Sản xuất vật liệu không nung: Cần cơ chế đồng bộ
Ảnh minh họa |
Đến nay, công ty đã đầu tư giai đoạn 1 của tổ hợp sản xuất khép kín, có khả năng sản xuất ra các loại vật liệu như gạch nhẹ AAC, gạch bê tông xi-măng cốt liệu, vữa khô trộn sẵn, keo dán gạch đá, tro bay và than tuyển.
Thống kê của Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho thấy, ở nước ta mỗi năm tiêu thụ khoảng 20 tỷ viên gạch. Đến năm 2020, lượng gạch cần cho xây dựng là 42 tỷ viên. Để sản xuất số lượng gạch đó sẽ phải lấy 30.000 ha đất sét làm nguyên liệu. Điều này ảnh hưởng lớn tới nhiều vấn đề về an ninh môi trường. Do đó, phát triển loại vật liệu không nung là hướng đi tất yếu, góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Tiềm năng là vậy, nhưng ông Kiều Văn Mát, Tổng giám đốc CTCP Sông Đà Cao Cường cho biết, đến nay việc sản xuất rất cầm chừng do gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ. Nguyên nhân xuất phát từ nhận thức của người tiêu dùng, chưa quen với loại vật liệu “xanh” này, đồng thời giá thành sản phẩm cũng còn khá cao khiến khách hàng vẫn ưu tiên dùng gạch nung và các vật liệu truyền thống…
Để hỗ trợ DN, chuyển đổi ngành sản xuất vật liệu xây dựng, nhiều chính sách khuyến khích đã được hình thành và áp dụng. Tuy nhiên, cơ chế hỗ trợ từ phía Nhà nước vẫn còn chung chung, chưa cụ thể, thậm chí ở nhiều khía cạnh chưa được hỗ trợ gì.
Ngoài tiền vay đầu tư, hàng năm DN vẫn phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng để duy trì sản xuất, mua nguyên vật liệu, trả lãi vay, trong khi sản phẩm không tiêu thụ được, tồn kho cao khiến DN sản xuất vật liệu xây dựng không nung gặp không ít khó khăn.
Từ năm 2012, Bộ Xây dựng đã ra Thông tư quy định rõ các công trình xây dựng đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây dựng không nung.
Theo đó, tại đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% vật liệu xây dựng không nung kể từ 15/1/2013; các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% từ thời điểm kể trên đến hết năm 2015, sau năm 2015 phải sử dụng 100% vật liệu xây dựng không nung. Riêng công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên, không phân biệt nguồn vốn, từ 15/1/2013 đến năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây dựng không nung trong tổng số vật liệu xây của công trình.
Thế nhưng, việc triển khai Thông tư đến nay chưa có hiệu quả, một số chủ công trình xây dựng chỉ sử dụng một phần rất nhỏ vật liệu không nung để đối phó. Thêm vào đó, công tác kiểm tra, quản lý tại nhiều địa phương còn buông lỏng, chưa xử lý được những sai phạm.
Theo ông Mát, để tạo cú hích cho thị trường vật liệu xây dựng không nung cần cơ chế đồng bộ, hỗ trợ từ nguyên liệu đầu vào cho đến đầu ra của sản phẩm. Về đầu vào cần hỗ trợ nguồn vốn vay sản xuất với lãi suất ưu đãi, miễn phí nguyên liệu như tro xỉ than từ các nhà máy nhiệt điện, phân bón (hiện các DN vẫn phải trả tiền), các cơ chế miễn giảm thuế...
Đối với đầu ra, cần đưa ra các chế tài xử phạt nghiêm khắc, tăng cường sự kiểm tra giám sát đối với việc sử dụng vật liệu không nung. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, DN về lợi ích của loại vật liệu này.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng góp ý thêm, các DN sản xuất cũng cần chủ động tuyên truyền, nghiên cứu để đưa ra những sản phẩm có chất lượng, mẫu mã đa dạng, cạnh tranh, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, cũng như phát triển dịch vụ bán lẻ phục vụ thuận lợi cho khách hàng.
Có như vậy mới giúp DN giảm bớt khó khăn, thúc đẩy ngành vật liệu xây dựng không nung trong nước phát triển, góp phần phát triển kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường.