![]() |
Cần tạo sức mạnh cộng hưởng để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi |
![]() |
Nghị quyết 68: Dấu ấn giảm thủ tục hành chính |
![]() |
Thúc đẩy thủ tục hành chính số |
Cải thiện nhưng vẫn nhiều điểm nghẽn
Trao đổi tại Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng và lĩnh vực liên quan, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh thủ tục đầu tư, xây dựng ảnh hưởng trực tiếp đến việc gia nhập thị trường, đưa nguồn lực vào sản xuất và sự phát triển về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật của doanh nghiệp cũng như cả nền kinh tế.
Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam đã từng bước thực hiện những điều chỉnh về cơ chế chính sách để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong các hoạt động đầu tư xây dựng. Nhờ đó, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính đã dần giảm xuống, doanh nghiệp gia nhập thị trường, tổ chức sản xuất kinh doanh dễ dàng hơn.
![]() |
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, riêng trong 10 tháng đầu năm 2021, đã bãi bỏ 3 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; cắt giảm, đơn giản hóa 59/172 điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 9 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; cắt giảm, đơn giản hóa 9 thủ tục hành chính; cắt giảm yêu cầu, điều kiện đối với một số đối tượng khi thực hiện hoạt động xây dựng trong 3 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; tích hợp, thay thế 5 Nghị định, 7 Thông tư vào 2 Nghị định.
Tuy vậy, theo Chủ tịch VCCI, thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng và một số lĩnh vực liên quan trong thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, phiền hà, đặc biệt là nhóm thủ tục liên ngành, liên quan đến thẩm quyền của nhiều cơ quan nhà nước và tới nhiều cấp chính quyền khác nhau. Sự phức tạp về quy trình thủ tục, sự chồng chéo về thẩm quyền tạo ra rủi ro trong xử lý hồ sơ, gia tăng chi phí tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.
Báo cáo “Thủ tục hành chính trong lĩnh vực Đầu tư - Đất đai - Xây dựng - Môi trường: Một số kết quả từ khảo sát doanh nghiệp” được xây dựng từ kết quả phản hồi của gần 2.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực xây dựng trên toàn quốc cho thấy, 50% doanh nghiệp trả lời còn gặp trở ngại với các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng; 48% gặp trở ngại với các thủ tục về quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị; hơn 40% gặp khó khăn với các thủ tục về thẩm định, phê duyệt và 40,9% gặp khó khăn về quyết định chủ trương đầu tư.
Đại diện nhóm nghiên cứu, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban pháp chế, VCCI cho biết, kết quả cho thấy một doanh nghiệp cần khoảng 3 lần tới các cơ quan Nhà nước để hoàn tất việc xin cấp phép, cá biệt có những doanh nghiệp phải đi tới 8,9 lần. Thời gian trung bình giải quyết thủ tục cấp giấy phép xây dựng cho doanh nghiệp là khoảng gần 24 ngày, tuy đã có cải thiện so với năm 2019.
Báo cáo cũng đưa ra một góc nhìn cho thấy sự khác biệt giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp tư nhân trong nước về cách chọn lựa địa điểm đầu tư, các quy định pháp lý và cách đối xử của chính quyền địa phương... Theo đó, mặc dù đối với các doanh nghiệp tư nhân trong nước việc nhận quyết định chủ trương đầu tư còn rất khó khăn nhưng đối với các doanh nghiệp FDI lại không phải vấn đề quá lớn.
Còn nhiều dư địa cải cách
Trước kết quả khảo sát của VCCI, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban, Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, những quy định văn bản của Việt Nam đang tiệm cận thông lệ quốc tế tốt, chi phí chính thức trong việc thực hiện các quy định giảm, môi trường kinh doanh đã hấp dẫn hơn, trong đó có lĩnh vực xây dựng. Báo cáo môi trường đầu tư kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) những năm qua đánh giá thủ tục cấp phép xây dựng của Việt Nam có thứ hạng rất cao, đứng 25/190 nền kinh tế.
Tuy nhiên, thời gian thực hiện các thủ tục cấp phép xây dựng thực tế vẫn rất dài, các doanh nghiệp phải thực hiện 10 bước, trung bình mất khoảng 166 ngày để hoàn thành thủ tục đầu tư xây dựng một công trình. Trong khi tại Singapore, doanh nghiệp cũng thực hiện 9 bước thủ tục nhưng chỉ mất 35,5 ngày để làm xong thủ tục.
Theo bà Thảo, kinh nghiệm của Singapore là thực hiện thủ tục thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến, vì vậy bà Thảo đề nghị Bộ Xây dựng đẩy mạnh thực hiện thủ tục trong cấp phép đầu tư xây dựng theo hình thức trực tuyến. Bên cạnh đó, cần cải cách sâu rộng, từ gốc rễ là những quy định, điều kiện kinh doanh, từ đó thủ tục hành chính cũng sẽ được cắt giảm. Trong dài hạn, cần đưa hết thủ tục về một đầu mối để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, thời gian vừa qua, doanh nghiệp xây dựng vừa phải gánh chịu đại dịch Covid-19 vừa trải qua đợt bão giá lên tới 40%, nhiều nhà thầu không dám nhận việc vì tình trạng bão giá, ngành xây dựng hiện nay đang cố gắng lấy “ngắn nuôi dài” vì nhiều chủ đầu tư bị tắc nghẽn dòng tiền, có những nhà thầu bị nợ lên đến vài nghìn tỷ đồng.
Chính vì vậy, để tháo gỡ cho các doanh nghiệp, ông Hiệp đề nghị Bộ Xây dựng cho phép sửa đổi Nghị định về hợp đồng xây dựng, trong đó cần quy định rõ trách nhiệm thanh toán của các chủ đầu tư bằng những quy định cụ thể. Các chủ đầu tư đặc biệt là các chủ đầu tư vốn ngoài ngân sách phải có bảo lãnh thanh toán có 30% hợp đồng bảo lãnh vốn vay, công trình không ký quyết toán thì không đưa vào sử dụng.
Trong việc đối phó với bão tăng giá hiện tại cần phối hợp giữa các cơ quan. Vì hiện tốc độ cập nhật giá trên thị trường luôn bị chậm 1 - 2 tháng, vì vậy các giá cập nhật thanh toán vẫn không phải là thực tế. Ngoài ra, hiện nay, công tác đền bù giải phóng mặt bằng đang rất phức tạp, cần có cơ chế bồi thường đất, về vấn đề định giá đất. Các tỉnh cần công bố hệ số định giá đất để các nhà đầu tư có thể tính toán được chứ không phải đợi Hội đồng định giá.
Ông Đậu Anh Tuấn cũng đưa ra khuyến nghị, cần xây dựng một bộ chỉ số đánh giá mức độ thuận lợi của việc thực hiện thủ tục hành chính đầu tư - đất đai - xây dựng - môi trường ở cấp tỉnh. Với mục tiêu chỉ ra những địa phương mà doanh nghiệp gặp thuận lợi hay khó khăn trong quá trình thực hiện nhóm thủ tục đầu tư, xây dựng và các thủ tục liên quan. Đồng thời, cung cấp thông tin cho chính quyền các tỉnh để lựa chọn giải pháp phù hợp.
Trước những đề xuất của chuyên gia và các doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, việc thực hiện thành công Quyết định số 1936/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng trong năm 2021 và năm 2022 hứa hẹn tạo ra sự đột phá trong nâng cao Chỉ số cấp phép xây dựng của ngành năm 2021, 2022. Bên cạnh đó, “trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, Bộ Xây dựng và các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp tục đề xuất những giải pháp cải cách phù hợp, hiệu quả và khả thi hơn trong thời gian tới”, ông Nguyễn Thanh Nghị khẳng định.
Quỳnh Trang
Nguồn: