Cần đặt quyền lợi người tiêu dùng lên hàng đầu
10:13 | 04/05/2020
Do dịch bệnh nên tâm lý hạn chế tiếp xúc nơi đông người khiến người tiêu dùng lựa chọn mua sắm trực tuyến nhiều hơn, đây cũng là xu hướng phát triển của tương lai.
Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, không dừng lại ở việc bảo vệ sức khỏe, Việt Nam còn thành công trong đảm bảo và ổn định kinh tế - xã hội, trong đó có ổn định thị trường hàng hóa, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, bất ổn cung - cầu, tăng giá.
![]() |
Ảnh minh họa |
Để đạt được điều đó, ngoài sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ban ngành, không thể không kể đến sự đồng lòng, góp công góp sức của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Bên cạnh việc vừa phải lo cung cấp kịp thời và đầy đủ hàng hóa, bình ổn thị trường và đảm bảo chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp cũng đã có những sáng kiến, đóng góp thiết thực, hy sinh quyền lợi vì cộng đồng, vì người tiêu dùng đồng hành cùng Chính phủ và toàn dân chống dịch.
Do dịch bệnh nên tâm lý hạn chế tiếp xúc nơi đông người khiến người tiêu dùng lựa chọn mua sắm trực tuyến nhiều hơn, đây cũng là xu hướng phát triển của tương lai.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã ban hành chương trình hành động, trong đó có những chỉ đạo điều hành, quản lý và phát triển thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam. Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) nhanh chóng vào cuộc, phối hợp với các doanh nghiệp đưa hàng hoá Việt lên các sàn giao dịch lớn. Sớm chỉ đạo các sàn rà soát các sản phẩm, chống hàng giả hàng nhái, ưu tiên hiển thị các sản phẩm chống dịch, các nhu yếu phẩm cung cấp trong dịch. Đẩy mạnh triển khai hệ thống giải quyết khiếu nại bảo vệ người tiêu dùng. Đồng thời xử lý nghiêm hiện tượng các gian hàng bán thiết bị phòng dịch tăng giá... Tính đến cuối tháng 4, đã xử lý được khoảng 17 nghìn gian hàng và khoảng 38.400 sản phẩm vi phạm, bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số cho biết.
Ngoài ra, Cục còn đưa ra nhóm giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp cả trước mắt cũng như về lâu về dài như: Phát động chương trình người tiêu dùng dùng hàng nông sản Việt trên Gian hàng trực tuyến Việt Nam; xây dựng nền tảng ứng dụng TMĐT ứng phó tình huống khẩn cấp; huy động sự tham gia của các công ty chuyển phát và hệ thống thanh toán trung gian để cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp tham gia quy trình TMĐT trọn gói; đẩy mạnh triển khai hệ thống quản lý, giám sát và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng trên môi trường TMĐT thông qua cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT tại Việt Nam (online.gov.vn) nhằm kịp thời giải quyết tranh chấp, khiếu nại trên môi trường trực tuyến.
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp kinh doanh trên các ứng dụng TMĐT và cũng là xu thế tất yếu, song phải đăng ký với Bộ Công thương. Điều này vừa giúp doanh nghiệp tăng được uy tín với cộng đồng vừa tránh được các tình huống về công tác hậu kiểm, đồng thời cũng giúp người tiêu dùng tiện kiểm tra thông tin trước khi mua, bà Huyền chia sẻ thêm.
Về phía khách hàng, hãy là người tiêu dùng thông minh bằng việc mua hàng trên các sàn giao dịch điện tử thông qua các sàn thương mại đã đăng ký với Bộ Công thương. Tra cứu trước khi mua hàng, tìm hiểu các quy định của các sàn để ghi lại lịch sử giao dịch, nếu có tranh chấp xảy ra, cơ quan liên quan có thể hỗ trợ kịp thời.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần lưu ý, khi truy cập một trang TMĐT, hãy kéo xuống cuối trang xem ứng dụng đã đăng ký chưa, có nhiều trường hợp mạo danh đã xảy ra. Một gian hàng uy tín, khi người tiêu dùng truy cập sẽ có đường dẫn vào trang thông tin, nêu rõ tên công ty, địa chỉ, mã số thuế... như vậy mới là wesite chính xác, ông Hồ Tùng Bách, Phó trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng chia sẻ.
Hữu An