Sụp đổ của SVB sẽ tác động tới lĩnh vực công nghệ
10:16 | 17/03/2023
Các nhà đầu tư cho rằng, sự sụp đổ của SVB (sự kiện sụp đổ ngân hàng lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008) - với vai trò từng là trụ cột của nhiều công ty khởi nghiệp và quỹ đầu tư mạo hiểm trên khắp thế giới - sẽ có thể được cảm nhận trong toàn ngành công nghệ toàn cầu trong những năm tới.
![]() |
Ảnh minh họa |
“Với việc SVB về bản chất là “Bố già” của hệ sinh thái ngân hàng Thung lũng Silicon trong vài thập kỷ qua trong thế giới công nghệ, chúng tôi tin rằng tác động tiêu cực của sự sụp đổ lịch sử này sẽ còn kéo dài đối với thế giới công nghệ trong tương lai”, Dan Ives, chuyên gia phân tích tại Wedbush Securities, cho biết trong một báo cáo vừa đưa ra.
Sự sụp đổ của SVB vào tuần trước, dù sau đó đã nhanh chóng có sự can thiệp của các cơ quan quản lý nhằm ngăn chặn sự lây lan thêm nhưng vẫn có khả năng tác động đến thế giới công nghệ theo nhiều cách, từ việc khiến các công ty khởi nghiệp khó huy động vốn hơn đến việc buộc các công ty phải thay đổi mô hình kinh doanh của họ.
SVB rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành công nghệ, không chỉ ở Hoa Kỳ mà còn ở những nơi khác như châu Âu. Tổ chức có 40 tuổi đời này có mối liên hệ mật thiết với thế giới công nghệ thông qua cung cấp các dịch vụ ngân hàng truyền thống cũng như sẵn sàng tài trợ cho các công ty được coi là “quá rủi ro” đối với những nhà băng cho vay truyền thống. Ở thời điểm thuận lợi, SVB đã phát triển mạnh. Nhưng trong năm qua, việc Fed liên tục tăng lãi suất đã gây tổn hại cho ngành công nghệ từng phát triển mạnh trước đó. Môi trường tài trợ trở nên khó khăn hơn đối với các công ty khởi nghiệp ở Hoa Kỳ, châu Âu và nhiều nơi khác.
Sự sụp đổ của SVB xảy ra vào thời điểm vốn đã rất khó khăn đối với các nhà đầu tư khởi nghiệp. Các công ty khởi nghiệp đã phải thắt lưng buộc bụng trong khi các gã khổng lồ công nghệ cắt giảm hàng chục nghìn công nhân để cắt giảm chi phí trong thời gian qua. Trong một môi trường khó khăn như vậy, SVB đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp hạn mức tín dụng hoặc các công cụ khác cho phép các công ty khởi nghiệp trả lương cho nhân viên của họ hoặc vượt qua thời kỳ khó khăn.
“Có thể nói SVB thống trị đối với lĩnh vực này, bởi không chỉ cung cấp dịch vụ trả lương, các khoản vay cho những người sáng lập, mà còn cả các hạn mức tín dụng. Và rất nhiều công ty trong số này đang gặp khó khăn khi huy động vốn chủ sở hữu và họ đang trông cậy vào các hạn mức của SVB để vượt giai đoạn khó khăn này”, Matt Higgins, Giám đốc điều hành của RSE Ventures nói và thừa nhận: “Nhưng điều đó đã bốc hơi chỉ sau một đêm và giờ sẽ không có nhà cho vay nào khác sẽ bước vào để lấp đầy những khoảng trống đó”.
Tuy nhiên cũng có nhiều người cho rằng, sự sụp đổ của SVB có thể sẽ giúp các công ty khởi nghiệp hướng đến việc kỷ luật hơn với chi tiêu và hoạt động kinh doanh của họ trong tương lai. “Các công ty sẽ phải khởi động lại cách họ nghĩ về hoạt động kinh doanh của mình”, theo Adam Singolda, Giám đốc điều hành của Taboola. Trong khi đó, Hussein Kanji, đồng sáng lập Hoxton Ventures có trụ sở tại London, tin rằng trong ba năm tới sẽ có nhiều cuộc tái cơ cấu hơn tại các công ty, mặc dù một số đến nay vẫn đang cố gắng trì hoãn làm việc này. “Tôi thấy đang có rất nhiều hành động trì hoãn không cần thiết. Cần làm những việc khó khăn, tìm kiếm giải pháp cho vấn đề của mình chứ không nên trì hoãn nữa”, Kanji nói.
Chuyên gia Dan Ives tại Wedbush Securities cho rằng, tới đây có thể sẽ có nhiều công ty gặp khó khăn hơn, trong đó các công ty khởi nghiệp công nghệ ở giai đoạn đầu yếu hơn có thể sẽ buộc phải bán hoặc đóng cửa. “Tác động từ sụp đổ của SVB tuần trước sẽ có tác động lan tỏa lớn trên toàn ngành công nghệ và Thung lũng Silicon trong nhiều năm tới theo quan điểm của chúng tôi”, Dan Ives dự báo.
Đỗ Phạm