M&A ngân hàng: Chờ những quyết sách lớn
M&A ngân hàng: Đâu có dễ! | |
Nhiều kỳ vọng cho M&A ngân hàng năm 2017 | |
Sáp nhập Ngân hàng: Phương án tối ưu tái cơ cấu TCTD |
Tại Đại hội cổ đông mới đây của MB, Chủ tịch HĐQT MB Lê Hữu Đức cho biết, NH này có thể thực hiện mua bán sáp nhập với một NH khác để tăng quy mô nếu phù hợp và hiệu quả, đồng thời đảm bảo hài hoà lợi ích giữa cổ đông và các nhà đầu tư. Như vậy, MB là NH đầu tiên sau hơn 1 năm trở lại đây đánh tiếng khả năng có thêm thương vụ M&A.
M&A tự nguyện không nhiều
Nhìn lại hoạt động M&A của NH trong vài năm trở lại đây, một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận xét, tính chất các thương vụ M&A được phân thành nhóm theo từng giai đoạn. Nhóm thứ nhất, đó là cấp thiết phải M&A để không ảnh hưởng đến hoạt động đối với hệ thống. Điển hình là trường hợp sáp nhập 3 NH là SCB, TinNghiaBank và Ficombank vào đầu tháng 12/2011. 3 NH trên đã gặp khó khăn về thanh khoản, chủ yếu do dùng nhiều vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Vì vậy, NHNN đã ra tay can thiệp hỗ trợ thanh khoản, đồng thời yêu cầu 3 NH họp lại đi đến thống nhất tự nguyện hợp nhất.
HDBank là một trong những NH thực hiện thành công M&A |
Gần 1 năm sau, tháng 8/2012, Habubank trở thành trường hợp tiếp theo buộc phải sáp nhập vào SHB khi NH này không còn đủ khả năng tài chính để xử lý các khoản nợ xấu, nhất là từ Tập đoàn Vinashin. Thời điểm đó, tỷ lệ nợ xấu của Habubank lên đến 16,06%, thậm chí có thể cao hơn nhiều khi đánh giá thêm các khoản vay rủi ro tiềm ẩn.
Sau khi NHNN đã “khoanh vùng” các TCTD yếu kém để có những biện pháp xử lý đặc biệt, đồng thời tập trung củng cố thanh khoản hệ thống NH, lành mạnh hóa hoạt động tài chính của các NHTM mà trọng tâm là xử lý nợ xấu, tăng cường xây dựng các quy định về an toàn vốn, quản trị rủi ro… hoạt động của hệ thống NH đi vào ổn định hơn. Từ thời điểm đó, các thương vụ M&A mang tính tự nguyện cao hơn. Minh chứng rõ nét nhất là trường hợp DaiABank sáp nhập vào HDBank một cách suôn sẻ vào năm 2013.
Còn riêng 2015 có lẽ là năm sôi động nhất khi có tới 4 thương vụ M&A được lên kế hoạch. Đó là trường hợp SouthernBank và Sacombank; BIDV và MHB; PGBank và VietinBank, cuối cùng là MeKongBank và MaritimeBank. Tuy nhiên, đến thời điểm này, thương vụ M&A giữa PGBank và VietinBank vẫn chưa hoàn thành với nhiều lý do về chờ thủ tục, nhất là chờ kết quả tính toán lại tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu giữa hai NH đảm bảo hài hòa lợi ích cổ đông hai bên…
Việc dùng dằng kéo dài thời gian M&A cũng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của NH: quy mô tăng trưởng tín dụng giảm sút, huy động cũng bị ảnh hưởng do không được mở rộng mạng lưới và triển khai thêm các sản phẩm dịch vụ mới… Còn với cổ đông, trong 3 năm chờ đợi sáp nhập thì cổ phiếu không được thực hiện giao dịch, không có cổ tức, trong khi báo cáo hàng năm đều có lãi.
Rất chia sẻ với trường hợp của PGBank và VietinBank, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, sáp nhập NH chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng. Vấn đề luôn làm đau đầu người trong cuộc đó là giá cả tính toán mức nào, nợ xấu được giải quyết ra sao hậu sáp nhập… Đồng thời ông Thành cũng lưu ý thêm, gắn với nợ xấu, đằng sau là câu chuyện trách nhiệm, quyền lợi được giải quyết như thế nào không hề đơn giản.
Cần khai thông những vướng mắc
Đồng quan điểm, LS. Trương Thanh Đức cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến M&A NH tại Việt Nam trở nên trầm lắng là xử lý tồn tại của NH sáp nhập. Bản thân NH nào cũng có những tồn tại của mình và họ phải cố gắng để giải quyết cho ổn thỏa. Nay lại phải gánh vác thêm những tàn dư của NH bị sáp nhập, nhất là liên quan đến nợ xấu khiến NH hậu sáp nhập đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Như trường hợp của Sacombank là một điển hình, trước khi sáp nhập với SouthernBank, Sacombank là một trong những NHTMCP hàng đầu của hệ thống NH Việt Nam. Nhưng kể từ sau sáp nhập, hoạt động kinh doanh trở nên sa sút bởi NH này phải gánh một khoản nợ xấu lớn từ SouthernBank. Hiện tại nợ xấu của Sacombank chiếm tới 19% tổng dư nợ. Con số này có thể chưa dừng lại ở đó khi NH này đang ghi nhận tới 16 nghìn tỷ đồng các khoản phải thu và 26 nghìn tỷ đồng lãi dự thu.
Một chuyên gia bình luận, ông khá tiếc nuối khi nhìn thấy tình hình hoạt động của Sacombank trở nên sa sút như vậy. Nhưng thời điểm đó, nếu SouthernBank không sáp nhập vào Sacombank thì khả năng NH này sẽ bị mua lại dưới dạng 0 đồng vì rơi vào tình trạng thua lỗ, âm vốn điều lệ. “Việc để một NH khỏe gánh một NH yếu giúp Nhà nước đỡ đi phần nào, ổn định tâm lý người dân. Trong trường hợp này, Sacombank cũng cần cơ chế hỗ trợ đặc biệt của Nhà nước. Nếu không, chưa ai dám chắc được “sinh mệnh” NH này ra sao”, vị này bày tỏ lo ngại.
TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh, một trong những quy định các NH mong chờ nhất trong thời điểm này đó là cho phép NHTM xử lý dần lãi dự thu, giãn thời gian xử lý tối đa là 10 năm. Như trường hợp của Sacombank, một chuyên gia NH khác gợi mở cho phép NH này giãn thời gian 10 năm hạch toán giá trị chênh lệch giữa xử lý nợ thực tế và sổ sách các món nợ xấu, chuyển chênh lệch xử lý nợ xấu thành chi phí.
Để hoạt động M&A hiệu quả hơn trong thời gian tới, LS. Trương Thanh Đức đề xuất, khi yêu cầu NH khỏe cáng đáng NH yếu kém cần có những chính sách hỗ trợ đặc thù, như thế mới tạo điều kiện thuận lợi cho NH khỏe mạnh quyết tâm lăn lộn giải quyết những tồn tại và tiếp tục đi lên phát triển. Ngược lại, nếu không có được những điều này thì rất khó giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại. Riêng vấn đề xử lý nợ xấu ngày càng trở nên nhức nhối, nếu không có cơ chế đặc biệt, thị trường lại không thuận lợi, ông Đức cho rằng, 5-10 năm nữa chưa chắc đã xử lý xong nợ xấu.
“Nếu Nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu được thông qua sẽ là động lực quan trọng để các NH mạnh dạn mua bán, sáp nhập, hợp nhất trong thời gian tới”, ông Đức nhấn mạnh.