Vết gợn tranh, ảnh
09:14 | 09/01/2017
Hội họa và nhiếp ảnh nước ta thời gian qua đã có những bước phát triển không ngừng, thể hiện qua việc nhiều tác phẩm giàu giá trị, chất lượng đến với công chúng. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, hai lĩnh vực nghệ thuật này trong khoảng gần đây để lại một số vết gợn khi tranh vẫn bị làm giả để bán đấu giá, tác phẩm nhiếp ảnh thì bị dàn dựng thiếu tính nhân văn.
Một trong những nỗi trăn trở của ngành mỹ thuật Việt Nam trong những năm qua chính là chưa có một thị trường đúng nghĩa. Nhưng rất may, năm 2016, chúng ta đã được chứng kiến nhiều cuộc đấu giá tác phẩm mỹ thuật với những mức giá cao tương xứng với “chất xám” mà người nghệ sĩ đã bỏ ra, từ đó đánh dấu và mở ra cho mỹ thuật Việt một luồng sinh khí mới.
![]() |
Bức tranh giả Phố cổ Hà Nội gần đây được bán đấu giá 102.000 USD |
Cũng trong năm 2016, một Trung tâm đấu giá tác phẩm nghệ thuật đầu tiên ở Việt Nam được thành lập tại Hà Nội. Trung tâm này trưng bày các tác phẩm nghệ thuật để đấu giá, là nơi người dân có nhu cầu ký hợp đồng ủy quyền bán đấu giá hoặc tham quan triển lãm tài sản đấu giá, gặp gỡ, trao đổi về nghệ thuật. Mỗi phiên đấu giá có tối thiểu 5 tác phẩm nghệ thuật, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho mỹ thuật Việt.
Thế nhưng, cuối năm 2016, làng hội họa Việt lại trở nên xôn xao với sự việc một tác phẩm đấu giá lên đến tiền tỷ là... giả mạo. Theo đó, trong buổi đấu giá một số tác phẩm nghệ thuật nhằm gây quỹ từ thiện diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, bức tranh Phố cổ Hà Nội của danh họa Bùi Xuân Phái nằm trong bộ sưu tập của nhà sưu tập Đức Minh được bán với giá 102.000 USD (gần 2,3 tỷ đồng).
Khi bức tranh được bán đấu giá tiền tỷ gắn với tên danh họa Bùi Xuân Phái được công bố, giới trong nghề đã vào cuộc vì bấy lâu trên thị trường, tranh của danh họa họ Bùi được bán với giá trung bình 200.000 USD/tác phẩm.
Trao đổi với truyền thông về bức tranh Phố cổ Hà Nội được bán đấu giá tại TP. Hồ Chí Minh vừa qua, con trai danh họa Bùi Xuân Phái là họa sĩ Bùi Thanh Phương khẳng định bức tranh đấu giá từ thiện tiền tỷ là giả.
Họa sĩ Bùi Thanh Phương cho biết: “Hà Nội có 36 phố phường trong khu phố cổ nhưng có thể nói là không có nhiều góc phố có chất hội họa để Bùi Xuân Phái khai thác nên một góc phố được ông vẽ đi vẽ lại nhiều lần là điều không lạ nhưng ở mỗi bức, nhịp điệu, đường nét cùng sắc độ màu sắc và cảm xúc hoàn toàn khác nhau”.
Trong khi đó, họa sĩ Nguyễn Thanh Bình khi xem tác phẩm Phố cổ Hà Nội chia sẻ, không khó để nhận thấy bức tranh vừa đấu giá là giả mạo, trong đó dễ nhận biết nhất là các nét contour của họa sĩ Bùi Xuân Phái không bao giờ đều đặn, thẳng thắn như bức tranh đấu giá.
“Người nhái bức tranh này hoàn toàn không hiểu tình cảm và bút pháp của bác Phái khi vẽ những mái nhà xiêu vẹo... Cái xiêu vẹo, lô xô của bác Phái là ngẫu hứng có chủ ý bằng tay nghề điêu luyện, đường viền quanh hình của cố họa sĩ dày dặn và tình cảm” – họa sĩ Nguyễn Thanh Bình phân tích. Sự việc này dường như làm kìm nén thị trường mỹ thuật Việt đã, đang trên đà của sự chuyên nghiệp.
Nếu làng hội họa “dính” nỗi buồn về việc tranh giả vào thời điểm cuối năm 2016, thì nhiếp ảnh Việt đầu năm 2017 trở nên “nóng” với việc ảnh dàn dựng thiếu tính chuyên nghiệp và sự nhân văn.
Theo đó, trong cuộc thi ảnh Mùa xuân Đinh Dậu năm 2017 chủ đề Xuân quê hương do Hội Nhiếp ảnh TP.Hồ Chí Minh tổ chức, bức ảnh Xuân về trong cơn lũ đã lọt vào chung khảo khiến công chúng và giới nhiếp ảnh khá bất bình. Dĩ nhiên sự bất bình phải có nguyên do của nó.
Chẳng là bức ảnh Xuân về trong cơn lũ là sự sắp xếp từ thực tế nhưng rất phản cảm… vì bức ảnh được thực hiện trong lúc Hội An khốn khổ bởi lũ lụt, người dân đang phải gồng mình vượt thiên tai. Thế mà bức ảnh Xuân về trong cơn lũ chụp chiếc thuyền chở hoa, những người trong ảnh ngồi trên thuyền đi giữa phố cổ như biểu thị của niềm vui.
Nhiều người đặt ra câu hỏi với tác giả bức ảnh này: có ai lại gửi một bức ảnh lũ lụt để đi tham dự một cuộc thi ảnh chủ đề mùa xuân? Theo chia sẻ của một nhiếp ảnh gia hoạt động độc lập, vào những ngày anh bì bõm quay phim tại Hội An với biển nước mênh mông, nhiều lần anh gặp nhóm người mang thuyền hoa đi chụp ảnh và đó chính là ê-kíp thực hiện bức Xuân về trong cơn lũ. Thực tế thời điểm bức ảnh được sáng tác thì người dân Hội An đang gồng mình chống chọi với lũ lụt.
Xung quanh những bức xúc, những tranh cãi về bức ảnh Xuân về trong cơn lũ, Ban giám khảo cuộc thi ảnh cho biết, sau khi nghe các ý kiến đóng góp và phản biện từ công chúng, tác giả bức ảnh đã xin đổi tên thành Lũ ở Hội An.
Theo Hội đồng giám khảo cuộc thi ảnh, tác giả đã cố gắng nói lên thông điệp dù trong lũ lụt cũng không dập tắt hoa Xuân trong người dân. Trong một vấn đề có thể có nhiều góc nhìn khác nhau và bức ảnh được chọn vào vòng chung khảo. Dẫu vậy công chúng vẫn buồn phiền với bức ảnh này, bởi sự sắp xếp của nó không phù hợp với những gì thực tế đang diễn ra.
Khôi Nguyên