Lực mua áp đảo trên thị trường cà phê và nguyên liệu nông sản
Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến trái chiều Cà phê Việt Nam kỳ vọng “lập đỉnh” |
Đáng chú ý, giá hai mặt hàng cà phê Arabica và Robusta nối dài đà tăng sang phiên thứ hai liên tiếp. Đồng thời, sắc xanh cũng bao phủ bảng giá nhóm nông sản khi 6 trên 7 mặt hàng đồng loạt tăng.
Lực mua áp đảo trên thị trường cà phê và nguyên liệu nông sản |
Giá cà phê tăng hai phiên liên tiếp
Khép lại phiên giao dịch ngày hôm qua, sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Trong đó, giá hai mặt hàng cà phê đều tăng mạnh. Cụ thể, giá cà phê Arabica tăng 3,23% và giá cà phê Robusta cao hơn 2,62% so với tham chiếu nhờ hỗ trợ từ sự giảm đi của tỷ giá USD/BRL.
Hôm qua, chỉ số Dollar Index giảm 0,57%, kéo theo tỷ giá USD thấp hơn 0,49% so với phiên hôm trước. Sự thu hẹp của tỷ giá khiến cho tâm lý nông dân Brazil không muốn đẩy mạnh bán cà phê do được hưởng lợi ít hơn từ chênh lệch đồng tiền. Trong khi điều này lại thúc đẩy giới đầu cơ tiếp tục mua vào.
Ngoài ra, theo Barchart, mưa đang cản trở hoạt động thu hoạch cà phê tại Việt Nam. Đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng tiếp tục hỗ trợ giá trong phiên hôm qua.
Tuy nhiên, hôm qua thị trường vẫn liên tiếp đón nhận những tín hiệu tích cực về nguồn cung cà phê tại Colombia. Thông tin này cũng góp phần hạn chế giá cà phê tăng quá mạnh. Liên đoàn Cà phê Colombia (FNC) ước tính sản lượng cà phê năm 2024 của nước này ở mức 13,6 triệu bao loại 60kg, tăng 20% so với năm 2023 và cao hơn 600.000 bao so với dự đoán trước nhờ kiểm soát dịch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, FNC cũng báo cáo trong tháng 11 nước này sản xuất được 1,76 triệu bao cà phê Arabica đã rửa loại 60kg, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2023. Cùng với đó, lượng cà phê xuất khẩu trong tháng 11 tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, lên 1,19 triệu bao.
Tại thị trường nội địa, giá cà phê tại Tây Nguyên và Đông Nam bộ trong sáng nay (6/12) ghi nhận ở mức 116.000 - 117.200 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg so với ngày 5/12. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái giá cà phê hiện đã tăng gấp đôi.
Một diễn biến đáng chú ý khác trên bảng giá nguyên liệu công nghiệp là giá ca cao chạm mức cao nhất gần 6 tháng sau khi tăng thêm 4,81% trong phiên hôm qua. Triển vọng nguồn cung ca cao tại Bờ Biển Ngà tiêu cực hơn trong thời gian tới đã thúc đẩy lực mua tiếp tục áp đảo trên thị trường này. Các hợp tác xã, người mua và trung gian cho biết phần lớn vụ thu hoạch chính đã được hoàn thành vào tháng 11 và tình trạng thiếu hụt dự kiến sẽ kéo dài đến tháng 2 hoặc tháng 3. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu đa quốc gia lại lo ngại về nguy cơ vỡ nợ hợp đồng khi dự đoán nguồn cung từ nông dân sẽ giảm trong những tháng tới sau khi thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến mùa màng.
Bên cạnh đó, giới phân tích cũng đánh giá lượng ca cao cập cảng tại Bờ Biển Ngà từ 1/10 đến 1/12 tăng 34% là không quá khả năng khi sự tăng trưởng này nằm trên nền quá thấp của năm 2023 khi sản lượng và xuất khẩu sụt giảm nghiêm trọng. Trong khi đó, giới phân tích chỉ ra, nếu so sánh lượng ca cao cập cảng thời gian qua so với những năm bình thường như 2022 còn ghi nhận mức giảm lên tới 15%.
Giá đậu tương tăng trước triển vọng nhu cầu tích cực
Theo MXV, đóng cửa phiên giao dịch hôm qua, giá đậu tương ghi nhận mức tăng 1%, theo diễn biến chung của hầu hết các mặt hàng nhóm nông sản. Bên cạnh kỳ vọng nhu cầu ở mức cao, triển vọng xuất khẩu thấp hơn từ Brazil cũng là yếu tố giúp giá được hỗ trợ.
Trong báo cáo Xuất khẩu hàng tuần (Export Sales), Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết doanh số bán đậu tương trong tuần báo cáo đạt 2,3 triệu tấn, giảm nhẹ so với tuần trước đó nhưng tăng 17% so với trung bình 4 tuần. Trong báo cáo Daily Export Sales, cơ quan này cũng thông báo đã bán một đơn hàng 136.000 tấn đậu tương giao trong niên vụ 2024-2025 cho Trung Quốc. Điều này cho thấy nhu cầu đối với đậu tương Mỹ đang tương đối tích cực, thúc đẩy lực mua trên thị trường.
Bên cạnh đó, theo dữ liệu được công bố bởi Hiệp hội các Nhà xuất khẩu Ngũ cốc Quốc gia (ANEC), Brazil dự kiến chỉ xuất khẩu 1,24 triệu tấn đậu tương trong tháng 12, thấp hơn nhiều so với mức 3,79 triệu tấn cùng kỳ năm 2023. Tổng khối lượng xuất khẩu đậu tương của năm 2024 được dự đoán đạt 97,1 triệu tấn, giảm so với mức 98 triệu tấn theo dự báo được đưa ra hồi đầu tháng 11. Nếu con số này được xác nhận, xuất khẩu đậu tương của Brazil sẽ giảm 4% so với kỷ lục 101,3 triệu tấn đạt được trong năm 2023. Xuất khẩu thấp hơn từ Brazil cho thấy áp lực cạnh tranh đối với đậu tương Mỹ đang giảm, góp phần hỗ trợ giá.
Giá khô đậu tương giảm nhẹ do sức ép từ việc dầu đậu tăng giá. ANEC cho biết xuất khẩu khô đậu tương của Brazil trong tháng 12 được dự báo đạt 1,44 triệu tấn, giảm hơn 500.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù vậy, nhờ các lô hàng lớn trong suốt năm, tổng khối lượng xuất khẩu khô đậu tương của Brazil trong năm 2024 được dự kiến đạt mức kỷ lục 22,4 triệu tấn, cao hơn một chút so với kỷ lục trước đó là 22,35 triệu tấn trong năm 2023. Nguồn cung nới lỏng từ Brazil cũng là yếu tố khiến giá chịu sức ép.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong ngày 4/12, giá chào khô đậu tương Nam Mỹ về miền Nam tiếp tục xu hướng giảm. Giá chào khô đậu tương kỳ hạn giao tháng 1/2025 ở mức 55 USD/tấn, trong khi kỳ hạn tháng 2/2025 dao động quanh mức 52 - 54 USD/tấn. Tại miền Bắc, giá chào bán cao hơn khoảng 5 USD/tấn so với miền Nam.