Tín dụng chính sách xã hội - ý Đảng hợp lòng dân (Bài 1)
Bài 1: Từ chủ trương tới thực tiễn
Huy động nguồn lực tín dụng
Sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 10/6/2015, Tỉnh ủy Bình Phước ban hành Kế hoạch số 233-KH/TU nhằm quán triệt và triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả chỉ thị này. Với chủ trương đa dạng hóa nguồn lực thực hiện tín dụng CSXH để đảm bảo có đủ nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng CSXH trên địa bàn, Tỉnh ủy Bình Phước chỉ đạo việc huy động các nguồn lực tài chính được thực hiện theo phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và Nhân dân cùng làm”. Trên cơ sở đó, hằng năm, UBND các cấp đã trình HĐND cùng cấp quan tâm bố trí ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn.
Ông Trương Thanh Dũng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Bình Phước cho biết: Tính đến 30/9/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách tại Bình Phước đạt trên 4.667 tỷ đồng, tăng 3.233 tỷ đồng, mức tăng 225,26% so thời điểm cuối năm 2014. Trong đó, nguồn vốn cân đối từ trung ương 3.776 tỷ đồng, tăng 189,21%, chiếm 80,91%. Vốn huy động tại địa phương, trung ương cấp bù lãi suất 612 tỷ đồng, tăng gấp 8,75 lần, chiếm 13,11% tổng nguồn vốn. Nguồn vốn nhận ủy thác cho vay tại địa phương trên 279 tỷ đồng, tăng 210 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách cấp tỉnh trên 141 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện trên 137 tỷ đồng và nguồn vốn nhận ủy thác từ các chủ đầu tư khác.
Để nguồn vốn địa phương ổn định nhằm triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng CSXH trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Bình Phước đã giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tham mưu xây dựng “Đề án đầu tư tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2026-2030”. Đề án đang trong quá trình xây dựng, được xem là bước đột phá để nâng cao hơn nữa nguồn lực, phát huy tối đa hiệu quả của nguồn vốn tín dụng CSXH trong giai đoạn tới.
Nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH đã giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh. Trong ảnh: Anh Võ Minh Châu (phải ), ấp Suối Da, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú giới thiệu mô hình nuôi thỏ của gia đình với lãnh đạo Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. |
Đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất
Trước năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn cao. Tình hình thiếu vốn sản xuất, thiếu việc làm, thu nhập thấp dẫn tới nhiều hệ lụy. Việc triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW và Kế hoạch số 233-KH/TU đã mang đến luồng sinh khí mới cho các vùng nông thôn trong tỉnh. Hầu hết các chương trình tín dụng chính sách được thực hiện theo phương thức ủy thác qua các hội, đoàn thể. Tính đến ngày 30/9/2024, tổng dư nợ tín dụng chính sách toàn tỉnh Bình Phước đạt 4.661 tỷ đồng, với 88.182 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang được vay vốn. Trong đó, dư nợ ủy thác qua 4 đoàn thể được ủy thác cho vay đạt 4.656 tỷ đồng, chiếm 99,88% tổng dư nợ, tăng 3.246 tỷ đồng (tỷ lệ tăng 2,3 lần) so với năm 2014, Hội Liên hiệp Phụ nữ quản lý số vốn lớn nhất trên 1.492 tỷ đồng, chiếm 32,1% tổng dư nợ ủy thác. Hội Nông dân quản lý 1.389 tỷ đồng, chiếm 29,8%. Hội Cựu chiến binh quản lý 943 tỷ đồng, chiếm 20,3%. Đoàn Thanh niên quản lý 832 tỷ đồng, chiếm 17,9%.
Tới nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung ưu tiên cho vay tại các xã vùng sâu, xa, biên giới, đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, các xã xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt tỉnh Bình Phước có 41 thành phần dân tộc cùng sinh sống. Trong đó, đồng bào DTTS chiếm 19,67% dân số toàn tỉnh. Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS được Bình Phước triển khai từ năm 2019 và đặt ra mục tiêu mỗi năm giảm 1.000 hộ nghèo. Trong giai đoạn (2019 – 2023), nguồn vốn tín dụng đã góp phần thực hiện mục tiêu quan trọng này. Cụ thể, phòng giao dịch Ngân hàng CSXH cấp huyện đã cho 3.125 hộ đồng bào DTTS vay với tổng dư nợ 147,6 tỷ đồng. Bình quân 47,2 triệu đồng/hộ, chiếm 57,9% số hộ nghèo là DTTS toàn tỉnh. 100% số hộ có nhu cầu vay đều được đáp ứng. Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS được Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh phối hợp chặt chẽ với các tổ chức liên quan, chức khảo sát, đánh giá và đề xuất các giải pháp thực hiện chính sách dân tộc thông qua tín dụng CSXH nhằm giúp bà con tiếp cận nguồn vốn kịp thời, đúng đối tượng, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội thiết thực.
Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn vốn vay mang lại hiệu quả. Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH cùng các tổ chức được ủy thác đã chủ động thực hiện các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng và việc chấp hành các quy trình, thủ tục cho vay. Nâng cao chất lượng hoạt động giao dịch tại các xã, phường, thị trấn, hoạt động của Tổ Tiết kiệm và vay vốn. Hạn chế thấp nhất các khoản nợ đọng, chú trọng xử lý các khoản nợ bị rủi ro từ nguyên nhân khách quan, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách vượt qua khó khăn dần ổn định cuộc sống.
Giai đoạn 2014-2024, nguồn vốn tín dụng CSXH đã góp phần giúp 21.453 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, tạo việc làm, thu nhập cho 28.191 lao động; 17.472 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; 18 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài và nhiều kết qủa quan trọng khác. Đặc biệt 197 khách hàng là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn với số tiền trên 16 tỷ đồng theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, từ đó góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và trật tự xã hội. Hoạt động hiệu quả của Ngân hàng cũng góp phần ngăn chặn, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn. Ông TRƯƠNG THANH DŨNG, Bí thư Đảng ủy, |
Nguồn vốn tín dụng CSXH đã giúp hàng ngàn hộ DTTS tỉnh Bình Phước thoát nghèo bền vững |
Từ năm 2021, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Bình Phước đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 713/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp trong công tác thu hồi nợ đối với các hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất có vay vốn tại Ngân hàng CSXH trên địa bàn tỉnh. Từ chủ trương này, Ngân hàng phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật đã thu hồi được 10,4 tỷ đồng từ 270 hộ vay. Đến 30/9/2024, nợ quá hạn và khoanh nợ còn 4,8 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,10% trên tổng dư nợ, giảm 5,58 tỷ đồng so với năm 2014.