Đừng để người tiêu dùng quay lưng
09:45 | 20/03/2020
“Giá thịt lợn nên ở một mức hợp lý thì mới kích thích sản xuất phát triển bền vững, còn để giá cao quá thì người tiêu dùng sẽ quay lưng vì họ có rất nhiều lựa chọn khác như tôm, trứng, cá...”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chia sẻ.
![]() | Đáp ứng nhu cầu người dân đối với các vật tư phục vụ phòng chống dịch virus corona |
Hiện tại, ở thị trường phía Bắc, giá thịt lợn hơi có nơi lên hơn 85.000 đồng/kg, ở phía Nam có mức trên dưới 80.000 đồng/kg. Trong khi đó, lãnh đạo một đơn vị chăn nuôi cung ứng lượng thịt lợn lớn nhất thị trường hiện nay là Công ty cổ phần chăn nuôi CP cho biết, luôn ủng hộ quan điểm chủ trương bình ổn giá của Chính phủ, Bộ NN&PTNT, và đơn vị này bán thịt lợn hơi ra thị trường ở mức 75.000 đồng/kg, tùy khu vực. Giá này đồng nghĩa với việc đã thấp hơn giá thị trường, tuy nhiên vẫn chưa tác động là bao đến giá thị trường.
Trước đó, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, hiện nay doanh nghiệp chăn nuôi bán giá 75.000 đồng/kg thịt lợn thì đã có lãi rất cao khi giá thành sản xuất trong tình hình dịch bệnh chỉ xoay quanh 40.000 đồng/kg lợn hơi.
![]() |
Giá thịt lợn nên ở một mức hợp lý thì mới kích thích sản xuất phát triển bền vững |
Thịt lợn là mặt hàng thiết yếu, chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 70%) trong cơ cấu tiêu dùng thực phẩm, và giá mặt hàng này vẫn liên tục tăng cao kể từ giữa năm 2019, đặc biệt vào đầu năm 2020, khi có thời điểm vượt mức kỷ lục lên tới trên 90.000 đồng/kg lợn hơi. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT dự kiến, tổng nguồn cung thịt lợn năm 2020 sẽ đạt 4 triệu tấn, hoạt động tái đàn đã tích cực hơn, cộng thêm hàng chục nghìn tấn thịt đang được tăng cường nhập khẩu từ các nước bù đắp cho sự thiếu hụt của thị trường... sẽ là cơ sở vững chắc để bình ổn giá cả thị trường.
Trước động thái giảm giá thịt lợn theo kiểu “nhỏ giọt”, thậm chí còn tăng giá của các doanh nghiệp lớn, lãnh đạo ngành nông nghiệp cũng đã nhắc lại câu chuyện, khi giá thịt lợn xuống rất thấp, phải kêu gọi người tiêu dùng giải cứu thịt lợn, giúp giá nhích dần trở lại. Thậm chí, khi thịt lợn bị dịch, người tiêu dùng tìm các sản phẩm khác thay thế thì các cơ quan ban ngành bằng nhiều giải pháp đã khuyến khích người tiêu dùng tiêu thụ thịt lợn.
“Giá thịt lợn nên ở một mức hợp lý thì mới kích thích sản xuất phát triển bền vững, còn để giá cao quá thì người tiêu dùng sẽ quay lưng vì họ có rất nhiều lựa chọn khác như tôm, trứng, cá...”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chia sẻ.
“Doanh nghiệp chăn nuôi lợn lớn phải làm chủ, dẫn dắt thị trường, đừng để đánh mất thị trường ngay trên sân nhà”, ông cũng khuyến cáo.
Minh Lâm