Phải có quỹ đất để phát triển dịch vụ logistics
90% DN logistics vốn dưới 10 tỷ đồng | |
Doanh nghiệp tận dụng thương mại điện tử |
Tổng công ty Bưu điện Việt Nam vừa đưa vào hoạt động Trung tâm Vận chuyển và Kho vận với diện tích 15.200m2 |
CTCP Công nghiệp BW (BW Industrial), đơn vị đang có quỹ đất công nghiệp lên đến 230 ha tại 10 địa điểm thuộc 6 tỉnh, thành của Việt Nam, vừa công bố hợp tác chiến lược cùng lúc với Shopee và BEST Inc. với tham vọng chiếm lĩnh thị trường bất động sản công nghiệp, thương mại điện tử, logistics tại Việt Nam.
Theo đó, đại gia bất động sản công nghiệp này sẽ trở thành đơn vị cung cấp kho bãi cho Shopee và BEST Inc. ở TP. HCM. Theo tiết lộ của BW Industrial, kho hàng tại TP. HCM là kho thứ 3 của Shopee và là kho được tự động hóa đầu tiên của BEST Inc. tại Việt Nam.
Shopee được đại gia bất động sản công nghiệp này chọn làm đối tác chiến lược vì là nền tảng thương mại điện tử đang dẫn đầu Đông Nam Á và Đài Loan về mua sắm trực tuyến và các dịch vụ trọn gói đi kèm. Còn BEST Inc. là nhà cung cấp dịch vụ logistics thông minh có tiếng tại Trung Quốc. Đây được xem là bước đi trong chiến lược chiếm lĩnh thị trường bất động sản công nghiệp, thương mại điện tử và logistics đầy tiềm năng tại Việt Nam của 3 “ông lớn” này.
Với thế mạnh cốt lõi là bất động sản công nghiệp linh hoạt, không kén khách thuê - dòng sản phẩm với nhiều ưu điểm vượt trội như diện tích sử dụng cùng các hỗ trợ vận chuyển hàng hóa linh hoạt, được thiết kế và tích hợp công nghệ tương thích với đặc thù từng ngành nghề, BW Industrial có lộ trình sẽ tiếp tục tăng quỹ đất lên gấp 3-5 lần trong vòng 4 năm tới nhằm thỏa mãn số lượng đơn hàng từ khách thuê nhà xưởng, kho bãi đang tăng lên gấp đôi so với tháng 10/2018.
Thương mại điện tử ở Việt Nam được coi là tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á khi đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm 35% trong giai đoạn 2015-2018 và có giá trị 2,8 tỷ USD (chỉ tính giá trị của kênh doanh nghiệp tới người tiêu dùng-B2C), dựa trên nghiên cứu của Google-Temasek năm 2018.
Thị trường được dự báo tiếp tục bùng nổ trong giai đoạn 2018-2025, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm 27% nhờ sự phổ biến của Internet và điện thoại thông minh cùng thế hệ người tiêu dùng mới am hiểu công nghệ hơn. Thế hệ Millennials (thế hệ Y) sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển nhanh của thương mại điện tử ở Việt Nam với thói quen dành thời gian mua sắm trên mạng hơn là đến các cửa hàng vật lý.
Thêm nữa, phương thức bán hàng người tiêu dùng tới người tiêu dùng (C2C) hay trên mạng xã hội ngày càng phổ biến giúp người mua và người bán tương tác trao đổi trực tiếp với nhau để chia sẻ thông tin, hình ảnh, đánh giá, kể cả các lời khuyên về sản phẩm nhờ những tính năng đặc biệt của mạng xã hội như Facebook, Instagram hay Zalo. Chính sự trỗi dậy của thương mại điện tử và mua sắm trực tuyến, đặc biệt là mua sắm xuyên biên giới, tạo ra khối lượng bưu kiện nhỏ khổng lồ. Đây được coi là cơ hội cho doanh nghiệp bưu chính vươn lên nắm bắt, tận dụng để phát triển.
Bối cảnh thương mại điện tử Việt Nam còn non trẻ nên nhiều doanh nghiệp tập trung đầu tư mạnh cho hạ tầng kho bãi, nguồn nhân lực… nhằm định vị tên tuổi của mình trên thị trường dẫn đến sự ra đời của hợp tác chiến lược trên là một ví dụ.
Với những doanh nghiệp mạnh như Viettel Post (trang thương mại điện tử Voso.vn – Vỏ sò) nhờ vào sức mạnh Tập đoàn Viettel, ngay từ đầu, Viettel Post đã đưa vào khai thác 6 trung tâm băng chuyền chia chọn bưu phẩm tự động trên cả nước, trong đó Hà Nội và TP. HCM mỗi nơi có 2 trung tâm, Đà Nẵng và Cần Thơ mỗi nơi một trung tâm.
Ông Phạm Văn Tuyên, Giám đốc vận hành trung tâm khai thác của Viettel Post cho biết, các trung tâm này do Công ty Logistics trực thuộc Viettel Post quản lý, làm nhiệm vụ chia chọn bưu phẩm và kết nối đến 86 chi nhánh thuộc 63 tỉnh, thành trên toàn quốc. Mỗi trung tâm chia chọn bưu phẩm tự động hiện có diện tích từ 15.000 - 20.000 m2. Hệ thống băng chuyền này giúp Viettel Post rút ngắn trung bình 4-6 giờ trong tổng thời gian toàn trình của bưu phẩm; giảm 86% nhân lực và 48% chi phí nhân công. Đồng thời, tỷ lệ hư hỏng hàng hóa và bưu kiện cũng giảm đáng kể, tỷ lệ sai sót trong chia chọn gần như bằng không.
Nằm trong lộ trình giảm chi phí vận tải, chi phí logistics, mới đây Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cũng đã đưa vào hoạt động Trung tâm Vận chuyển và Kho vận khu vực phía Nam với diện tích sàn khai thác xây dựng 15.200m2. Song song với đó là triển khai các nền tảng về kho hàng trong cả logistics truyền thống và logistics thương mại điện tử trên cơ sở phân tích các dữ liệu kho hàng và tối ưu hóa các lộ trình chuyển phát, từng bước ứng dụng các robotic để tự động hóa một số công đoạn, tiến tới hình thành năng lực logistics có hàm lượng tự động hóa cao, ông Lê Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam chia sẻ.
Sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu với nguồn thu nhập đang tăng kích hoạt sự gia nhập của nhiều sàn thương mại điện tử mới, đồng nghĩa sẽ tạo thêm nhu cầu về cơ sở vật chất hậu cần khiến các trang thương mại điện tử khác khó còn cơ hội phát triển, nếu không tạo ra đột biến. Nếu chi phí giao hàng cao, dịch vụ chưa tốt khiến giá bán các sản phẩm trực tuyến không rẻ hơn so với kênh mua sắm truyền thống. Đây là điểm yếu của thương mại điện tử tại Việt Nam đồng thời cũng là cuộc chiến của nhiều công ty giao nhận thương mại điện tử.
Trong cuộc chiến đó, doanh nghiệp nào chỉ dừng ở một trang web bán hàng đơn thuần, không liên tục tích hợp dịch vụ mới – tiên tiến, hiện đại theo xu hướng giảm chi phí giao hàng, khó hy vọng phát triển bền vững trong kỷ nguyên công nghệ thông tin với nhiều ứng dụng liên tục được cập nhật này, giới chuyên gia thương mại điện tử dự báo.