Doanh nghiệp Việt - Nhật hợp tác phát triển công nghiệp hỗ trợ
08:00 | 05/03/2024
Chiến lược công nghiệp hóa Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt - Nhật đã được Chính phủ hai nước triển khai từ nhiều năm qua. Tháng 12/2023, tại Tokyo, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã tái khẳng định và thống nhất hỗ trợ Việt Nam công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công, trong đó nguồn nhân lực của Việt Nam là không thể thiếu đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Nhật Bản.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, TP. Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội và Tập đoàn N&G (Chủ đầu tư Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội - HANSSIP) phối hợp với Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản cùng với 9 doanh nghiệp hội viên thuộc Kobe Aero Network (KAN) vùng Kobe Nhật Bản tổ chức lễ ký thỏa thuận hợp tác để hình thành Tổ hợp Techno - Park Việt Nam - Nhật Bản. Việc ký kết này sẽ giúp các doanh nghiệp Nhật Bản cùng với các doanh nghiệp Việt Nam liên kết sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ với hàm lượng công nghệ cao thế hệ mới, phù hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu của Nhật Bản.
![]() |
“Chúng tôi khẳng định rằng các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam có đầy đủ tiềm lực, khả năng, kinh nghiệm, lao động và hạ tầng để cùng nhau hợp tác sản xuất, cùng nhau tham gia chuỗi sản xuất Nhật Bản và toàn cầu”, ông Nguyễn Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) nói.
Ông Onaga Masaru - Chủ tịch Công ty TNHH Onaga (Nhật Bản) chia sẻ, 9 doanh nghiệp hội viên thuộc KAN vùng Kobe Nhật Bản hiện đang sản xuất linh kiện máy bay, linh kiện robot về điện tử cho các công ty gia công cơ khí kỹ thuật cao. Các công ty đều được thành lập từ rất lâu, khoảng 45 - 50 năm. Hiện có 1 công ty đang hoạt động và đầu tư vào Việt Nam, các công ty còn lại lần đầu tiên tới Hà Nội để đánh giá thị trường. Họ đến Hà Nội để khảo sát việc hợp tác và đầu tư tại Việt Nam.
Theo ông Onaga Masaru: Hiện dân số Nhật Bản đang trong quá trình già hóa và nhân lực làm việc tại Nhật Bản cũng đang giảm nên chúng tôi đã tìm hướng đầu tư ra nước ngoài, nhất là những đất nước có nhiều người trẻ và đang trên đà phát triển. Trong Đông Nam Á, Việt Nam là nơi đầu tư an toàn. Do đó, việc hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội “cất cánh”.
“Các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản đã có sự hợp tác lâu dài. Chúng tôi mong muốn nhiều công ty của Nhật Bản sang hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân lực chất lượng cao, giúp đỡ các doanh nghiệp Việt Nam chế tạo, sản xuất các linh kiện của máy bay và tàu cao tốc”, ông Onaga Masaru cho biết.
Việc hình thành Tổ hợp Techno - Park Việt Nam - Nhật Bản tại HANSSIP chỉ là bước khởi đầu. Các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ và TP. Hà Nội tiếp tục hỗ trợ hình thành và phát triển Tổ hợp Techno - Park Việt Nam - Nhật Bản; có chính sách ưu đãi đặc biệt về thuế đối với các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại Khu công nghiệp HANSSIP; có chính sách hỗ trợ tuyển dụng, đào tạo lao động và tạo điều kiện, hướng dẫn cấp phép lưu trú dài hạn từ 5-10 năm cho các chuyên gia, lãnh đạo các công ty Nhật Bản…
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư sản xuất tại Khu công nghiệp HANSSIP sẽ được đáp ứng đầy đủ hạ tầng tiện ích với hệ sinh thái công nghiệp chuẩn mực quốc tế, như khu nhà xưởng tiêu chuẩn Nhật Bản và quốc tế, khu nhà ở công nhân - chuyên gia, trung tâm y tế, giáo dục... Đặc biệt là các chính sách ưu đãi cho HANSSIP như ưu đãi về thuế, về thời gian thuê đất 70 năm và tới đây khi Luật Thủ đô mới ra đời thì sẽ là điều kiện lý tưởng để TP. Hà Nội hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản.
Hải Yến