàn lại các ban, có lực lượng bán vũ trang, có công cụ chuyên trách để bảo vệ rừng...