Pháp luật về bảo vệ quyền chủ nợ của TCTD: Vai trò đối với DN và nền kinh tế
Những khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý TSBĐ của các khoản nợ xấu | |
Khó khăn vướng mắc khi TCTD xử lý tài sản bảo đảm | |
Các vướng mắc phát sinh từ thực tiễn xử lý tài sản bảo đảm và kiến nghị |
Ảnh minh họa |
Trong những năm vừa qua, hệ thống pháp luật về kinh tế nói chung và hệ thống pháp luật về ngân hàng nói riêng của Việt Nam đã và đang được xây dựng, hoàn thiện theo hướng phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và thực tiễn của Việt Nam. Hệ thống pháp luật ngân hàng đã tạo ra khuôn khổ pháp lý quan trọng cho hoạt động ngân hàng và đã góp phần tích cực làm cho hệ thống ngân hàng Việt Nam hoàn thành vai trò là trung gian tài chính, huy động, cung cấp vốn và các dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, sự phát triển năng động của nền kinh tế và quá trình hội nhập cũng làm cho hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật ngân hàng nói riêng bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Trong thời gian vừa qua, mặc dù được sửa đổi, bổ sung thường xuyên, nhưng hệ thống pháp luật nói chung và hệ thống pháp luật về kinh tế nói riêng bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt là các quy định về bảo vệ quyền chủ nợ của tổ chức tín dụng (TCTD). Các bất cập của hệ thống pháp luật và các vướng mắc nảy sinh trong việc thi hành các quy định pháp luật làm cho cơ chế bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của TCTD hoạt động kém hiệu quả, hệ thống cưỡng chế thi hành các thỏa thuận, hợp đồng không được xây dựng, vận hành có hiệu quả, chưa là chỗ dựa tin cậy cho các bên liên quan bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới [1], thời gian bình quân để giải quyết tranh chấp tại Việt Nam theo con đường Tòa án là 400 ngày, với chi phí 29% giá trị khoản nợ và Chỉ số Chất lượng tố tụng tư pháp của Việt Nam chỉ đạt 6,5/18. Đồng thời, số lượng vụ việc thi hành án dân sự liên quan tín dụng ngân hàng còn tồn đọng chưa được thi hành 2016 là 15.949 việc với giá tiền tồn đọng, chưa được thi hành là 58.997 tỷ đồng [2].
Thực tế này cũng tạo điều kiện cho kỷ luật hợp đồng không được các bên liên quan tuân thủ, các quyền hợp pháp của chủ nợ (bao gồm cả các TCTD) không được bảo đảm, dẫn đến việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn và các ngân hàng vẫn phải cho vay chủ yếu dựa nhiều vào tài sản bảo đảm. Đây cũng là một nguyên nhân làm cho nợ xấu của hệ thống ngân hàng còn ở mức cao đe dọa sự ổn định, an toàn, lành mạnh của hệ thống các TCTD. Do vậy, để xây dựng và thực thi có hiệu quả hệ thống pháp luật bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của TCTD, việc tăng cường nhận thức về vai trò của hệ thống pháp luật bảo vệ quyền chủ nợ của các bên liên quan đặc biệt là cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật là rất cần thiết. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin được đề cập vai trò của pháp luật về bảo vệ quyền chủ nợ của TCTD đối với doanh nghiệp và nền kinh tế và các yêu cầu đặt ra đối với việc xây dựng hệ thống pháp luật bảo vệ quyền chủ nợ hiệu quả.
1. Vai trò của pháp luật về bảo vệ quyền chủ nợ đối với nền kinh tế.
Trong nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, các quan hệ tài sản dựa trên quyền sở hữu, vai trò của cơ chế pháp luật bảo vệ quyền chủ nợ hiệu quả thể hiện dưới hai khía cạnh sau đây: (i) Cho phép chủ nợ có quyền phong toả tài sản của con nợ, bán các tài sản này và đầu tư số tiền này vào các hoạt động khác có hiệu quả hơn khi con nợ mất khả năng thanh toán và không thể phục hồi; (ii) Cho phép chủ nợ kiểm soát các hoạt động quản lý của con nợ trong trường hợp con nợ đang có nguy cơ bị mất khả năng thanh toán, không trả được nợ đúng thỏa thuận.
Hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền chủ nợ có các vai trò sau đối với đời sống của nền kinh tế và xã hội:
Thứ nhất, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực của xã hội. Một hệ thống pháp luật bảo vệ quyền chủ nợ hữu hiệu sẽ cho phép giải phóng nguồn lực của xã hội ra khỏi các khu vực sử dụng yếu kém và tái phân bổ đến những các khu vực sử dụng có hiệu quả hơn. Thực tiễn cũng chứng minh các quốc gia thiết lập khung pháp lý về xử lý nợ mất khả năng thanh toán và bảo vệ quyền chủ nợ hữu hiệu cũng đồng thời là quốc gia có hệ thống tài chính phát triển, lành mạnh và nền kinh tế phát triển.
Thứ hai, tạo dựng và duy trì niềm tin của nhà đầu tư, góp phần nâng cao tính ổn định và nhịp độ phát triển của nền kinh tế. Hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền chủ nợ hiệu quả, minh bạch và có thể dự đoán được sẽ góp phần tạo dựng và duy trì niềm tin của nhà đầu tư qua đó sẽ góp phần huy động nhiều vốn đầu tư hơn cho nền kinh tế. Nhìn chung, những nghiên cứu về thị trường nợ cho thấy rằng các quy định của pháp luật có ảnh hưởng rất lớn tới việc huy động vốn từ bên ngoài. Các kết quả cũng cho thấy rằng luật lệ tốt và thực thi hiệu quả có tác động đáng kể đối với quy mô của thị trường nợ. Thực tiễn cũng cho thấy những sự khác biệt lớn về quy mô và độ sâu của thị trường vốn tại các nước với luật pháp có xuất xứ khác nhau. Ngoài ra, những khác biệt về mức độ bảo vệ quyền chủ nợ có tác động đối với một số điểm khác biệt về quy mô và độ sâu của thị trường vốn tại các nước. Kết quả của nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng chất lượng của môi trường pháp lý tác động đáng kể đến khả năng của các doanh nghiệp tại các nước khác nhau trong việc huy động vốn từ bên ngoài. Theo đó, khả năng huy động vốn của nền kinh tế tỷ lệ thuận với chất lượng của hệ thống pháp luật. Đồng thời, hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền chủ nợ hữu hiệu cũng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì sự tăng trưởng kinh tế và ngăn chặn khủng hoảng.
Thứ ba, góp phần đấu tranh và phòng chống một cách có hiệu quả những hiện tượng tiêu cực nảy sinh trong quá trình vận hành của nền kinh tế thị trường, đồng thời bảo vệ một cách chắc chắn lợi ích hợp pháp của các chủ nợ và nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của các con nợ trước những ràng buộc bởi các điều kiện vay nợ, góp phần tăng cường kỷ luật hợp đồng. Ngoài ra, pháp luật về xử lý nợ mất khả năng thanh toán và bảo vệ quyền chủ nợ còn có vai trò quan trọng trong việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn trách nhiệm của mỗi loại cán bộ, mỗi cán bộ làm việc trong từng cơ quan cụ thể của bộ máy nhà nước. Nhờ đó, các hiện tượng lạm quyền, nhũng nhiễu, vô trách nhiệm… của đội ngũ công chức, viên chức nhà nước có liên quan đến việc quá trình xử lý nợ mất khả năng thanh toán và bảo vệ quyền chủ nợ dễ dàng được phát hiện và loại trừ.
Thứ tư, tạo ra tiền đề pháp lý vững chắc để ổn định các quan hệ kinh tế. Ngoài vai trò củng cố, tăng cường quyền lực và phương tiện quản lý kinh tế của nhà nước, một hệ thống pháp luật về xử lý nợ mất khả năng thanh toán và bảo vệ quyền chủ nợ phù hợp sẽ còn là tiền đề vững chắc cho mọi thành phần kinh tế yên tâm trong hoạt động và chủ động tập trung tiềm lực kinh tế vào sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ. Đồng thời, nó còn là cơ sở pháp lý để xử lý các tranh chấp nảy sinh một cách hiệu quả, minh bạch, bình đẳng thực sự giữa các thành phần kinh tế.
2. Vai trò của pháp luật về bảo vệ quyền chủ nợ đối với các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp
Quan hệ tín dụng giữa các doanh nghiệp và các TCTD là một trong những hình thức quan hệ kinh tế có tính truyền thống trong lịch sử phát triển các nền kinh tế. Mang theo mối quan hệ này là những rủi ro do từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Vì vậy, hầu hết các quốc gia đều quan tâm xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ mất khả năng thanh toán của các doanh nghiệp và bảo quyền chủ nợ của TCTD, bởi chúng đóng vai trò là nền tảng giúp cho các quốc gia trong quá trình nâng cao tính vững chắc của hệ thống các TCTD và ổn định nền kinh tế – trên phương diện vĩ mô, bảo vệ quyền lợi cho các chủ nợ (các TCTD) và tăng cường trách nhiệm của các khách hàng vay vốn (doanh nghiệp) – trên phương diện vi mô, cụ thể:
Thứ nhất, giảm chi phí cấp tín dụng của các TCTD cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Khi chủ nợ (bao gồm cả các TCTD) cung cấp vốn cho các doanh nghiệp để có khoản thu (lợi tức) từ hoạt động cho vay này, thì họ luôn phải đương đầu với những rủi ro, và thậm chí có thể sẽ không thu được cả tiền gốc lẫn lãi nếu những cổ đông kiểm soát hoặc ban giám đốc của các doanh nghiệp không thanh toán những hợp đồng vay nợ. Việc chiếm dụng vốn vay phổ biến, lan tràn sẽ làm suy yếu nghiêm trọng hiệu quả của cả hệ thống tài chính. Trong điều kiện hệ thống pháp luật không hoàn chỉnh, nếu các nhà đầu tư tiềm năng dự đoán rằng phần đầu tư của mình sẽ bị những người trong doanh nghiệp chiếm dụng thì họ sẽ không cung cấp vốn cho doanh nghiệp cho dù dưới bất kỳ hình thức nào (cho vay hoặc góp vốn cổ phần). Điều này làm cho các chủ doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc không có khả năng tìm nguồn vốn tài trợ cho các dự án đầu tư, thậm chí cả dự án đầu tư có tính khả thi cao và khả năng sinh lời hấp dẫn nhất của mình. Bảo vệ chủ nợ bằng hệ thống luật pháp là biện pháp hiệu quả nhất để hạn chế tình trạng chiếm dụng vốn trong nền kinh tế. Chủ nợ sẽ sẵn sàng cung cấp nhiều vốn cho các doanh nghiệp một khi quyền lợi của họ được luật pháp bảo vệ một cách có hiệu quả và chính các quy định pháp luật và việc thực thi các quy định pháp luật nghiêm minh hình thành nên những quyền trên. Một khi công tác tái cơ cấu và quyền của chủ nợ khi thanh lý doanh nghiệp được mở rộng và được các cơ quan quản lý nhà nước hoặc tòa án thực thi tốt thì chủ nợ sẽ có động lực và niềm tin để cung cấp vốn cho doanh nghiệp. Khi những quy định pháp luật và việc thực thi chúng không bảo vệ được chủ nợ thì quá trình quản trị doanh nghiệp và tìm kiếm nguồn vốn từ bên ngoài sẽ không hiệu quả. Các thủ tục phá sản hiệu quả cũng có vai trò then chốt trong việc cho phép các ngân hàng thực hiện quyền chủ nợ của mình một cách thích hợp. Hơn nữa, khi xảy ra khủng hoảng nợ công ty thì việc không có khả năng tịch thu lại tài sản bảo đảm có thể châm ngòi cho tác động vỡ nợ dây chuyền của các công ty mắc nợ, làm trầm trọng thêm khủng hoảng kinh tế, như những gì đã xảy ra tại các quốc gia trong khu vực trong thời kỳ khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, khủng hoảng tài chính thế giới 2008-2009. Một hệ thống luật pháp về xử lý nợ mất khả năng thanh toán và bảo quyền chủ nợ hữu hiệu sẽ là động lực giúp cho các TCTD tích cực hơn trong việc chấp thuận cho vay với những ràng buộc về tài sản đảm bảo. Nhờ đó, nó sẽ tạo điều kiện cho thị trường thế chấp phát triển, giúp cho các doanh nghiệp có nhiều khả năng hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn từ thị trường nợ nói chung và từ hệ thống ngân hàng nói riêng. Điều này đặc biệt hữu ích đối với các doanh nghiệp tại các nước đang phát triển nơi thị trường chứng khoán chưa thực sự phát triển như Việt Nam.
Thứ hai, góp phần thực hiện mục tiêu bảo đảm an toàn và lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Việc xây dựng và kiện toàn hệ thống pháp luật về xử lý nợ mất khả năng thanh toán và bảo vệ quyền chủ nợ sẽ làm gia tăng tính chủ động trong kế hoạch kinh doanh của các TCTD, qua đó nâng cao tính ổn định cho từng TCTD nói riêng và toàn hệ thống nói chung. Ngoài ra, với những ràng buộc về pháp lý, các điều khoản minh bạch, rõ ràng về quá trình xử lý tài sản đảm bảo quy định trong hệ thống pháp luật sẽ là áp lực cần thiết và hiệu quả đối với các khách hàng trong quá trình sử dụng nguồn vốn vay. Chính vì vậy, pháp luật về xử lý nợ mất khả năng thanh toán và bảo vệ quyền chủ nợ đặc biệt được chú trọng xây dựng và áp dụng phổ biến tại hầu hết các quốc gia phát triển, và cả ở những nền kinh tế đang phát triển và chuyển đổi. Một hệ thống pháp luật về hoàn chỉnh với các biện pháp xử lý nợ mất khả năng thanh toán, tài sản bảo đảm đồng bộ (trong và ngoài toà án) sẽ cho phép các TCTD gia tăng tỷ lệ thu hồi nợ, giảm nợ xấu và lành mạnh hoá hoạt động tín dụng ngân hàng.
Thứ ba, tạo lập cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan. Một vai trò quan trọng của hệ thống pháp luật về về xử lý nợ mất khả năng thanh toán và bảo vệ quyền chủ nợ là giúp các chủ nợ, con nợ và các bên tham gia quan hệ vay nợ (người bảo đảm) nắm bắt được những quy định rõ ràng về biện pháp xử lý, khả năng tiếp cận những quy trình thủ tục cần thiết khi thực hiện quyền xử lý. Ngoài ra, nó còn là cơ sở pháp lý giúp các doanh nghiệp có cơ hội phục hồi hoạt động, cải thiện, phục hồi khả năng thanh toán, có khả năng tiếp tục thực hiện kế hoạch kinh doanh của mình, cũng như có được giải pháp về tài chính tốt nhất trong những trường hợp cấp thiết.
3. Các yêu cầu đối với hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền chủ nợ của TCTD
Với vai trò quan trọng như phân tích ở phần trên, việc xây dựng và thực thi có hiệu quả hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền chủ nợ phải đạt được các yêu cầu sau đây:
3.1. Pháp luật về xử lý nợ mất khả năng thanh toán và bảo vệ quyền chủ nợ là cơ sở pháp lý hữu hiệu để bảo đảm cho chủ nợ có thể thực hiện quyền hợp pháp của mình và góp phần tạo dựng thị trường tín dụng ngân hàng lành mạnh, hạn chế nợ xấu và tăng quyền tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho các doanh nghiệp.
3.2. Pháp luật về xử lý nợ mất khả năng thanh toán và bảo vệ quyền chủ nợ phải là cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quá trình xử lý nợ tình trạng mất khả năng thanh toán, đặc biệt là quyền lợi của các chủ nợ với tư cách là người cung cấp nguồn lực tài chính cho các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế.
3.3. Pháp luật về xử lý nợ mất khả năng thanh toán và bảo vệ quyền chủ nợ phải là cơ sở pháp lý hoàn chỉnh cho việc chuyển nhượng tài sản của công ty mất khả năng thanh toán một cách có trật tự và vì lợi ích của tất cả các chủ nợ. Trên thực tế, nếu không có pháp luật điều chỉnh, thì các chủ nợ có thể tiến hành một cuộc chạy đua gây lãng phí cho xã hội để trở thành người đầu tiên tịch thu tài sản bảo đảm hoặc có được phán quyết của toà án về việc giao tài sản của công ty mất khả năng thanh toán. Cuộc chạy đua này có thể dẫn đến sự chia nhỏ tài sản của công ty và dẫn đến việc tất cả các chủ nợ đều mất mát giá trị kinh tế nhiều hơn trong khi đó việc gộp chung lại các phần giá trị tài sản riêng lẻ thì giá trị kinh tế thu được sẽ lớn hơn.
3.4. Pháp luật về xử lý nợ mất khả năng thanh toán và bảo vệ quyền chủ nợ cần phải tạo ra kết quả tối đa hoá tổng giá trị mà các chủ nợ nhận được. Rõ ràng tất cả các chủ nợ sẽ hưởng lợi nhiều hơn nếu pháp luật quy định thủ tục, trình tự hợp lý để cuối cùng tạo ra giá trị của công ty mắc nợ cao hơn so với giá trị kỳ vọng.
3.5. Pháp luật về xử lý nợ mất khả năng thanh toán và bảo vệ quyền chủ nợ phải có quy định xử lý nợ mất khả năng thanh toán theo hướng không nên quá mềm mỏng đối với các công ty xấu và cũng không nên quá khắt khe đối với công ty tốt. Trong cơ cấu tài chính của doanh nghiệp, nợ vay có vai trò quan trọng trong việc khép ban giám đốc vào khuôn khổ kỷ luật, như việc hạn chế quyền tự do cũng như xử lý trách nhiệm của ban giám đốc trong việc tham gia vào các dự án gây lãng phí. Do vậy, pháp luật cần thể hiện vai trò ràng buộc của nợ vay thông qua các bằng biện pháp “trừng phạt” tương xứng để Ban giám đốc nhận thức được ngay từ đầu các hậu quả nếu do lỗi cố ý để doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý ngay cả các doanh nghiệp có thực lực mạnh về tài chính cũng có thể lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính và pháp luật cần phải đưa ra cách thức để bảo vệ họ một cách hợp lý [3].
3.6. Pháp luật về xử lý nợ mất khả năng thanh toán và bảo vệ quyền chủ nợ cần có quy định bảo đảm quyền ưu tiên tuyệt đối của các chủ nợ, có nghĩa là những chủ nợ được ưu tiên sẽ được hoàn trả và họ phải được nhận các khoản thanh toán trước khi các chủ nợ được ưu tiên tiếp theo nhận được các khoản thanh toán và cứ tiếp tục theo trình tự như vậy. Yêu cầu này xuất phát từ hai lý do sau đây:
(i) Những chủ nợ được ưu tiên sẽ rất ngần ngại không muốn cho vay nếu cơ cấu ưu tiên trả nợ được thoả thuận trong hợp đồng không thể thực hiện được theo quy định của pháp luật;
(ii) Nếu các quy tắc về ưu tiên thanh toán dành cho chủ nợ trong thủ tục phá sản khác với các quy tắc dành chủ nợ bên ngoài thủ tục phá sản, có thể dẫn đến nhiều động cơ xấu như một số chủ nợ lãng phí nguồn lực khi cố gắng xúi giục ban giám đốc ngăn chặn thủ tục phá sản hoặc là đẩy nhanh tiến trình tham nhũng.
3.7. Pháp luật về xử lý nợ mất khả năng thanh toán và bảo vệ quyền chủ nợ cần hạn chế thấp nhất mức độ “tự do hoá” hoặc các hành xử mang tính tùy nghi của hệ thống tư pháp. Ví dụ, có thể không nên cho phép các thẩm phán đưa ra các quyết định kinh doanh nếu thẩm phán không được đào tạo về lĩnh vực này hoặc không có những động cơ đúng đắn. Ngoài ra, “quyền tự do” thái quá hoặc ranh giới xác định “quyền tự do” của hệ thống tư pháp không rõ ràng có thể tạo điều kiện cho tham nhũng.
3.8. Pháp luật về xử lý nợ mất khả năng thanh toán và bảo vệ quyền chủ nợ phải phù hợp với các thông lệ quốc tế và đáp ứng các yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế và các cam kết của Việt Nam với các tổ chức quốc tế, cũng như các cam kết quốc tế của Việt Nam và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp Việt Nam.
3.9. Pháp luật về xử lý nọ mất khả năng thanh toán và bảo vệ quyền chủ nợ cần tạo ra được một hành lang pháp lý rõ ràng góp phần thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
[1] Báo cáo Môi trường kinh doanh 2017 (Doing Business 2017 Report) của Ngân hàng Thế giới.
[2] Báo cáo 3542/BC-TCTHADS ngày 25/10/2016 của Tổng cục thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp.
[3] Hoạt động kinh doanh luôn gắn liền với rủi ro và sự mạo hiểm của doanh nghiệp có thể dẫn đến kết quả kinh doanh thắng lợi hay thua lỗ. Cần coi những mạo hiểm và rủi ro đó là một phần của đời sống kinh doanh để có sự phân biệt đối xử với các hậu quả của nó, đặc biệt trong trường hợp các hậu quả bất lợi của các quyết định kinh doanh xuất phát từ các lý do bất khả kháng hoặc do không thể dự đoán được các diễn biến bất lợi của thị trường theo cách thức thông thường…