SVB ảnh hưởng hạn chế tới các ngân hàng Eurozone
07:03 | 15/03/2023
Theo các nhà giám sát thuộc khu vực đồng tiền chung (Eurozone), sự sụp đổ của 2 ngân hàng tại Mỹ là Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank (SB) tác động không lớn đến hệ thống ngân hàng trong khu vực, song cũng cảnh báo về sự cần thiết phải theo dõi chặt chẽ bất kỳ sự lan tỏa nào nữa.
Sự sụp đổ của SVB và SB đã làm rúng động thị trường tài chính toàn cầu. Nhưng một giám sát viên cấp cao của NHTW châu Âu (ECB) cho biết, các ngân hàng khu vực Eurozone có thanh khoản và nền tảng tốt hơn SVB và SB.
Nguồn tin này cho biết, các giám sát viên không thấy tác động trực tiếp của sự sụp đổ của SVB và SB đối với các ngân hàng khu vực, nhưng cũng cảnh báo điều này có thể thay đổi nếu sự cố này lan rộng sang các ngân hàng lớn hơn. Tuy nhiên, hiện Ban giám sát của ECB - cơ quan giám sát ngân hàng lớn nhất khu vực không thấy cần thiết phải tổ chức một cuộc họp khẩn cấp, nguồn tin cho biết thêm.
![]() |
Ảnh minh họa |
Cũng theo nguồn tin trên, các ngân hàng khu vực đồng euro đã thực hiện tốt việc chuyển tài sản từ các danh mục giao dịch danh mục đầu tư “giữ đến ngày đáo hạn”, nghĩa là họ không phải tính đến giá thị trường thấp hơn do lãi suất tăng.
Trong khi Marco Troiano - Giám đốc của Scope Ratings lưu ý rằng, các cơ quan giám sát khu vực đồng euro đã áp dụng các yêu cầu thanh khoản nghiêm ngặt nhất đối với tất cả các ngân hàng có tài sản trị giá hơn 30 tỷ euro, trong khi ngưỡng này đối với các ngân hàng ở Mỹ là 250 tỷ USD. SVB - ngân hàng bị phá sản vào tuần trước có tổng tài sản khoảng 209 tỷ USD.
“Việc giám sát các ngân hàng cỡ trung bình ở châu Âu mạnh mẽ hơn, bao gồm cả việc cấp vốn và thanh khoản”, Troiano cho biết và nói thêm: “Chưa có sự đảo ngược các quy định sau khủng hoảng ở châu Âu, không giống như ở Mỹ”.
Hiện trong số các cơ quan chức năng quốc gia chịu trách nhiệm về các ngân hàng nhỏ hơn, chỉ có NHTW Đức (Bundesbank) đã chính thức triệu tập nhóm xử lý khủng hoảng của mình. Cơ quan này được tạo ra vào thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua và có nhiệm vụ thông báo cho hội đồng quản trị của Bundesbank và đưa ra các khuyến nghị, nhưng cơ quan này không có quyền đưa ra quyết định.
Trong khi người phát ngôn của ECB từ chối bình luận thì người phát ngôn của Banque de France cho biết, họ không tiến hành cuộc họp khủng hoảng. Còn Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết “không có cảnh báo cụ thể nào đối với hệ thống ngân hàng Pháp, vốn rất vững chắc”, nhưng ông đang "theo dõi tình hình". Bộ Tài chính Ý thì cho biết, họ tin tưởng các nhà chức trách châu Âu sẽ can thiệp “với sự kịp thời” như đối tác tại Mỹ nếu cần.
Các nhà phân tích của Morgan Stanley cũng ước tính rằng, các ngân hàng khu vực đồng euro sẽ không bị buộc phải bán lỗ trái phiếu nhờ vào quỹ tiền mặt hiện tại của họ.
Tuy nhiên, có một điểm khác biệt chính: Mỹ có một chương trình bảo hiểm tiền gửi duy nhất, đã được kích hoạt hôm 13/3 để giải cứu khách hàng của SVB, trong khi mỗi quốc gia trong số 20 quốc gia dùng chung đồng euro lại có một chương trình riêng và khả năng của nó cuối cùng bị hạn chế bởi khả năng bảo vệ người gửi tiền của chính phủ của mỗi quốc gia.
Điểm đáng lưu ý nhất hiện nay là sự sụp đổ của SVB và SB đang khiến các nhà đầu tư đặt câu hỏi về việc ECB có tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách diễn ra hôm thứ Năm tuần này. Hiện thị trường tiền tệ đang định giá 60% cơ hội ECB chỉ tăng lãi suất chỉ 25 điểm cơ bản, phản ánh lo ngại rằng sự bất ổn của thị trường sẽ cản trở cuộc chiến chống lạm phát của cơ quan này.
Mai Ngọc