Thị trường nào 'hot' nhất trong khối CPTPP?
Cơ hội hốt thị phần lớn ngành thủy sản
Theo báo cáo về cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch nhập khẩu của 10 nước đối tác trong CPTPP là gần 2.500 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện Việt Nam mới xuất khẩu sang các nước này khoảng 42 tỷ USD, chiếm khoảng 1,7% tổng giá trị.
Trong đó, Nhật Bản là thị trường lớn nhất, tiếp đến là Canada... Nhưng, Canada sẽ là thị trường cực kỳ tiềm năng với doanh nghiệp Việt do các mặt hàng có nhu cầu nhập khẩu cao của mước này cũng là những mặt hàng thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.
Trong khi đó, hàng Việt sẽ khó vào thị trường Nhật Bản hơn do thị trường này yêu cầu cao về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và đặt nhiều biện pháp cùng rào cản kỹ thuật, đặc biệt là đối với nông sản nhập khẩu.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết thuỷ sản là mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh nhất của Việt Nam tại thị trường Canada. Trong đó, nhiều chủng loại đã chiếm thị phần rất cao tại thị trường này.
Chẳng hạn như cá basa gần như chiếm 100% thị trường cá da trơn nhập khẩu của Canada; mặt hàng tôm (bao gồm tôm đông lạnh và tôm chế biến) đứng đầu trong số các nước xuất khẩu tôm vào Canada và chiếm gần 1/3 thị phần nhập khẩu; mặt hàng cá ngừ vàng, mắt to đông lạnh cũng chiếm tới 89% thị phần. Chỉ có cá ngừ chế biến hiện có thị phần còn thấp.
Theo cam kết CPTPP, thuế nhập khẩu các mặt hàng thuỷ sản như tôm đông lạnh, tôm chế biến, nhuyễn thể hai mảnh, cá tra, cá ngừ... đều giảm về 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Đây là cơ hội để thuỷ sản Việt Nam tiếp tục giữ vững thị phần và đa dạng hoá các chủng loại mặt hàng xuất khẩu vào thị trường này.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu phân tích, Thái Lan và Trung Quốc đang là hai đối thủ lớn nhất của Việt Nam trong việc xuất khẩu cá ngừ vào Canada, nhưng 2 nước này không phải là thành viên của CPTPP nên sẽ khó cạnh tranh hơn.
Hiện có tới 17 nước đang xuất cá ngừ sang Canada trong đó Trung Quốc, Thái Lan, Italy, Indonesia, Philippines và Việt Nam, là 6 nguồn cung lớn nhất cho thị trường này.
“Do đó, tiềm năng xuất khẩu cá ngừ sang Canada còn rất lớn, bởi lẽ cá ngừ Việt Nam mới chiếm khoảng trên 1,1% thị phần. Dư địa cho xuất khẩu và lợi thế cạnh tranh sẽ giúp xuất khẩu cá ngừ Việt Nam vào thị trường này có thể tăng trưởng cao”, vị đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho hay.
Riêng mặt hàng tôm, đối thủ hàng đầu của Việt Nam là Ấn Độ cũng không phải thành viên CPTPP nên đây được xem là cơ hội để sản phẩm tôm xuất khẩu Việt Nam vươn lên cạnh tranh vị trí xuất khẩu hàng đầu.
Tỷ trọng giá trị tôm Việt Nam tại Canada đã tăng từ 24% năm 2016 lên 29% năm 2018; Ấn Độ tăng từ 23% năm 2016 lên 28% năm 2018. Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, trong bối cảnh 2 nước cạnh tranh sít sao về thị phần, CPTPP chắc chắn sẽ là cú hích giúp Việt Nam tạo khoảng cách biệt lớn với đối thủ chính trong tương lai.
Cuộc đua giành thị phần trong thị trường 13,3 tỷ USD
Canada là thị trường rất tiềm năng của dệt may Việt Nam với kim ngạch nhập khẩu khoảng 13,3 tỷ USD/năm và tốc độ tăng trưởng nhập khẩu được dự báo khoảng trên dưới 20% mỗi năm. Đồng thời, Canada luôn có nhu cầu về mặt hàng may mặc làm từ sợi tự nhiên, phù hợp với mặt hàng may mặc Việt Nam.
Trong khi đó, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Canada còn khá khiêm tốn, chỉ đạt khoảng 550 triệu USD/năm. Hiện Việt Nam chưa ký hiệp định thương mại tự do với Canada, do đó CPTPP sẽ giúp mở ra cơ hội để Việt Nam tăng tốc xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường này trong những năm tới.
Theo cam kết, toàn bộ mặt hàng dệt may xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sẽ được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3 năm, trong đó 42,9% kim ngạch xuất khẩu vào Canada có thuế 0% vào năm đầu tiên, số kim ngạch còn lại sẽ về 0% vào năm thứ 4 thực hiện CPTPP.
“Như vậy, xuất khẩu dệt may sẽ có nhiều cơ hội bởi nhiều sản phẩm dệt may hiện đang chịu thuế xuất khẩu 17-18%”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu khẳng định.
Trong các nước dẫn đầu xuất khẩu hàng dệt may vào Canada, Trung Quốc chiếm 40% thị phần, Bangladesh 12%, Việt Nam và Campuchia cùng chỉ chiếm 10%. Do đó, với CPTPP giảm mức thuế trung bình 17-18% về 0%, xuất khẩu dệt may Việt Nam có cơ hội để nhanh chóng vượt qua Bangladesh hay Campuchia và dần rút ngắn khoảng cách với Trung Quốc (những nước nằm ngoài CPTPP).
Tuy nhiên, theo Cục Xuất nhập khẩu, khó khăn lớn nhất đối với dệt may Việt Nam là vấn đề xuất xứ hàng hoá do phải đáp ứng quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” để được hưởng thuế ưu đãi, trong khi ngành dệt nhuộm vẫn là điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng dệt may của Việt Nam.
Hiện Việt Nam đã có khả năng đáp ứng quy tắc xuất xứ một số mặt hàng như quần áo dệt kim, quần âu, sơ mi. Với những sản phẩm có giá cao như áo khoác mùa đông, đồ thể thao, tỷ lệ đạt xuất xứ thấp.
Do đó, để có thể đáp ứng và gia tăng thị phần dệt may tại Canada, dệt may Việt Nam sẽ phải thay đổi mạnh mẽ để phát triển ngành nguyên phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Từ đó, thiết lập sự liên kết trong chuỗi dệt - may hiệu quả hơn, tạo nền tảng cho ngành dệt may Việt Nam phát triển bền vững.