Ngân hàng cần thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng
08:52 | 26/09/2024
Cơn bão số 3 làm thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất kinh doanh của người dân, Thủ tướng Chính phủ đã có 10 Công điện chỉ đạo việc khẩn trương chủ động phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả cơn bão số 3 nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Agribank tạo điều kiện tốt nhất để khách hàng sớm khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống Bảo hiểm Agribank Nam Định kịp thời cứu hộ nhiều phương tiện giá trị cao |
Kịp thời triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành Ngân hàng đã khẩn trương, kịp thời thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Ông Phạm Toàn Vượng - Tổng Giám đốc Agribank cho biết, tại các khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai (bão, lũ), Agribank có 75 chi nhánh với tổng dư nợ cho vay nền kinh tế là gần 640 nghìn tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm gần 54% (xấp xỉ 342 nghìn tỷ đồng). Theo ông Vượng, thống kê sơ bộ đến thời điểm hiện tại, có 60/75 chi nhánh tại 25 tỉnh, thành phát sinh thiệt hại. Trong đó, gần 15.000 khách hàng vay của ngân hàng với ước tính dư nợ bị ảnh hưởng trên 30.000 tỷ đồng, dư nợ bị thiệt hại dự kiến gần 11.000 tỷ đồng.
Riêng tại tỉnh Quảng Ninh, ước tính có hơn 2.000 khách hàng bị ảnh hưởng, tổng dư nợ hơn 6.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ dự kiến thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng, dư nợ bị ảnh hưởng thuộc đối tượng Nghị định 55/2015/NĐ-CP là 650 tỷ đồng… Tuy nhiên, theo chia sẻ của lãnh đạo Agribank, con số thống kê trên vẫn chưa đầy đủ, chi tiết về thiệt hại đối với khách hàng do một số địa phương đang tập trung vào công tác khắc phục hậu quả sau bão, khách hàng cũng đang phân tích, đánh giá thiệt hại, một số nơi còn ngập sâu, thông tin liên lạc còn bị gián đoạn. Do đó, số lượng khách hàng, dư nợ, thiệt hại sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Ngay từ khi nhận được cảnh báo về cơn bão số 3, Agribank đã chủ động chỉ đạo các đơn vị trong hệ thống chuẩn bị sẵn sàng ứng phó, đảm bảo an toàn cho cán bộ, tài sản và hệ thống kho tiền, cơ sở vật chất, thường xuyên theo dõi chặt chẽ diến biễn thời tiết; bám sát chỉ đạo của chính quyền địa phương. Trong đó, người đứng đầu các đơn vị trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện; tạm dừng tất cả cuộc các cuộc họp, chương trình công tác, tập huấn, đào tạo... chưa thực sự cấp thiết để tập trung ứng trực, chỉ đạo xử lý khắc phục hậu quả, khôi phục hoạt động kinh doanh trở lại bình thường sớm nhất có thể, đảm bảo an toàn.
Ngay trong những ngày đầu sau bão, Agribank đã tổ chức các đoàn công tác trực tiếp làm việc với khách hàng để nắm bắt tình hình thiệt hại, chia sẻ khó khăn và có chính sách hỗ trợ phù hợp. Cụ thể, ngân hàng rà soát, thống kê và liên hệ với khách hàng để nắm bắt tình hình, thiệt hại và các khó khăn, đặc biệt là các khách hàng vay vốn. Từ đó, kịp thời triển khai các biện pháp hỗ trợ theo mức độ thiệt hại như xem xét miễn giảm lãi; chỉ xem xét thu bằng 100% mức lãi suất cho vay trong hạn đối với thời gian quá hạn trả nợ do các nguyên nhân khách quan; cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định; tiếp tục cho vay để khắc phục, tháo gỡ khó khăn...
Cùng với toàn ngành, Agribank triển khai chương trình giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng vay vốn bị thiệt hại do bão số 3. Đối với khoản vay có dư nợ nội bảng, Agribank căn cứ mức độ thiệt hại của khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và lũ lụt để điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,5%-2%/năm và miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ ngày 6/9/2024 đến hết ngày 31/12/2024; giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay so với lãi suất cho vay đối với khoản vay phát sinh từ ngày 6/9/2024 đến ngày 31/12/2024.
Với chính sách giảm lãi suất, Agribank mong muốn hỗ trợ khách hàng tối ưu hoá chi phí, có thêm nguồn lực để sớm vượt qua khó khăn, tái thiết sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống.
Mặc dù hoạt động cũng bị ảnh hưởng, thiệt hại cơ sở vật chất bởi bão và mưa, lũ, nhưng phát huy vai trò trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng, với tinh thần “tương thân tương ái”, Agribank đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, chung tay cùng các địa phương và người dân vượt qua khó khăn. Tổng số tiền Agribank đã tài trợ an sinh xã hội khắc phục hậu quả sau bão số 3 là 33 tỷ đồng; toàn thể cán bộ trong hệ thống Agribank dành 01 ngày lương để ủng hộ các tỉnh bị thiên tai khoảng 20 tỷ đồng. Hiện nay Agribank vẫn đang tiếp tục vận động cán bộ tham gia ủng hộ các chương trình do Trung ương và địa phương phát động.
![]() |
Lãnh đạo Agribank trao đổi, nắm bắt các thiệt hại của khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão, lũ |
Chung tay hỗ trợ tốt hơn cho khách hàng
Trong thời gian tới, lãnh đạo Agribank cho biết, ngân hàng sẽ khẩn trương thiết kế các chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão, mưa lũ với quy mô tối thiểu khoảng 20.000 tỷ đồng; Lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất cho vay thông thường 1%/năm đối với cho vay ngắn hạn, thấp hơn 0,5%/năm đối với cho vay trung, dài hạn. Đối với khách hàng doanh nghiệp, dự kiến triển khai đối với khách hàng hiện hữu bao gồm cả khách hàng được cơ cấu nợ và khách hàng vay mới với mức giảm lãi suất tối thiểu 0,5%/năm so với lãi suất thông thường từ nay đến cuối năm 2024.
Đồng thời, Agribank đang tiếp tục triển khai từ nay đến cuối năm 5 chương trình cho vay ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập đoàn/tổng công ty, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, tài trợ các dự án đầu tư với tổng quy mô 195.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay bình quân từ chỉ từ 3% đến dưới 7%/năm; triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi lãi suất với khách hàng cá nhân như chương trình cho vay OCOP quy mô 2.000 tỷ đồng, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống quy mô 15.000 tỷ đồng, cho vay trung, dài hạn phục vụ sản xuất kinh doanh quy mô 20.000 tỷ đồng,...
Để có thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng, lãnh đạo Agribank kiến nghị Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng các vùng bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai (bão, lũ). Trường hợp thiệt hại, ảnh hưởng trên phạm vi rộng, cần sớm có văn bản thông báo tình trạng thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên phạm vi rộng để hỗ trợ người dân, khách hàng vay vốn có điều kiện được khoanh nợ theo quy định pháp luật nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân, khách hàng.
Cùng với đó, Agribank sẽ chủ động trong phạm vi nguồn lực tài chính, nhưng cũng đề nghị các Bộ, ngành nghiên cứu hỗ trợ một số cơ chế chính sách để Agribank có thể tái đầu tư, hỗ trợ tốt hơn đối với khách hàng. Cụ thể như cơ chế chỉ tiêu chi phí, cơ chế trích lập và phân bổ dự phòng rủi ro, chỉ tiêu lợi nhuận; Cơ chế cơ cấu nợ thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão, lũ lụt trên cơ sở cân đối dòng tiền của khách hàng (thời hạn cơ cấu lại dựa trên dòng tiền, nguồn thu của khách hàng, không giới hạn tối đa theo chu kỳ sản xuất kinh doanh), không giới hạn thời điểm giải ngân, được áp dụng đối với khoản nợ đến hạn trước ngày 30/6/2025. Đồng thời, có cơ chế trích lập và phân bổ dự phòng rủi ro phù hợp cho các TCTD.
Ngoài ra, NHNN có hướng dẫn thống nhất việc miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng do bão, lũ lụt; kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 55/2015/NĐ-CP tạo cơ chế hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, khôi phục hoạt động, có nguồn thu trả nợ ngân hàng. Cụ thể, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ dựa trên dòng tiền, nguồn thu của khách hàng, không giới hạn tối đa theo chu kỳ sản xuất kinh doanh; đối tượng được hưởng chính sách khoanh nợ, hỗ trợ theo Nghị định 55 gồm các khách hàng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, du lịch, xây dựng; áp dụng đối với cả khách hàng thuộc địa bàn nông thôn nhưng thay đổi, sắp xếp lại địa bàn do đô thị hóa.
Phương Thảo