Nguy cơ về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung lại nóng
10:16 | 23/03/2018
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Năm đã “châm ngòi nổ cháy chậm” trong việc áp thuế nhâp khẩu chống lại Trung Quốc mà ông đã cam kết từ lâu, nhưng hành động của ông dường như là “lời cảnh báo” hơn là khơi mào một cuộc chiến thương mại toàn diện với Bắc Kinh.
![]() |
Ảnh minh họa |
Bản ghi nhớ được Tổng thống Trump ký hôm thứ Năm nhắm đến mục tiêu áp thuế nhập khẩu lên 60 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc mà chính quyền của ông nói là chiếm dụng quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ, nhưng chỉ sau giai đoạn tham vấn kéo dài 30 ngày.
Trump cũng giao cho Bộ Tài chính Mỹ trong vòng 60 ngày để phát triển các hạn chế đầu tư nhằm ngăn chặn các công ty và quỹ do Trung Quốc kiểm soát mua lại các công ty Mỹ hoạt động trong lĩnh vực công nghệ nhạy cảm.
Trước đó ông Trump cũng đã áp mức thuế nhập khẩu 25% đối với thép và 10% đối với nhôm mà theo nhiều ý kiến là cũng nhắm vào Trung Quốc. Ông cũng đã bày tỏ mong muốn Trung Quốc có những hành đọng cụ thể để giảm mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, hiện đã lên tới 375 tỷ USD.
Mới đây, các quan chức Nhà Trắng nói với một cuộc họp báo rằng chính quyền đang trông đợi mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD. Họ cho biết con số này dựa trên tính toán tác động đến lợi nhuận của các công ty Mỹ bị buộc phải bàn giao tài sản trí tuệ như là “cái giá” để được kinh doanh ở Trung Quốc.
Thế nhưng con số thực tế lên tới 60 tỷ USD và hiện vẫn không có sự giải thích nào về sự khác biệt giữa con số 50 tỷ USD mà các quan chức Nhà Trắng nói với con số 60 tỷ USD khi ông Trump ký bản ghi nhớ.
Everett Eissenstat - Phó Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia nói: “Nhiều trong số những lĩnh vực này là những lĩnh vực mà Trung Quốc đã tìm cách đạt được lợi thế thông qua việc mua lại không công bằng và chuyển giao công nghệ bắt buộc từ các công ty Mỹ”.
Mặc dù vậy, quãng thời gian chờ đợi này là cơ hội để các nhà vận động hành lang trong ngành công nghiệp và các nhà làm luật Mỹ có cơ hội giảm bớt danh sách mục tiêu đang được đề xuất lên tới 1.300 sản phẩm, phần lớn trong số đó thuộc lĩnh vực công nghệ.
Nó cũng sẽ tạo ra không gian cho các cuộc đàm phán tiềm năng đối với Bắc Kinh để giải quyết các cáo buộc của Trump về sở hữu trí tuệ và trì hoãn việc bắt đầu hành động trả đũa ngay lập tức chống lại các sản phẩm của Mỹ, từ máy bay tới đậu nành.
“Tôi xem họ là một người bạn” Trump nói về người Trung Quốc khi ông bắt đầu thông báo của mình. “Chúng tôi đã nói chuyện với Trung Quốc và chúng tôi đang trong quá trình đàm phán”.
Tuy nhiên, các hành động của ông đã gây ra phản ứng quyết liệt từ đại sứ quán Trung Quốc tại Washington khi tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ “chiến đấu đến cùng” trong bất kỳ cuộc chiến thương mại nào với Mỹ. “Chúng tôi sẽ trả đũa”, Đại sứ Trung Quốc Cui Tiankai nói trong một đoạn video đăng trên trang Facebook của đại sứ quán.
Trung Quốc đã đe dọa nhắm mục tiêu xuất khẩu hàng hoá nông nghiệp của Hoa Kỳ, đặc biệt là 14 tỷ USD trong xuất khẩu đậu nành.
Trong khi phản ứng từ các tập đoàn công nghiệp của Mỹ là tìm cách cân bằng. Một mặt họ hoan nghênh Tổng thống về giải quyết vấn đề thâu tóm các công ty công nghệ Mỹ của các đối thủ Trung Quốc, nhưng mặt khác lại thúc giục các cuộc đàm phán thay vì hàng rào thuế quan.
“Các nhà kinh doanh của Mỹ muốn thấy các giải pháp cho những vấn đề này, nhưng những biện pháp trừng phạt như thuế quan đơn phương có thể làm hại nhiều hơn lợi ích”, John Frisbie - Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung nói.
Mặc dù vậy, động thái của ông Trump đã dội thêm một gáo nước lạnh vào thị trường chứng khoán toàn cầu, đặc biệt chứng khoán Mỹ với việc cổ phiếu của các lĩnh vực có khả năng hững chịu hành động trả đũa của Trung Quốc sụt giảm mạnh như cổ phiếu của Boeing giảm 5,2% và nhà sản xuất thiết bị làm đất Caterpillar giảm 5,7%.
Đồng USD vừa phục hồi nhẹ có đúng 1 phiên lại quay đầu giảm mạnh sau khi ông Trump ký biên bản ghi nhớ.
Hoàng Nguyên