Luật có hiệu lực, vẫn lo phạm vi đầu tư công còn quá rộng
Ảnh minh họa |
Đã có ý kiến lo ngại luật này liệu có khắc phục được tình trạng dàn trải, phân tán, thiếu đồng bộ, lãng phí trong đầu tư công? Luật này có nâng cao được hiệu quả của đầu tư công và góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư của nền kinh tế nói chung hay không? Khi mà phạm vi điều chỉnh của Luật vẫn chưa thật rõ ràng, dứt khoát và nhiều quy định trong luật vừa thừa vừa bất hợp lý.
Theo một chuyên gia nhận xét, phạm vi đầu tư công còn quá rộng, thiếu rõ ràng, trong nhiều trường hợp không phù hợp với vai trò chức năng của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường lại chồng lấn đầu tư tư nhân.
Vì vậy, cần có hướng dẫn thu hẹp tối đa đối tượng đầu tư công chỉ là đầu tư phát triển, bảo dưỡng, duy tu hạ tầng giao thông, phát triển cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao… Tuyệt đối không đầu tư các dự án kinh doanh mà khu vực tư nhân làm được.
Hàng loạt quy định bất hợp lý
Và theo quy định của luật này thì quá trình lập, thẩm định rồi phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn có 9 bước. Nhưng những quy định này kết hợp với một số điều liên quan của Luật đã thấy có hàng loạt bất hợp lý và có những quy định thừa.
Đơn cử như theo Luật, trước ngày 31/7 năm thứ 4 của Kế hoạch đầu tư công trung hạn thì Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Tiếp đó, trước ngày 15/8 Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) ban hành hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về mục tiêu, yêu cầu, nội dung, thời gian, tiến độ lập kế hoạch đầu tư công trung hạn trong khi Luật đã quy định về nội dung phải có báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn và các nội dung khác có liên quan.
Các chuyên gia cũng thấy không cần có bước 9 là Thủ tướng giao kế hoạch đầu tư công cho các địa phương và các bộ, ngành.
Để làm được như quy trình và thời gian lập kế hoạch đầu tư công trung hạn như Luật quy định thì HĐND cấp huyện trên toàn quốc phải họp trong tháng 5. Đây là một thác thức với cơ quan dân cử vì thường cơ quan dân cử mỗi năm họp hai kỳ sau các kỳ họp của Quốc hội đầu năm và cuối năm, đồng thời dễ dẫn đến có những bản kế hoạch đầu tư công được lập lên với đầy đủ các bước, nhưng chỉ là hình thức còn thực tế sẽ không làm đủ các bước trong quy trình của Luật.
Một vấn đề nữa là Luật cũng làm mất hoặc giảm quyền tự chủ của các địa phương, vì HĐND cấp tỉnh chỉ có quyền có ý kiến mà không có quyền quyết định kế hoạch đầu tư công cấp tỉnh. Quyền thẩm định, quyết định của tất cả bộ ngành và địa phương thuộc về Bộ KH&ĐT.
Quy định này là không hợp lý, quá tập quyền và làm chậm lại quá trình ra quyết định, ảnh hưởng bất lợi đến sự chủ động, sáng tạo của các cơ quan trong bố trí vốn đầu tư công thực phù hợp với yêu cầu phát triển ngành, địa phương.
Cần một cơ chế quản lý đầu tư công khác
Bộ KH&ĐT cũng phải gánh một nhiệm vụ quá nặng khi chỉ có khoảng 64 ngày làm việc (nếu làm cả ngày nghỉ thì khoảng 90 ngày) để thẩm định kế hoạch đầu tư công của tất cả các bộ, cơ quan trung ương và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Như vậy, mỗi ngày phải thẩm định 2 kế hoạch đầu tư công trung hạn. Như vậy khó mà không lo ngại về chất lượng thẩm định không cao, thậm chí rất thấp.
Bộ KH&ĐT có không đầy một tháng để tổng hợp kế hoạch đầu tư công trung hạn của 63 tỉnh, thành phố và hàng chục bộ, cơ quan trung ương thành kế hoạch đầu tư của Quốc gia. Đây là nhiệm vụ không dễ.
Hơn nữa 2 căn cứ quan trọng nhất để lập kế hoạch đầu tư công trung hạn là Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm do Đại hội Đảng thông qua. Nhưng theo các chuyên gia “chắc chắn một điều rằng trong thời gian lập, thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công thì chưa có Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm”.
Chuyên gia cho rằng như trình tự và thời gian các bước lập, thẩm định và phê duyệt như trong Luật thì kế hoạch đầu tư công trung hạn được lập trong một quy trình khá vội vã và chủ yếu bằng các thủ tục hành chính. Đã vậy lại giới hạn bởi các mốc thời giạn cụ thể và lại thiếu thể chế kiểm định chất lượng một cách độc lập. Cách làm này chắc chắn không tạo ra sản phẩm có chất lượng.
Đồng thời, việc phân bổ vốn cho các dự án, chương trình cụ thể không thực hiện theo nguyên tắc thị trường và cạnh tranh dựa trên mức độ hiệu quả của các chương trình, các dự án.
Vì vậy, kế hoạch đầu tư công sẽ khó là công cụ huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công. Kế hoạch đầu tư công được lập, thẩm định và phê duyệt chưa tuân thủ đúng một số quy định quan trọng của chính Luật đầu tư công, nên chưa thật hợp pháp. Không nên áp dụng một kế hoạch đầu tư công trung hạn như thế.
Các chuyên gia cũng kiến nghị nên giao hay thuê nhóm chuyên gia độc lập nghiên cứu, đề xuất một cơ chế quản lý đầu tư công khác, thay thế luật đầu tư công hiện hành.