Những khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý TSBĐ của các khoản nợ xấu
Khó khăn vướng mắc khi TCTD xử lý tài sản bảo đảm | |
Các vướng mắc phát sinh từ thực tiễn xử lý tài sản bảo đảm và kiến nghị | |
Khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quyền xử lý TSBĐ của TCTD |
Ảnh minh họa |
Xử lý nợ xấu là một trong những công việc hàng ngày, rất quan trọng và cấp bách của các tổ chức tín dụng bởi lẽ khi khoản nợ quá hạn chuyển thành nợ xấu thì tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng đối với các khoản nợ xấu từ nhóm 3 đến nhóm 5 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến kết qua kinh doanh (lợi nhuận) của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu thường có nhiều vướng mắc trong thực tiễn. Có những vướng mắc do quy định của pháp luật nhưng cũng có những vướng mắc do người thi hành pháp luật tạo ra. Trong phạm vi của bài viết này chúng tôi muốn đề cập đến các khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu; đồng thời kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sớm hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ xấu của tổ chức tín dụng.
1. Quy định của pháp luật về việc xử lý tài sản bảo cho khoản vay
Điều 56, Điều 58, Điều 59 , Điều 60, Điều 61, Điều 62 , Điều 63, Điều 64, Điều 65, Điều 66, Điều 67, Điều 68, Điều 69, Điều 70 và Điều 71 của Chương 4 Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29-12-2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm (sau đây viết là Nghị định số 163) đã quy định cụ thể về các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp bên bảo đảm bị phá sản, nguyên tắc về xử lý tài sản bảo đảm, các phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo thỏa thuận, nghĩa vụ của người xử lý tài sản trong trường hợp bảo đảm nhiều nghĩa vụ, thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm, thời hạn xử lý tài sản bảo đảm, thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý…
Điều 3, Điều 5, Điều 27, Điều 28 và Điều 33 Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển cũng quy định thẩm quyền quyết định bắt giữ tàu biển, biện pháp bảo đảm tài chính cho yêu cầu bắt giữ tàu biển, lệ phí bắt giữ tàu biển. Bên cạnh đó, Chương 2 của Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển cũng quy định thủ tục bắt giữ, thả tàu biển đang bị bắt giữ và bắt giữ lại tàu biển để giải quyết khiếu nại hàng hải. Mặt khác, Chương 3 của Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển quy định thủ tục áp dụng, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời bứt giữ tàu biển. Chương 4 của Pháp lệnh này quy định về thủ tục bắt giữ tàu biển, thả tàu biển đang bị bắt giữ để thi hành án.
2. Những khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu
2.1. Khó khăn, vướng mắc trong thu giữ xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản
Thực tế xử lý nợ xấu cho thấy việc thu giữ xử lý tài sản bảo đảm vẫn có nhiều khó khăn, vướng mắc cụ thể:
Điều 63 Nghị định số 163 quy định trong quá trình tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm nếu bên giữ tài sản bảo đảm có dấu hiệu chống đối, cản trở gây mất an ninh trật tự nơi công cộng hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác thì người xử lý tài sản có quyền yêu cầu Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và Cơ quan công an nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm trong phạm vi chức năng nhiệm vụ quyền hạn của mình áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm cho người xử lý tài sản thực hiện quyền thu giữ tài sản.
Điều 9 Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN ngày 6-6-2014 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài Nguyên và Môi trường và Ngân hàng Nhà nước (Sau đây viết là Thông tư số 16) quy định trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc thực hiện quyền thu giữ tài sản của người xử lý tài sản bảo đảm cụ thể: Sau khi nhận được văn bản của người xử lý tài sản bảo đảm, Ủy ban nhân dân cấp xã phải kịp thời thực hiện các biện pháp quy định tại khoản 5 Điều 63 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29-12-2006 của Chính phủ và Điều 30 Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18-5-2013 của Chính phủ.
Tuy nhiên, thực tế tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm là bất động sản mặc dù tổ chức tín dụng đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục, thông báo về xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của Nghị định số 163 và Thông tư số 16 nêu trên, nhưng bên bảo đảm không hợp tác, cố tình chống đối (không di chuyển ra khỏi tài sản, không ký biên bản thu giữ tài sản, sử dụng người già, trẻ em, người có công với cách mạng… cố tình chiếm giữ tài sản bảo đảm thì tổ chức tín dụng không thể tiến hành thu giữ được tài sản bảo đảm trong trường hợp này. Giải pháp cuối cùng ở đây là tổ chức tín dụng phải nộp hồ sơ khởi kiện ra Tòa án và theo đuổi tiến trình tố tụng rất dài, tốn kém nhiều thời gian, chi phí để có thể xử lý được tài sản bảo đảm thu hồi nợ.
2.2 Khó khăn, vướng mắc trong xử lý tài sản bảo đảm là phương tiện giao thông đường bộ
Tương tự như vậy việc thu giữ xử lý tài sản bảo đảm là động sản (xe ô tô, phương tiện giao thông cơ giới) cũng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Trên thực tế luật có quy định cho phép tổ chức tín dụng được quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho khoản vay là xe ô tô để thu hồi nợ nhưng thực tế khi phát hiện xe ô tô đã cầm cố tổ chức tín dụng cũng không thể thu giữ nếu chủ tài sản cố tình chống đối không giao xe để xử lý. Trong các trường hợp như vậy để đảm bảo thành công trong việc thu giữ tổ chức tín dụng thường phải nhờ cảnh sát giao thông dừng xe để kiểm tra và đưa xe về địa điểm lưu giữ do có vi phạm quy định của Luật Giao thông đường bộ, sau đó tổ chức tín dụng mới tiến hành các thủ tục để thu giữ xử lý xe ô tô đó. Nhiều trường hợp tổ chức tín dụng có tài sản bảo đảm cho các khoản vay là xe ô tô nhưng không biết xe ô tô ở đâu, do ai đang quản lý, sử dụng đã gửi văn bản đến Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, Cục đăng kiểm để nhờ hỗ trợ nhưng cũng không thu được xe ô tô để thu nợ.
2.3.Khó khăn, vướng mắc trong xử lý tài sản bảo đảm là tàu biển
Theo quy định tại Điều 27, Điều 28 và Điều 33 của Pháp lệnh về việc bắt giữ tàu biển thì tổ chức tín dụng có quyền đề nghị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là bắt giữ tàu biển trong quá trình giải quyết vụ án dân sự để bảo vệ chứng cứ, giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, đảm bảo việc thi hành án. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 3 và Điều 5 của Pháp lệnh về thủ tục bắt giữ tàu biển cũng quy định các trường hợp tổ chức tín dụng đề nghị bắt giữ tàu biển để giải quyết khiếu nại hàng hải. Khoản 2 Điều 35 Pháp lệnh về thủ tục bắt giữ tàu biển quy định quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có hiệu lực thi hành ngay kể cả trong trường hợp có khiếu nại, kiến nghị. Tòa án giao quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cho Giám đốc cảng vụ để thi hành, gửi cho Viện Kiểm sát cùng cấp, người yêu cầu bắt giữ tàu biển. Tuy nhiên, việc xử lý tài sản bảo đảm là tàu biển có tính chất đặc thù, phức tạp hơn xử lý các tài sản bảo đảm là bất động sản hoặc động sản.
Những vướng mắc từ phía các cơ quan tiến hành hoặc đề nghị bắt giữ tàu biển (Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự)
Thực tiễn xử lý các khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là tàu biển cho thấy Tòa án thường rất ngại khi ban hành lệnh bắt giữ tàu biển bởi lẽ:
- Các tổ chức tín dụng đề nghị Tòa án tiến hành bắt giữ tàu biển còn rất hạn chế vì thủ tục phức tạp, chi phí thực hiện bảo đảm tài chính rất cao;
- Tàu biển hoạt động trong hải phận của Việt Nam và hải phận quốc tế nên việc bắt giữ rất phức tạp;
- Trình tự, thủ tục bắt giữ tàu biển được quy định tại Pháp lệnh bắt giữ tàu biển nhưng quá trình giải quyết của Tòa án thường diễn ra rất chậm. Tòa án yêu cầu tổ chức tín dụng phải thực hiện biện pháp đảm bảo về tài chính thông thường số tiền này bằng giá trị tàu biển bị đề nghị Tòa án bắt giữ;
- Việc bắt giữ tàu biển được thực hiện bởi Cảng vụ, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển tùy thuộc vào việc di chuyển và neo đậu của tàu biển tại Việt Nam hoặc hải phận quốc tế.
- Thẩm phán Tòa án các cấp hầu như ít giải quyết các vụ việc bắt giữ tàu biển nên thường có tâm lý e ngại trong việc xử lý, quan ngại việc áp dụng các thủ tục tố tụng sai sẽ bị hủy án, hủy quyết định ảnh hưởng tới cá nhân thẩm phán trong việc tái bổ nhiệm.
- Chấp hành viên thuộc Cơ quan thi hành án dân sự các cấp hiếm khi đề nghị Tòa án cấp có thẩm quyền tiến hành bắt giữ tàu biển để đảm bảo việc thi hành án vì cho rằng đây là biện pháp có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro trong khi áp dụng.
Những vướng mắc từ các tổ chức tín dụng
Tổ chức tín dụng đề nghị Tòa án bắt giữ tàu biển còn rất hạn chế vì các lý do sau:
- Tổ chức tín dụng phải bỏ ra số tiền rất lớn tương đương giá trị của con tàu đề nghị bắt giữ để đảm bảo việc bồi thường nếu việc bắt giữ tàu biển gây thiệt hại cho chủ tàu hoặc các bên có liên quan;
- Việc bắt giữ tàu biển để xử lý thu hồi nợ sẽ kéo theo rất nhiều chi phí liên quan đến việc trông giữ, vận hành, trả lương thuyền viên, các khoản nợ của chủ tàu biển đối với cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong quá trình tàu biển hoạt động;
- Trình tự, thủ tục xử lý tàu biển theo quy định của pháp luật trong trường hợp Tòa án phải quyết định đưa vụ án ra xét xử thường kéo dài (thường là nhiều tháng, thậm chí có vụ hàng mấy năm) và các chi phí mà tổ chức tín dụng phải chi trả trong thời bắt giữ tàu biển và đợi phán quyết của Tòa án là rất lớn. Thực tế xử lý nợ trong trường hợp bắt giữ tàu biển đã có những trường hợp sau khi Tòa án ra phán quyết tổ chức tín dụng được quyền bán tàu biển để thu hồi nợ thì tổ chức tín dụng không thu đủ gốc của khoản nợ sau khi trừ đi các chi phí liên quan đến việc bắt giữ tàu biển.
2.4. Khó khăn, vướng mắc trong việc đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm mà tổ chức tín dụng nhận để thay cho nghĩa vụ trả nợ của bên bảo đảm.
Điều 70 Nghị định số 163 quy định trong trường hợp tài sản bảo đảm có đăng ký quyền sở hữu, sử dụng thì người nhận chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đó được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng. Thủ tục chuyển nhượng quyền sở hữu, sử dụng thực hiện theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp pháp luật quy định việc chuyển quyền sở hữu, sử dụng phải có sự đồng ý bằng văn bản của chủ sở hữu tài sản, hợp đồng mua bán tài sản giữa chủ sở hữu tài sản hoặc người phải thi hành án với người mua tài sản về việc xử lý tài sản bảo đảm thì hợp đồng thế chấp, hợp đồng cầm cố tài sản được dùng để thay thế cho các loại giấy tờ này.
Khoản 3 Điều 18 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22-02-2012 của Chính phủ quy định: Bên nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho nghĩa vụ phải xuất trình văn bản chứng minh quyền được xử lý tài sản bảo đảm và kết quả xử lý tài sản bảo đảm cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm.
Khoản 2 Điều 11 của Thông tư số 16 quy định: Trường hợp tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng sau khi xử lý tài sản bảo đảm, bên nhận bảo đảm có trách nhiệm nộp hồ sơ chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 12 của Thông tư này thì hợp đồng bảo đảm hoặc văn bản thỏa thuận khác về việc nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm được sử dụng để thay thế cho hợp đồng, giấy tờ tài liệu chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm.
Thực tế xử lý tài sản bảo đảm là nhà đất của tổ chức tín dụng cho thấy trường hợp tổ chức tín dụng nhận tài sản bảo đảm thay cho nghĩa vụ nợ của khách hàng thì việc đăng ký quyền sở hữu, sử dụng đối với nhà đất mà tổ chức tín dụng đã nhận gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Văn phòng đăng ký quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở nhiều địa phương trong cả nước đều không đồng ý chấp thuận văn bản thỏa thuận về việc xử lý tài sản bảo đảm giữa tổ chức tín dụng với bên bảo đảm, không chấp nhận hợp đồng thế chấp, hợp đồng cầm cố như quy định tại Điều 70 của Nghị định số 163 để tiến hành đăng ký quyền sở hữu, sử dụng cho tổ chức tín dụng nhận tài sản bảo đảm thay cho nghĩa vụ nợ của khách hàng, bên bảo đảm. Đối với các trường hợp này Văn phòng đăng ký quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất vẫn yêu cầu phải có hợp đồng chuyển nhượng công chứng giữa tổ chức tín dụng với bên bảo đảm mới thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu, sử dụng cho tổ chức tín dụng. Một trong các lý do mà cơ quan này từ chối việc công nhận hợp đồng thế chấp cầm cố để thay thế cho hợp đồng chuyển nhượng là do chưa có hướng dẫn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc này nên không áp dụng.
2.5. Khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ
Điều 7 Thông tư số 16 quy định về xử lý tài sản thế chấp là quyền đòi nợ, theo đó trước thời điểm xử lý quyền đòi nợ 07 ngày bên nhận thế chấp phải gửi cho bên có nghĩa vụ trả nợ văn bản thông báo về xử lý quyền đòi nợ, các tài liệu liên quan đến việc thế chấp và đăng ký giao dịch bảo đảm đối với quyền đòi nợ. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được văn bản thông báo xử lý quyền đòi nợ bên có nghĩa vụ trả nợ có trách nhiệm thanh toán khoản nợ theo các hình thức được quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 7 Thông tư số 16. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện việc trả nợ thì bên nhận thế chấp có quyền áp dụng một trong các biện pháp quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 4 Điều 7 bao gồm cả việc khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên thực tiễn xử lý quyền đòi nợ của bên thế chấp thường nổi lên những khó khăn, vướng mắc như: Bên thế chấp, bên có nghĩa vụ nợ từ chối gặp bên nhận thế chấp quyền đòi nợ, từ chối cung cấp các tài liệu liên quan đến việc xác định công nợ đã thế chấp, số tiền đã thanh toán và số tiền còn phải thanh toán... Điều này gây rất nhiều khó khăn cho bên nhận thế chấp. Nếu không xác định được công nợ của bên thế chấp và bên có nghĩa vụ trả nợ thì ngay cả khi Tòa án tuyên bên nhận thế chấp được quyền xử lý quyền đòi nợ theo hợp đồng thế chấp vẫn không thu hồi được nợ.
2.6. Khó khăn, vướng mắc trong việc kê biên tài sản để bán đấu giá thu hồi nợ cho tổ chức tín dụng
Sau khi tổ chức tín dụng yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cấp để thu hồi nợ. Theo quy định tại Luật thi hành án dân sự Cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án (kiểm tra lại – Tòa án hay Cơ quan THA ra quyết định THA), trường hợp hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà bên phải thi hành án không thi hành bản án quyết định của Tòa án thì Cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định kê biên tài sản bảo đảm cho khoản vay để thi hành án. Thực tiễn thi hành án cho thấy có nhiều trường hợp người phải thi hành án gây khó khăn cho Cơ quan thi hành án dân sự các cấp và tổ chức tín dụng để trì hoàn việc kê biên, bán đấu giá tài sản bảo đảm cụ thể:
- Người phải thi hành án là chủ tài sản có đơn khiếu nại, đề nghị Tòa án, Viện kiểm sát cho hoãn thi hành án;
- Chủ tài sản cố tình tạo tranh chấp dẫn đến việc Cơ quan thi hành án dân sự phải hướng dẫn các đương sự khởi kiện vụ án dân sự để giải quyết tranh chấp và việc thi hành án bị tạm hoãn (xuất trình giấy tờ đã bán tài sản cho bên thứ ba trước thời điểm mà Tòa án tuyên kê biên phát mại cho tổ chức tín dụng);
- Có đơn từ để chính quyền địa phương nơi có tài sản bị kê biên và Cơ quan Công an không đồng ý với phương án kê biên hoặc cưỡng chế kê biên của Cơ quan thi hành án dân sự; đề nghị tổ chức tín dụng tiếp tục thỏa thuận với bên phải thi hành án hoặc bên chủ tài sản bảo đảm;
Trong các trường hợp nêu trên, việc kê biên tài sản sẽ phải tạm hoãn ảnh hưởng đến tiến độ kê biên bán đấu giá tài sản bảo đảm để thu hồi nợ cho tổ chức tín dụng. Thực tế thi hành án cho thấy số lượng rất lớn các vụ thi hành án chưa thi hành được trong đó có các nguyên nhân nêu trên cản trở việc thi hành án.
3. Kiến nghị
- Tòa án nhân dân tối cao cần có hướng dẫn thủ tục rút gọn giải quyết các vụ án dân sự có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là bắt giữ tàu biển để đảm bảo hiệu quả, tránh tốn kém chi phí cho người yêu cầu bắt giữ tàu biển.
- Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm ban hành hướng dẫn về việc sử dụng văn bản thay thế (hợp đồng cầm cố, hợp đồng thế chấp đã ký giữa chủ tài sản bảo đảm và bên xử lý tài sản) thay cho hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản để thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản do tổ chức tín dụng nhận tài sản bảo đảm thay cho nghĩa vụ nợ của khách hàng vay vốn, bên bảo đảm.
- Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công an cầm sớm ban hành thông tư liên tịch quy định trách nhiệm của công an các cấp trong việc thu giữ tài sản bảo đảm. Theo đó Cơ quan Công an có trách nhiệm giữ gìn an ninh trật tự, hoặc có quyền buộc cá nhân, tổ chức cố tình chống đối trong việc thu giữ tài sản bảo đảm phải di chuyển, rời bỏ tài sản đang chiếm giữ để tổ chức tín dụng thực hiện việc thu giữ tài sản theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức tín dụng chỉ nên đề nghị Cơ quan thi hành án tiến hành bắt giữ tàu biển để thu hồi nợ sau khi đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án xác định tổ chức tín dụng được quyền xử lý tàu biển để thu hồi nợ để tránh các chi phí và đảm bảo hiệu quả trong công tác thu hồi nợ. Đồng thời, đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi lại số tiền mà tổ chức tín dụng phải đặt để đảm bảo cho việc bắt giữ tàu biển nhỏ hơn giá trị của tàu biển bị đề nghị bắt giữ.
- Tổ chức tín dụng nên có các khóa tập huấn về việc xử lý các tài sản bảo đảm các khoản nợ xấu để nhân sự làm công tác xử lý nợ có thêm kiến thức pháp luật và kinh nghiệm trong xử lý thu hồi nợ.