Giá đắt khi dùng ảnh miễn phí
08:27 | 12/04/2017
Việc sử dụng hình ảnh trên mạng vào tác phẩm nghệ thuật của không ít người ở nước ta hiện nay rất vô trách nhiệm, bộc lộ sự cẩu thả, thiếu sự đánh giá về độ xác thực, nội dung và nguồn gốc, xuất xứ của bức ảnh...
![]() | Cất cánh với “Cánh diều 2016” |
![]() | Vết gợn tranh, ảnh |
Hiện nay, mạng internet phát triển không ngừng đã giúp ích rất nhiều cho con người, trong đó có những người làm nghệ thuật. Chỉ cần vào một trang mạng tìm kiếm thông tin, hình ảnh được ưa dùng như Google, Yahoo... thì trong tích tắc kết quả đã đến với người sử dụng. Tuy nhiên từ đây, việc lấy hình ảnh trên mạng đưa vào phim, sách... ở nước ta dẫn đến những sai sót nghiêm trọng, đồng thời dấy lên sự phản cảm, tạo nhiều bức xúc trong dư luận.
![]() |
Chân dung nhân vật lịch sử (bên trái) trong phim Dạ cổ hoài lang biến thành… di ảnh |
Gần đây, dư luận xôn xao với việc trong phim “Dạ cổ hoài lang” (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng) vừa ra rạp đã mắc sai sót lớn khi dùng ảnh bà Tống Mỹ Linh (phu nhân của Tưởng Giới Thạch) lấy trên mạng ghép với nhân vật trong phim để làm ảnh thờ. Từ sự việc này tiếp tục cho thấy, việc sử dụng hình ảnh trên mạng vào tác phẩm của không ít tổ chức, cá nhân thời gian qua rất bừa bãi, cẩu thả và thiếu trách nhiệm.
Ngược dòng thời gian, đã có rất nhiều trường hợp lấy ảnh trên mạng dẫn đến sai sót từng làm nóng dư luận và khiến tất cả ngỡ ngàng. Điển hình tại Ngày thơ Việt Nam 2017 diễn ra tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) hồi rằm tháng Giêng, dọc lối vào là “Con đường thi nhân” thì có một pano giới thiệu về nhà thơ Hàn Mặc Tử, nhưng với những ai yêu thơ thi sĩ tài hoa bạc mệnh họ Hàn đã phát hiện gương mặt trên pano lại là nhà thơ Yến Lan.
Sau sự việc này, Ban tổ chức Ngày thơ Việt Nam 2017 đã có cuộc họp khẩn và cho báo giới biết, nhóm thực hiện in pano đã tìm ảnh trên mạng, do thời gian gấp gáp và thi công vào buổi tối nên việc kiểm soát hình ảnh khó khăn dẫn tới việc “râu ông này cắm cằm bà kia”.
Tương tự, trong lĩnh vực xuất bản, đến nay nhiều người vẫn nhớ việc một NXB lấy hình ảnh nghệ sĩ Công Lý trên mạng để in trang bìa, nhưng quá trình photoshop bức ảnh nghệ sĩ Công Lý trên bìa sách hết sức phản cảm với tạo hình “khoe thân”.
Cuối cùng, cuốn sách có bìa phản cảm nghệ sĩ Công Lý bị dừng lưu hành, cơ quan chức năng ngành xuất bản đã ra quyết định phạt hành chính đơn vị xuất bản cuốn sách này với nhiều lỗi khác nhau, tổng hợp số lỗi thì NXB phải nộp phạt cả trăm triệu đồng.
Ngoài ra, trong cuốn sách “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn từng có mặt các kệ sách trên toàn quốc bị phát hiện hình tác giả in trong lá cánh bìa 1 không phải là Lê Quý Đôn mà là…Nguyễn Trãi. Đơn vị xuất bản cho biết biên tập viên đã tìm hình ảnh từ trên mạng nhưng không đủ kiến thức để phân biệt đâu là Lê Quý Đôn và đâu là Nguyễn Trãi tạo sai sót nghiêm trọng. Cũng một trường hợp làm dậy sóng dư luận liên quan đến việc dùng hình ảnh trên mạng vào tác phẩm nghệ thuật, cụ thể là sách.
Hoặc năm ngoái, cộng đồng mạng bất ngờ “tố” cuốn sách ảnh “150 năm hình bóng Sài Gòn” do Nhà xuất bản Trẻ phát hành năm 2015, tác giả Tam Thái đã sử dụng ảnh chế từ trên mạng. Theo đó, trong cuốn sách có bức ảnh thứ hai mô tả chiếc thang quá đầy đã bị người dùng chân đạp văng ra khiến một số người rơi tự do... là hình ảnh cắt ghép ở trên mạng. Trước sơ suất nghiêm trọng trong cuốn sách, đơn vị xuất bản cuốn sách đã yêu cầu người biên tập và tác giả Tam Thái giải trình, đồng thời nhà xuất bản tạm dừng phát hành cuốn sách trên toàn quốc.
Quay lại sự việc gần đây nhất, phim “Dạ cổ hoài lang” có cảnh ông Tư Lành (diễn viên Hoài Linh) khóc, nắm tay vợ trước khi bà qua đời. Diễn viên đóng vai vợ ông Tư là Ngọc Hiệp. Tuy nhiên, ảnh thờ không phải gương mặt của nữ diễn viên Ngọc Hiệp mà là gương mặt của một người phụ nữ khác, đó chính là hình ảnh bà Tống Mỹ Linh (phu nhân của Tưởng Giới Thạch).
Từ hình ảnh vô lối này, khán giả vô cùng bức xúc với ê-kíp thực hiện bộ phim vì đã sử dụng ảnh một cách cẩu thả đến khó tin. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng sau đó cho biết nhóm thiết kế đã dùng hình mặt diễn viên Ngọc Hiệp áp vào 1 khung hình có ảnh thờ mà họ tìm trên mạng, đã qua chỉnh sửa photoshop và đó chính là ảnh bà Tống Mỹ Linh. Điều này có nghĩa tổ thiết kế đã tìm ảnh cho phim từ trên mạng và dẫn đến một sai sót rất khó chấp nhận.
Từ những vụ việc trên cho thấy, việc sử dụng hình ảnh trên mạng vào tác phẩm nghệ thuật của không ít người ở nước ta hiện nay rất vô trách nhiệm, bộc lộ sự cẩu thả, thiếu sự đánh giá về độ xác thực, nội dung và nguồn gốc, xuất xứ của bức ảnh. Quan trọng hơn cả, các sự việc trên cho một số người đang có tính ỷ lại, lười biếng và phụ thuộc khi “cậy nhờ” vào các trang mạng tìm kiếm trên internet.
Theo ông Bùi Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả: “Không thể lấy những hình ảnh “trôi nổi” trên mạng rồi đưa vào tác phẩm của mình được. Cách làm như vậy là không ổn”!
Hoàng Anh