Tìm cơ chế đặc thù cho “siêu đô thị”
Đầu tàu kinh tế loay hoay tìm cơ chế đặc thù |
Bộ Chính trị vừa cho phép TP.HCM tiếp tục thí điểm cơ chế đặc thù, theo đó ban hành Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM với mục tiêu đến năm 2030 là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số; định hướng đến năm 2045, TP.HCM trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của khu vực châu Á.
Đang đối diện trạng thái bão hoà
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 16 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020; phương hướng, nhiệm vụ phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đánh giá thành phố đã đạt nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Quy mô kinh tế thành phố năm 2020 gấp 2,7 lần, GRDP bình quân đầu người gấp đôi năm 2010.
Tuy nhiên, Bộ Chính trị cho rằng TP.HCM chưa khai thác tốt tiềm năng, lợi thế phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại so với giai đoạn trước, năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp, môi trường đầu tư chậm cải thiện, liên kết vùng chưa đạt kết quả thực chất… Vì vậy, Bộ Chính trị thống nhất ban hành Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM với mục tiêu đến năm 2030 là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số; là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ, văn hóa của khu vực Đông Nam Á, hội nhập quốc tế sâu rộng. Định hướng đến năm 2045, TP.HCM trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc, có chất lượng cuộc sống cao; là đô thị phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới.
Hạ tầng TP.HCM vẫn ngổn ngang sau một thời gian thực hiện cơ chế đặc thù |
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh TP.HCM đang đi đến trạng thái bão hoà và đối diện với điểm nghẽn của sự phát triển. TS. Huỳnh Thế Du, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright phân tích, biểu hiện của một đô thị lớn đang ở trạng thái bão hoà là ở đó việc đi lại rất khó khăn với chi phí cho từng cá nhân và nền kinh tế rất lớn; các hoạt động kinh tế nhìn lúc nào cũng đông đúc nhưng thực chất hiệu quả không cao và mức độ tăng trưởng hàng năm rất thấp; năng lực đổi mới sáng tạo và khả năng tăng năng suất bị giới hạn rất nhiều. Đây đều là những vấn đề đang thể hiện rõ nét trong diễn biến của kinh tế TP.HCM giai đoạn vừa qua; khi tốc độ tăng trưởng của thành phố giảm mạnh từ 10,2% giai đoạn 1996-2010 xuống còn 6,41% giai đoạn 2016-2020.
Điều đó cho thấy việc thực hiện Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế đặc thù cho TP.HCM trước đó đã không đạt được thành công như kỳ vọng. Nhìn lại quá trình thực hiện thí điểm Nghị quyết này, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phân trần, mặc dù Nghị quyết cho phép phân cấp, phân quyền cho thành phố quyết định trong nhiều lĩnh vực, nhưng khi thực hiện thì không đơn giản do vướng thủ tục, các quy định của Luật Đầu tư và các luật chuyên ngành khác. Đây là lý do chủ yếu khiến lãnh đạo TP.HCM thời gian qua chưa mạnh dạn, quyết liệt đưa ra quyết định.
Đô thị lớn tiếp tục là đầu tàu tăng trưởng
Theo các chuyên gia, định hướng của Bộ Chính trị với tầm nhìn đến năm 2045 TP.HCM trở thành đô thị phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, là hoàn toàn phù hợp với bối cảnh chung của thế giới.
TS. Huỳnh Thế Du dẫn chứng, riêng ở khu vực châu Á, tất cả các quốc gia phát triển nhanh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều dựa vào các đô thị, thậm chí là siêu đô thị. Đó chính là các thành phố được quốc gia đó tập trung nguồn lực phát triển, từ cơ sở hạ tầng đồng bộ đến cơ chế, chính sách vượt trội. Chẳng hạn, Thủ đô Tokyo (Nhật Bản) cùng với một số tỉnh lân cận, có dân số 37 triệu người, chiếm 1/3 dân số toàn Nhật Bản và được xếp vào vùng đông dân nhất thế giới; Thủ đô Seoul (Hàn Quốc) có dân số khoảng 25 triệu người, chiếm một nửa dân số của quốc gia này; Trung Quốc có khoảng 8 đô thị lớn, mật độ dân cư đều thuộc nhóm cao nhất cả nước và cao nhất thế giới… Đây đều là những cực tăng trưởng, đầu tàu kinh tế của các quốc gia châu Á này.
“Chưa có quốc gia nào trên thế giới trở nên thịnh vượng mà đa phần người dân sống ở nông thôn, vì vậy đô thị hoá là tiến trình tất yếu của sự phát triển. Các đô thị trung tâm sẽ cao hơn và đông hơn nữa, trong khi các đô thị nhỏ chỉ ở mức vừa phải”, ông Du nhấn mạnh.
Đặt trong bối cảnh Việt Nam, mà cụ thể là TP.HCM, TS. Huỳnh Thế Du chỉ ra rằng, mặc dù đang ở trạng thái bão hoà, song đô thị trung tâm này vẫn là nơi có nhiều cơ hội và dễ kiếm sống hơn nên người dân vẫn di cư về, khiến thành phố ngày càng tắc nghẽn và ngột ngạt hơn. Lúc này lợi ích gia tăng của một người đến thành phố tạo ra thấp hơn chi phí/gánh nặng cho cả xã hội mà họ tạo ra. Vì vậy, việc tiếp tục thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phải giải quyết được rất nhiều bài toán cùng một lúc, như cải thiện hạ tầng, nâng cao năng suất lao động… như vậy mới đánh đúng và trúng vào những vấn đề nút thắt lớn nhất đối với tiến trình phát triển của thành phố đầu tàu kinh tế.
Khuyến nghị chính sách cho việc phát triển TP.HCM trở thành một đô thị sánh ngang tầm các đô thị trên thế giới, ông Du cho rằng có 2 việc cần làm ngay. Đó là xây dựng bằng được hệ thống giao thông công cộng; và khai thác giá trị từ đất là chìa khoá đối với phát triển đô thị.
Đây cũng là định hướng của lãnh đạo TP.HCM trong quá trình đề xuất và xây dựng cơ chế, chính sách áp dụng trong giai đoạn mới. Theo Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên, một số cơ chế, chính sách trong Nghị quyết 54 đã được áp dụng với các địa phương khác, vì vậy không còn mang tính đặc thù. Thay vào đó, thành phố sẽ đề xuất thí điểm các cơ chế mới, chính sách vượt trội nhưng có tính khả thi.
Cụ thể là đề xuất thí điểm thu thuế bất động sản thứ hai; tự quyết nhiều quy định về đầu tư để thu hút nguồn vốn tư nhân; giữ nguyên tỷ lệ điều tiết ngân sách 21% trong 3 năm tới... Theo các chuyên gia, cùng với việc huy động nguồn lực, cần quy định rõ về cơ chế phân cấp, phân quyền cho TP.HCM trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là các lĩnh vực quan trọng như kinh tế, đất đai, quy hoạch, xây dựng, nhà ở, môi trường… cần được quy định cụ thể nội dung nào do trung ương quyết, những nội dung nào TP.HCM được quyết. Đây sẽ là những bước phân cấp, phân quyền mạnh để TP.HCM chủ động ra quyết định.