Xét tặng danh hiệu nghệ sĩ: Đến hẹn lại… ồn ào!
Theo danh sách hồ sơ được đưa ra lấy ý kiến trong khoảng thời gian từ ngày 26/7 đến hết ngày 16/8, trước khi Hội đồng cấp Nhà nước họp theo quy định thuộc các lĩnh vực: Âm nhạc, Điện ảnh, Múa, Phát thanh - Truyền hình, Sân khấu, có những cái tên ít được công chúng biết tới lại có tên trong danh sách phong danh. Ngược lại, nhiều tên tuổi nghệ sĩ tạo được dấu ấn sâu đậm trong lòng khán, thính giả cả nước hoặc đã để lại những dấu ấn trên trường quốc tế lại không lọt vào danh sách phong tặng lần thứ 10 này.
NSƯT Lê Thiện |
Một số ý kiến tập trung phân tích và chỉ ra trong công tác xét duyệt danh hiệu NSND và NSƯT của chúng ta thường có những bất cập. Đơn cử như trong mùa xét danh hiệu lần này, trong danh sách thông qua, có rất nhiều nghệ sĩ từ khi đạt danh hiệu NSƯT tính đến thời điểm hiện tại, chuẩn bị được phong tặng NSND lại chưa có thêm một vai diễn, hoạt động có dấu ấn nào, ngoại trừ việc đã xếp đủ huy chương, theo quy định. Bên cạnh đó, nhiều nghệ sĩ kỳ cựu như: NSƯT Lê Thiện, NSƯT Ngọc Khanh (hát bội), NSƯT Thoại Mỹ... lại không có tên.
Đáng chú ý, trường hợp của NSƯT Lê Thiện, sinh năm 1945, tham gia đoàn Văn công Nam bộ từ năm 11 tuổi, từng cùng nhiều nghệ sĩ đi lưu diễn tại nhiều nước trong thời kỳ chống Mỹ. Sau 1975, bà về công tác tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, tham gia nhiều vở diễn. Ở tuổi 77, sau khi rời sân khấu - khi nhiều nghệ sĩ lui về an hưởng tuổi già, bà vẫn vào Nam ra Bắc miệt mài đóng phim, tham gia dạy nghề cho lứa diễn viên trẻ. Về phim ảnh, bà có nhiều vai diễn để lại ấn tượng trong lòng công chúng như “Dù gió có thổi”, “Vừa đi vừa khóc”, “Thưa mẹ con đi”, “Phượng Khấu”…
Bên cạnh đó, dư luận cũng quan tâm đến hai anh em NSƯT Quốc Cơ và NSƯT Quốc Nghiệp khi cùng không có tên trong danh sách xét NSND đợt này. Đây là hai nghệ sĩ có nhiều hoạt động nổi bật trong lĩnh vực xiếc thời gian gần đây, tên tuổi được truyền thông quốc tế nhắc đến.
Cũng xin được nói ngay rằng, các hội đồng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đã có Nghị định 40/2021/NĐ-CP để căn cứ. Theo Nghị định này, tiêu chuẩn để xét tặng danh hiệu NSND yêu cầu nghệ sĩ phải có ít nhất 2 giải vàng quốc gia (trong đó có 1 giải vàng cá nhân). Nếu không có giải vàng cá nhân, nghệ sĩ sẽ phải có ít nhất 3 giải vàng quốc gia. Với danh hiệu NSƯT, nghệ sĩ phải có ít nhất 1 giải vàng quốc gia và 2 giải bạc quốc gia (trong đó có 1 giải vàng cá nhân)...
Với những cá nhân có cống hiến nổi trội, tài năng nghệ thuật xuất sắc nhưng thiếu giải thưởng theo quy định sẽ được hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá; trường hợp đặc biệt trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.
So với Nghị định 89/2014/NĐ-CP trước đây thì Nghị định 40/2021/NĐ-CP được cho là đã hoàn thiện hơn trong việc xét tặng danh hiệu để “không bỏ sót tài năng”. Thế nhưng, khi đi vào thực tế, mùa xét tặng danh hiệu nghệ sĩ theo Nghị định 40/2021/NĐ-CP vẫn gây bức xúc, tranh cãi ồn ào - không kém những mùa xét tặng trước.
Do đang trong quá trình lấy ý kiến về danh sách 139 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 348 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT nên các ý kiến đóng góp, phản biện đều được cơ quan có liên quan tổng hợp, lắng nghe.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức chính thức đề xuất xét lại danh hiệu cho một số nghệ sĩ. Đề xuất này nhằm ghi nhận những cống hiến bền bỉ của các nghệ sĩ, phát huy, quảng bá rộng rãi loại hình nghệ thuật truyền thống cho thế hệ trẻ hiện nay; đồng thời góp phần động viên các nghệ sĩ trong điều kiện hoạt động nghệ thuật truyền thống ngày càng khó khăn.
Cụ thể, có ba nghệ sĩ ở lĩnh vực cải lương, gồm: nghệ sĩ Nguyễn Thị Nguyệt (NSƯT Thanh Nguyệt), nghệ sĩ Đặng Thị Thiện (NSƯT Lê Thiện) và nghệ sĩ Nguyễn Thị Ngọc Mỹ (NSƯT Thoại Mỹ). Ở lĩnh vực hát bội có ba nghệ sĩ, gồm: nghệ sĩ Nguyễn Thị Ngọc Khanh (NSƯT Ngọc Khanh), nghệ sĩ Trịnh Công Danh (NSƯT Linh Hiền) và nghệ sĩ Nguyễn Kim Dung (NSƯT Kim Dung).
Trước đó, hội đồng cấp thành phố đã xem xét hồ sơ từng nghệ sĩ, đối chiếu với các quy định, tiến hành bỏ phiếu và thống nhất với tỷ lệ 100% thành viên thống nhất đề xuất Hội đồng cấp Nhà nước xem xét tặng danh hiệu NSND đối với 35 nghệ sĩ và danh hiệu NSƯT đối với 65 nghệ sĩ.
Cũng theo UBND TP.HCM, sau khi Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần 10 thì phát sinh nhiều tranh luận trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội về các trường hợp nghệ sĩ lớn tuổi, có hoạt động, cống hiến lâu năm nhưng không được hội đồng chuyên ngành thông qua.
Trước những băn khoăn của dư luận, bà Nghiêm Thị Thanh Nguyệt - Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) khẳng định, tất cả công việc liên quan tới việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đều được thực hiện công khai, minh bạch.
"Trước khi kết thúc cuộc họp, hội đồng đã biết kết quả kiểm phiếu và sau khi kết thúc, tất cả thành viên hội đồng đều cảm thấy kết quả bỏ phiếu phù hợp với những đánh giá chung", bà Nguyệt thông tin, đồng thời cho biết hội đồng cũng đã trao đổi lại với các nghệ sĩ về lý do chưa đủ tỷ lệ phiếu.
Ngoài ra, cơ chế xét duyệt năm nay thay đổi so với hai đợt xét năm 2015 và 2018. Trong hai đợt xét trước đó, tỷ lệ đồng thuận phải trên 90% số thành viên hội đồng có mặt tại cuộc họp nhưng năm nay, tỷ lệ này giảm còn 80%.