Việt Nam là đối tác và hình mẫu tốt
08:49 | 08/03/2019
Việt Nam là một đối tác quan trọng trong Chiến lược 2030 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và là một hình mẫu tốt cho việc hiện thực hóa chiến lược này – các chuyên gia của ADB khẳng định trong cuộc trao đổi với báo giới về những ưu tiên hoạt động của ADB trong Chiến lược 2030 và những tác động đến hỗ trợ của tổ chức này cho Việt Nam trong thập kỷ tới?
![]() | ADB và WB đẩy mạnh áp dụng đấu thầu qua mạng tại Việt Nam |
![]() | Chiến lược 2030 của ADB: Linh hoạt, thích ứng để phù hợp |
![]() |
Ông Tomoyuki Kimura - Tổng Vụ trưởng Vụ Chiến lược và Chính sách của ADB |
Ông có thể cho biết mục tiêu và các ưu tiên trọng tâm trong Chiến lược 2030 của ADB?
Chiến lược 2030 của ADB hướng tới một khu vực châu Á – Thái Bình Dương thịnh vượng, đồng đều, thích ứng và bền vững. Để thực hiện được tầm nhìn này, điểm quan trọng trong Chiến lược 2030 của chúng tôi là thay đổi về cách tiếp cận. Đó là sử dụng cách tiếp cận tập trung vào từng quốc gia, cùng với đó là kết hợp hợp lý các hoạt động trong khu vực công và khu vực tư nhân sao cho phù hợp nhất với nhu cầu và các thách thức phát triển vốn không giống nhau của mỗi quốc gia thành viên. Đồng thời, chúng tôi cũng chuyển đổi từ cách tiếp cận theo ngành đơn lẻ sang một cách tiếp cận đa ngành, dựa trên ưu tiên hoạt động.
Gắn với Việt Nam, cách thức và hỗ trợ của Chiến lược 2030 là gì?
Ví dụ, nếu Chính phủ Việt Nam muốn ADB hỗ trợ giải quyết vấn đề đô thị hóa ở Hà Nội và mong muốn hỗ trợ trong các lĩnh vực cụ thể như giao thông, CSHT, môi trường… thì ADB sẽ không nói là không hỗ trợ bởi vì đây không còn thuộc các ngành và lĩnh vực ưu tiên của ADB nữa. Thay vào đó, chúng tôi sẽ nói đồng ý và ADB sẽ cung cấp một gói giải pháp cho các vấn đề này của Hà Nội. Đó chính là một sự thay đổi rất lớn trong cách tiếp cận của ADB nhằm mang lại lợi ích tốt hơn.
Tài trợ các dự án của Chính phủ vẫn là một mảng hoạt động của ADB nhưng theo Chiến lược 2030, chúng tôi cũng sẽ mở rộng hoạt động hỗ trợ khu vực tư nhân ở Việt Nam, phát huy vị thế của mình để tăng cường vai trò xúc tác của ADB trong việc huy động nguồn tài chính tư nhân (thông qua cung cấp các phương thức và sản phẩm mới như: Bảo lãnh dựa trên chính sách; Khuyến khích sử dụng các sản phẩm nâng cao chất lượng tín dụng). Bên cạnh đó, ADB cũng mở rộng sang hỗ trợ, đảm bảo tài chính cho các dự án hợp tác công - tư (PPP).
![]() |
Việt Nam rất quan tâm thu hút đầu tư tư nhân để phát triển CSHT |
Thế nên nếu trước đây, khi ADB ngồi bàn bạc với Chính phủ Việt Nam về kế hoạch hoạt động cho 3-4 năm sau đó thì chủ yếu là nói về tài trợ tài chính cho các chương trình, dự án Chính phủ. Nhưng theo Chiến lược 2030, hai bên sẽ phải bàn cụ thể để xem như đâu là các công cụ tài trợ cần thiết và phù hợp nhất, đâu là những khoản vay cho Chính phủ như truyền thống trước đây hay đâu là các tài trợ, tư vấn, bảo lãnh cho khu vực tư nhân hay thông qua các cơ chế như PPP. Điều chúng tôi mong muốn là gắn các hoạt động tài trợ Nhà nước và tài trợ cho/từ khu vực tư nhân để từ đó có thể kết hợp tốt nhất về các nguồn tài chính để đáp ứng nhu cầu của Việt Nam.
Ông đánh giá thế nào về tiềm năng thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân vào CSHT như thông qua cơ chế PPP ở Việt Nam?
Tôi nhận thấy ở Việt Nam hiện đặc biệt quan tâm đến hoạt động của khu vực tư nhân. Môi trường để giúp khu vực tư nhân đầu tư vào CSHT ở Việt Nam đã có những cải thiện trong thời gian qua và chúng tôi hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều dự án CSHT tốt và khả thi và về phía ADB, chúng tôi sẽ hỗ trợ cho Chính phủ trong xây dựng và chuẩn bị các dự án PPP tốt để thu hút khu vực tư nhân vào đầu tư. Chiến lược 2030 của ADB cũng mở rộng phạm vi hoạt động hơn, ví dụ trong lĩnh vực CSHT trước đây tập trung chủ yếu vào năng lượng thì nay mở hơn như xử lý nước, giao thông… và như thế thì hy vọng cũng sẽ giúp tăng cường tài trợ cho khu vực tư nhân của chúng tôi ở Việt Nam.
![]() |
Ông Eric Sidgwick - Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam |
Ông có thể cho biết các cách thức chính mà ADB giúp chính phủ Việt Nam?
Để phù hợp với Chiến lược 2030, chúng tôi xác định có bốn cách thức chính để giúp chính phủ Việt Nam. Thứ nhất, liên quan đến tài trợ vốn, chúng tôi sẽ sử dụng kết hợp nguồn vốn OCR (vốn vay thông thường) của ADB - đắt hơn môt chút so với vốn ADF hay vốn COL (vốn vay thông thường có ưu đãi) trước đây để giúp thu hút những khoản tài trợ từ các quỹ tín thác toàn cầu và từ các nhà tài trợ, các đối tác phát triển mà hiện nay họ vẫn đang có các khoản tài trợ không hoàn lại cho Việt Nam. Bằng hình thức kết hợp như thế thì sẽ giúp giảm bớt lãi suất của các khoản vay OCR, qua đó giúp tổng thể khoản vay sẽ có mức lãi suất hấp dẫn gần như các khoản vay ADF hay COL trước đây.
Thứ hai, sử dụng nguồn vốn OCR để tài trợ một phần cho các dự án CSHT được xác định là ưu tiên mà ở những dự án này thì nguồn vốn ngân sách Chính phủ chưa có đủ và khu vực tư nhân họ cũng chưa có khả năng tham gia vào.
Thứ ba, sử dụng vốn OCR để làm một công cụ xúc tác giúp huy động những nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, trong đó có các dự án PPP hay những lĩnh vực khác cần vốn.
Thứ tư, một yếu tố quan trọng khác là không chỉ dừng lại ở tài chính mà còn là kiến thức và quan hệ đối tác mà ADB có thể mang lại. Theo đó ADB có thể mang tới thêm các giá trị gia tăng, thông qua việc giới thiệu và đưa vào các dự án các công nghệ tiên tiến hơn, hay thông qua tư vấn chính sách, thông qua những khoản vay hỗ trợ chính sách, thông qua việc mang lại nhiều kiến thức hơn cho triển khai các dự án đó…
Vậy ông có gợi ý gì cho Việt Nam về thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân vào CSHT như thông qua cơ chế PPP ở Việt Nam?
Nói về PPP ở Việt Nam thì hiện nay ADB có hai dự án: Dự án về quản lý chất thải rắn ở Đà Nẵng và dự án xây dựng đường vành đai ở TP. Hồ Chí Minh. Chúng tôi đóng vai trò là một tổ chức tư vấn cho việc xây dựng các dự án này, qua đó để giúp các dự án này trở nên hấp dẫn hơn khu vực tư nhân. Chúng tôi mong muốn từ những kinh nghiệm mà chúng tôi có được từ sự hỗ trợ, tư vấn này sẽ giúp hình thành được những đề xuất về những nội dung cần được giải quyết trong luật PPP đang được xây dựng để từ đó làm cho môi trường cho PPP trở nên hấp dẫn và thuận lợi hơn.
Chúng tôi cho rằng, để thu hút được nhiều đầu tư theo hình thức PPP hơn thì cần sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế, khắc phục được những điểm hạn chế trong nghị định về PPP hiện nay, nâng cấp lên thành luật để trở thành công cụ pháp lý mạnh mẽ hơn.
Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của hai ông!
Đỗ Lê lược ghi