Dự án tuyến metro số 2 tại TP. HCM: Phải đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng
11:09 | 21/02/2020
Việc giải phóng mặt bằng đã khó, thế nhưng khâu di dời hạ tầng kỹ thuật cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, quyết định đến 60% sự thành bại của dự án tuyến metro số 2...
![]() | TP.HCM: Hơn 1.000 tỷ xây khu tái định cư dự án tuyến Metro số 2 |
![]() | TP.HCM: Sẽ xây dựng chung cư 24 tầng phục vụ GPMB tuyến Metro số 2 |
![]() |
Ông Trần Lưu Quang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM chỉ đạo công tác bồi thường giải phóng mặt bằng |
Ông Trần Lưu Quang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM cho rằng, với công trình tuyến metro số 2, nếu công tác đền bù giải phóng mặt bằng tiến hành chậm, đến tháng 10/2020 không giải ngân được vốn, sẽ tác động xấu đến hợp đồng tài trợ vốn của nhà tài trợ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến dự án trên, mà còn ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, khả năng tiếp nhận các dự án khác của thành phố. Chính vì thế, việc giải quyết các vấn đề về mặt bằng đang rất cấp bách bởi đây là dự án ưu tiên của thành phố. Hiện nay, các tuyến đường sắt đô thị được kỳ vọng sẽ giải quyết kẹt xe cho TP.HCM.
Giải thích thêm về tính cấp thiết phải triển khai nhanh công tác đền bù giải phóng mặt bằng, ông Bùi Xuân Cường, Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cho biết, dự án metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) cùng với tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết ùn tắc giao thông cho thành phố.
Theo đó, để có mặt bằng thi công tuyến metro số 2, TP. HCM phải giải tỏa 602 hộ dân, di dời hạ tầng kỹ thuật của 28 đơn vị như cấp nước, cây xanh, ánh sáng, viễn thông... Muốn làm được điều này, phải có sự phối hợp giữa các đơn vị thực hiện. “Việc giải phóng mặt bằng đã khó, thế nhưng khâu di dời hạ tầng kỹ thuật cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, quyết định đến 60% sự thành bại của dự án tuyến metro số 2”, ông Cường cho biết.
Trong công tác này của dự án, đến nay đã có 108 hộ nhận tiền đền bù, 53 hộ bàn giao mặt bằng. Dự kiến trong tháng 2/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ duyệt xong nội dung điều chỉnh về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để các quận áp dụng triển khai đồng bộ.
Sau khi hỏi ý kiến lãnh đạo 6 quận có liên quan, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM yêu cầu, đến ngày 30/6 phải cơ bản hoàn tất bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án; đồng thời, bàn giao mặt bằng để xúc tiến triển khai các bước tiếp theo của dự án. Để làm tốt nhiệm vụ khó khăn của công tác đền bù giải phóng mặt bằng ông Quang đề nghị các đơn vị chú trọng, huy động cả hệ thống chính trị để triển khai quyết liệt.
Ban chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án sẽ họp để triển khai công tác này vào thứ 6 tuần thứ hai mỗi tháng. Các quận, sở ngành phải phối hợp tốt, phát huy vai trò người đứng đầu, chủ động giải quyết các khó khăn trong phạm vi thẩm quyền, không “đùn đẩy”, né tránh trách nhiệm. Trong các cuộc họp phải mời bằng được lãnh đạo các đơn vị có công trình hạ tầng liên quan cần phải giải tỏa trên tuyến đường để có thể giải quyết nhanh các vấn đề cấp bách.
Ông Quang yêu cầu Sở Xây dựng TP.HCM phải có văn bản hướng dẫn cho các quận, huyện về việc cấp phép xây dựng, làm sao để không ảnh hưởng đến metro. Qua đó, các quận, huyện sẽ nắm được tình hình và giải quyết được các vấn đề liên quan đến việc cấp phép xây dựng cho các công trình liên quan hành lang bảo vệ an toàn tuyến metro số 2, cũng như quy hoạch cao tầng và cấp phép cho dân sửa chữa xây dựng.
“Ba “thủ lĩnh” là trưởng Ban MAUR, giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, giám đốc Sở Xây dựng nhất thiết phải tham gia, tuyệt đối không vắng họp. Lãnh đạo các quận gồm các phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực, quận ủy phải có mặt họp để phối hợp thật tốt về thời gian, áp lực hoàn thành, chủ động giải quyết mọi vấn đề trong thẩm quyền của mình, không được né tránh. Những cuộc họp hàng tháng này sẽ là một cơ sở để xét thi đua hằng năm, đánh giá có hoàn thành nhiệm vụ hay không đối với cán bộ thực hiện công tác đền bù giải tỏa mặt bằng của dự án này”, ông Quang cương quyết nói.
Bài và ảnh Ngọc Hậu