Ngành Ngân hàng thúc đẩy tín dụng, tạo động lực tăng trưởng kinh tế khu vực
08:41 | 27/03/2025
Từ ngày 21 – 25/3/2025, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã dẫn đầu Đoàn công tác làm việc với các NHNN chi nhánh, hệ thống TCTD tại khu vực 13 (Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh) và khu vực 14 (TP. Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng và Bạc Liêu). Đây là các khu vực đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long,.
Thống đốc làm việc với NHNN chi nhánh Khu vực 13 Sẽ điều chuyển vốn ở các vùng khác về Đồng bằng sông Cửu Long |
Đảm bảo hoạt động ngân hàng thông suốt sau sáp nhập
Tại các buổi làm việc, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp quan trọng của các lãnh đạo và cán bộ NHNN tại các chi nhánh, đặc biệt trong công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính. Thống đốc cũng nhấn mạnh tới các cán bộ, công chức, viên chức ngành Ngân hàng rằng việc sắp xếp bộ máy là một yêu cầu cần thiết để ngành hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nền kinh tế. Hơn thế mọi hoạt động của ngành Ngân hàng đều mang tính chất đặc thù và có liên quan trực tiếp đến đời sống xã hội. Do đó các tổ chức tín dụng cần tránh tình trạng đình trệ trong các giao dịch ngân hàng. Đặc biệt, việc sắp xếp lại các chi nhánh NHNN cần phải đảm bảo tính liên thông, nhưng tuyệt đối không để xảy ra tình trạng ách tắc, nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng cung cấp dịch vụ ngân hàng kịp thời cho người sử dụng.
“Mặc dù có sự thay đổi trong tổ chức bộ máy, các đơn vị vẫn phải đảm bảo hoạt động thanh toán diễn ra liên tục và thông suốt. Bởi lĩnh vực này liên quan trực tiếp đến các giao dịch của người dân và các khoản quyết toán của các đơn vị liên quan”, Thống đốc nhấn mạnh.
![]() |
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định Ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục đáp ứng tối đa nhu cầu vốn cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, các lĩnh vực ưu tiên và các thế mạnh của từng khu vực, vùng miền |
Qua các báo cáo và nắm bắt từ tình hình thực tế, Thống đốc đã ghi nhận những kết quả tích cực của các chi nhánh NHNN và các tổ chức tín dụng trong việc triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi, gói vay hỗ trợ các ngành trọng điểm; đồng thời khuyến khích các tổ chức tín dụng tiếp tục mở rộng tín dụng cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu, đặc biệt là trong các lĩnh vực nông nghiệp, chế biến thực phẩm, và công nghiệp chế tạo.
Thống đốc yêu cầu, NHNN chi nhánh Khu vực tiếp tục phát huy những kết quả tích cực này, bám sát chủ trương điều hành chính sách tiền tệ của NHNN Việt Nam và mục tiêu tăng trưởng kinh tế của các tỉnh để chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động tăng trưởng tín dụng, tập trung các giải pháp áp dụng công nghệ, tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm thêm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng.
Ngành Ngân hàng đáp ứng tối đa nhu cầu vốn cho kinh tế địa phương
Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, NHNN sẽ tiếp tục duy trì chính sách linh hoạt, bám sát các diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát để điều hành lãi suất, tỷ giá... Ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục đáp ứng tối đa nhu cầu vốn cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, các lĩnh vực ưu tiên và các thế mạnh của từng khu vực, vùng miền.
Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, trong đó tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong khu vực trên cơ sở bám sát các chủ trương, nghị quyết, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo đó, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm 2025 đồng thời hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng. Song song với đó kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Các tổ chức tín dụng cần xây dựng các sản phẩm tín dụng cho các ngành, lĩnh vực phù hợp với chiến lược kinh doanh, khả năng cân đối nguồn lực của mình. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư tín dụng vào các dự án, công trình trọng điểm khả thi phục vụ phát triển kinh tế xã hội của khu vực và các ngành, lĩnh vực thế mạnh của địa phương; Trong đó chú trọng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay của người dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, thu mua, tạm trữ, tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu chủ lực.
Riêng Khu vực 14, tăng trưởng tín dụng thấp hơn bình quân chung cả nước và nguồn vốn huy động tại chỗ của các TCTD chỉ đáp ứng được khoảng 77% cho tăng trưởng tín dụng trong khu vực. Số liệu thống kê cho thấy, tính đến cuối tháng 2/2025, tổng dư nợ tín dụng tại các tỉnh, thành phố trong khu vực ước đạt 387.350 tỷ đồng, tăng 0,42% so với cuối năm 2024 (thấp hơn tốc độ tăng tín dụng chung của cả nước 0,8%), chiếm 31,73% tổng dư nợ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm khoảng 2,46% tổng dư nợ nền kinh tế.
Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% để chuẩn bị cho giai đoạn tăng trưởng hai con số nhiều năm tiếp theo. Trong đó các tỉnh, thành phố trong khu vực 14 được giao chỉ tiêu tăng trưởng 8-9%.
Theo đó, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngành Ngân hàng sẽ thực hiện điều chuyển nguồn vốn ở các khu vực khác của đất nước về khu vực thiếu hụt nguồn vốn để hỗ trợ các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Khu vực 14 nói riêng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thống đốc cũng chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục triển khai các giải pháp ổn định lãi suất huy động và tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Quan điểm trên cũng được Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chia sẻ tại buổi làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre với cương vị là Trưởng đoàn công tác liên ngành của Chính phủ vào ngày 20/3.
Chuyến công tác của lãnh đạo NHNN không chỉ là cơ hội để đánh giá kết quả công tác tín dụng tại các khu vực, mà còn là dịp khẳng định cam kết của NHNN trong việc đáp ứng tối đa nhu cầu vốn cho nền kinh tế địa phương, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu đề ra 8% trong năm 2025.
Nhóm phóng viên