Để mục tiêu có 1,5 triệu doanh nghiệp không là xa vời
11:19 | 31/10/2022
Mục tiêu có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 và 2 triệu vào năm 2030 hoàn toàn không xa vời nếu một bộ phận trong khu vực hộ kinh doanh cá thể hiện nay chuyển đổi thành doanh nghiệp. Tuy nhiên điều này lại rất khó đạt được với cách làm (khuyến khích) như hiện nay, theo các chuyên gia.
Mục tiêu xa, gần và khoảng cách từ thực tế
Một quốc gia hùng cường và thịnh vượng không thể thiếu vai trò và đóng góp của lực lượng doanh nghiệp (cả về số lượng, chất lượng, năng lực cạnh tranh và thương hiệu). Theo tính toán, để trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, Việt Nam cần có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp (theo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021 - 2030), tức tăng hơn 1,1 triệu so với hiện nay.
Làm một phép tính đơn giản, từ nay đến 2030 chúng ta còn 8 năm nữa, tức mỗi năm cần tăng bình quân khoảng 137,5 nghìn doanh nghiệp để đạt mục tiêu đề ra. Con số tăng này đã bao gồm cả các doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, đồng nghĩa với số lượng doanh nghiệp thành lập mới sẽ phải cao hơn rất nhiều để bù đắp lại cho số doanh nghiệp rút lui. Điều đó cho thấy giữa mục tiêu và thực tế đang là khoảng cách rất lớn.
![]() |
Cách tiếp cận đúng đắn hơn là tạo ra loại hình doanh nghiệp phù hợp với hộ kinh doanh cá thể |
Như vậy tạm chưa nói đến vấn đề chất lượng, chỉ riêng vấn đề đạt được mục tiêu về số lượng doanh nghiệp theo các lộ trình đã đặt ra cũng đã khiến các nhà hoạch định chính sách không khỏi đau đầu. Tăng được số lượng doanh nghiệp thành lập mới (cao hơn so với số lượng tăng trung bình hàng năm như hiện nay), trong khi giảm được số doanh nghiệp gặp khó khăn, phải rút lui khỏi thị trường là cách để đạt được các mục tiêu đặt ra. Đây là vấn đề ai cũng nhìn thấy và muốn theo đuổi, nhưng quan trọng là làm thế nào?
Tuy nhiên, thực tế, các mục tiêu như kể trên hoàn toàn không xa vời nếu một bộ phận trong khu vực hộ kinh doanh cá thể hiện nay chuyển đổi thành doanh nghiệp. Để phát triển lực lượng doanh nghiệp, Quốc hội cũng xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là cần triển khai hiệu quả các biện pháp khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Tuy nhiên theo các chuyên gia, các mục tiêu trên lại rất khó đạt được với cách làm như hiện nay.
Theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, những đề xuất như quy định hộ kinh doanh thành doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp, hay xây dựng luật riêng về hộ kinh doanh là rất đáng lo ngại, bởi vừa phá vỡ cấu trúc của Luật Doanh nghiệp, vừa gây mâu thuẫn với hệ thống pháp luật hiện hành và không dựa trên các nguyên tắc về phương diện khoa học pháp lý cũng như các thông lệ quốc tế.
“Dùng mệnh lệnh hành chính hay bắt buộc các hộ kinh doanh đăng ký theo Luật Doanh nghiệp cũng không mang lại hiệu quả, thậm chí gây tổn hại cho sự phát triển của khu vực hộ kinh doanh. Cách tiếp cận đúng đắn hơn là tạo ra loại hình doanh nghiệp phù hợp với hộ kinh doanh cá thể, để họ tự nguyện đăng ký hoặc đăng ký lại được dễ dàng, trên cơ sở họ tự cân đối về những lợi ích và chi phí của việc đăng ký lên doanh nghiệp”, TS. Lê Duy Bình khuyến nghị.
Theo đó, Luật Doanh nghiệp cần “dọn chỗ” cho hộ kinh doanh cá thể để họ tự lựa chọn, thay vì dùng biện pháp bắt buộc. Đề xuất cụ thể chuyên gia này cho rằng, cải cách hình thức pháp lý về doanh nghiệp tư nhân đang quy định trong Luật Doanh nghiệp sẽ là một trong những chìa khóa chính để khuyến khích hộ kinh doanh tự nguyện chuyển đổi thành doanh nghiệp, đảm bảo việc chuyển đổi này bền vững và hỗ trợ tốt hơn cho hộ kinh doanh sau khi chuyển đổi.
Cần dựa vào nguyên tắc thị trường
Theo kinh nghiệm quốc tế, hình thức doanh nghiệp cá thể hay doanh nghiệp một chủ (tức doanh nghiệp tư nhân theo cách gọi của Việt Nam) được ưa chuộng ở nhiều nước.
“Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân tham gia chính thức vào cộng đồng doanh nghiệp dưới ngôi nhà chung của Luật Doanh nghiệp, việc đầu tiên cần làm là thay đổi thuật ngữ “doanh nghiệp tư nhân” thành “doanh nghiệp cá thể” hay “doanh nghiệp một chủ”, nhằm phản ánh đúng hơn bản chất pháp lý của loại hình doanh nghiệp này”, chuyên gia này gợi ý.
Tiếp đó, cần dành một chương riêng trong Luật Doanh nghiệp cho các doanh nghiệp cá thể hay doanh nghiệp một chủ (sau khi đổi tên theo quy định mới). Chương này sẽ quy định rõ khu vực doanh nghiệp này sẽ áp dụng các chế độ về kế toán, báo cáo tài chính theo các nguyên tắc đơn giản, chi phí thấp và các quy định pháp luật khác, phù hợp với bản chất của doanh nghiệp một chủ, thay vì họ phải tuân thủ toàn bộ các quy định giống như các công ty khác như hiện nay.
Đồng thời, Luật Doanh nghiệp cũng cần quy định rõ các doanh nghiệp cá thể hay doanh nghiệp một chủ sẽ được đăng ký ở cấp quận, huyện (thay vì tại phòng đăng ký kinh doanh ở cấp tỉnh, thành phố như hiện nay), cùng cấp với nơi hộ kinh doanh cá thể hiện đang đăng ký kinh doanh.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phân quyền về chức năng, nhiệm vụ cũng như hệ thống quản lý kinh doanh trực tuyến xuống các quận, huyện trên toàn quốc để thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh, qua đó giúp giảm chi phí đi lại, chi phí đăng ký kinh doanh theo hình thức doanh nghiệp này.
Chuyên gia này cũng đề xuất, trong vòng 5 năm sau khi các quy định trên có hiệu lực, người dân có thể lựa chọn đăng ký thành lập theo hình thức hộ kinh doanh cá thể như hiện tại, hay theo hình thức doanh nghiệp cá thể hay doanh nghiệp một chủ theo quy định mới, tức là các hộ kinh doanh cá thể hiện tại không bị bắt buộc phải đăng ký lại hoặc chuyển đổi thành doanh nghiệp (trừ các hộ kinh doanh lớn và có rủi ro về thuế). Sau 5 năm, sẽ chỉ còn hình thức doanh nghiệp cá thể hay doanh nghiệp một chủ để người dân lựa chọn khi đăng ký kinh doanh theo hình thức doanh nghiệp một chủ, tự doanh.
“Tôi tin những thay đổi như vậy sẽ giúp chúng ta tiến gần hơn giấc mơ 1,5 triệu doanh nghiệp và xa hơn là 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong tương lai”, TS. Lê Duy Bình nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, việc xây dựng và thực thi chính sách cần theo nguyên tắc của thị trường, tôn trọng tư duy thị trường. Việc lạm dụng công cụ hành chính phải thay đổi, phải giảm can thiệp hành chính vào các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; khâu thực thi chính sách, thực thi pháp luật cũng rất quan trọng để người dân, doanh nghiệp và thị trường yên tâm.
Cùng với đó, cần có các giải pháp hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp nâng chất lượng về quản trị doanh nghiệp và tự thân các doanh nghiệp cũng cần chú trọng đến vấn đề này. Khi quản trị hiệu quả, kinh doanh hiệu quả sẽ giúp giảm thiểu số lượng doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thực tiễn quản trị công ty ở Việt Nam vẫn còn khoảng cách rất lớn. “Việc thực hiện quản trị công ty chủ yếu nhằm đối phó, tuân thủ các yêu cầu quy phạm nhiều hơn là tự nguyện cam kết nâng cao thực tiễn quản trị trong doanh nghiệp”, chuyên gia này nhận xét.
Trong khi đó, quản trị công ty có hiệu quả giúp cho doanh nghiệp thích ứng tốt hơn đối với những thay đổi trong môi trường hoạt động. Quản trị tốt không phải chỉ là áp dụng đúng luật một cách hình thức hoặc thiên cưỡng. Hiểu một cách đơn giản, quản trị tốt là vì lợi ích của chính doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với khủng khoảng và đi lên.
Khi doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng lên và số rút lui giảm đi sẽ giúp hiện thực hóa mục tiêu có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp đã đặt ra và quan trọng hơn là chất lượng, sự phát triển bền vững của doanh nghiệp được nâng lên.
Đỗ Phạm